Bệnh nhân, 43 tuổi, 5 năm trước phẫu thuật nâng ngực bằng túi nhám silicone hình giọt nước, nay kiểm tra phát hiện túi ngực đã vỡ.
Túi ngực vỡ được các bác sĩ phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Bệnh nhân cho biết khi mới phẫu thuật nâng ngực đã bị đau nhiều, ngực bầm tím và căng cứng, phải massage nhiều tháng ngực mới mềm được. Sau đó chị không đến bác sĩ khám kiểm tra ngực hàng năm. Đầu năm nay nghe thông tin loại túi ngực nhám bị thu hồi ở châu Âu và Mỹ vì có thể gây phản ứng bao xơ hoặc sinh ra tế bào lạ quanh vỏ túi, chị lo lắng nên đến thẩm mỹ viện - nơi đã đặt túi ngực - để khám.
Bác sĩ tại đây tư vấn chị mổ đặt túi lần đầu bằng đường nách, lần này phải thay bằng đường mổ khác. Không muốn tạo thêm sẹo trên ngực, chị đến khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, khám.
Phó giáo sư Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, ngày 2/7 cho biết bề mặt túi ngực bệnh nhân nhấp nhô không đều. Kết quả chụp cộng hưởng từ bằng máy 3.0 Tesla, là phương tiện hiện đại nhất trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú hiện nay, cho thấy túi ngực đã vỡ mà bệnh nhân không biết.
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi qua đường nách, lấy túi ngực cũ cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật rất khó khăn vì vỏ túi nhám to đã bám chắc và dính chặt vào tổ chức xung quanh ngực. Rất may hệ thống nội soi hiện đại phóng to các chi tiết cuộc mổ lên 6 đến 10 lần và hiển thị rõ nét giúp bác sĩ lấy hết phần bao xơ dày, làm sạch silicone lỏng đã tràn ra ngoài. Vỏ xơ xù xì quanh túi cũng được gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh để tìm tế bào ác tính.
Sau 30 phút kiểm tra cầm máu cũng là lúc kết quả giải phẫu bệnh cho thấy không có tế bào lạ, các bác sĩ mới tiến hành thay thế túi ngực cũ đã vỡ bằng túi ngực mới cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hà, có nhiều nguyên nhân gây biến chứng vỡ túi ngực. Trong trường hợp này, có thể bệnh nhân đã không được tư vấn kỹ nên chọn phương pháp mổ theo đường nách không nội soi. Khi đó, do bóc khoang không chính xác, phẫu thuật viên chọn loại túi nhám to để túi nhanh dính vào tổ chức tránh di lệch sau này. Tuy nhiên, đặc thù túi nhám to luôn cứng và vỏ xù xì như tờ giấy nên ngực sau mổ khó mềm mại. Ngoài ra, theo thời gian, vỏ nhám có thể kích thích cơ thể tạo bao xơ dẫn đến bị vỡ túi hoặc sinh ra một số tế bào lạ quanh bao. Vì vậy, gần đây giới chức y tế Mỹ và châu Âu thu hồi các loại túi nhám to này trên thị trường.
"Bệnh nhân này khá may mắn, được phát hiện biến chứng vỡ túi sớm và phẫu thuật kịp thời để lấy ra silicone vỡ khi nó chưa kịp phát tán đi xa trong cơ thể", bác sĩ Hà nói.
Bác sĩ Hà khuyên người nâng ngực bằng các loại túi nhám to tương tự, cần phải khám và theo dõi thường xuyên. Nếu không có dấu hiệu bất thường, chỉ cần siêu âm, chụp chiếu kiểm tra hàng năm. Nếu xuất hiện các triệu chứng cứng đau hay u cục, nên đến các trung tâm thẩm mỹ được cấp phép và đủ phương tiện máy móc, để kiểm tra và điều trị.
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét