Sau 4 ngày 4 đêm kiểm đếm tại kho hàng rộng 10.000m2 ở Lài Cai, số lượng sản phẩm bị tạm giữ lên đến 237 đầu sản phẩm các loại, với trên 158.000 sản phẩm. Đặc biệt, để niêm phong số lượng hàng hóa này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã thuê riêng 34 container.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT, Tổ trưởng Tổ QLTT trong thương mại điện tử (TMĐT) (Tổ 368) - với phóng viên Báo Công Thương ngay sau khi đột kích chuyên án hàng lậu này.
Mới đây, 1 kho hàng lậu rộng 10.000m2 tại Lào Cai đã được Tổng cục QLTT phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an đột kích kiểm tra. Ông có thể chia sẻ cụ thể về hành trình theo dõi, đột kích phá chuyên án này?
Đây là một trong vụ việc tiêu biểu, có quy mô lớn mà từ trước tới nay các lực lượng chức năng như QLTT, TMĐT phát hiện. Mô hình bán hàng thông qua hình thức livestream mới phát triển từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, cuối năm 2019, chúng tôi thấy trên mạng Internet và thực tế có 1 luồng hàng hóa được vận chuyển từ Lào Cai về các thành phố lớn, thậm chí các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tôi nghi ngờ đây là hàng hóa nhập lậu, hoặc không có nguồn gốc xuất xứ, và một số sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu lớn trên thế giới có đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Qua quá trình theo dõi, chúng tôi đặt ngay một dấu hỏi, liệu trên Lào Cai đang có mô hình kinh doanh, đưa hàng lậu vào thị trường Việt Nam hay không? Ngay sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã chỉ đạo một số kiểm soát viên dày dặn kinh nghiệm, tiến hành tổ chức lập chuyên án theo dõi đối tượng này.
Mô hình kinh doanh này được bố trí chuyên nghiệp, xây dựng mô hình như một công ty thu nhỏ với đầy đủ các bộ phận, chuyên nghiệp hóa từng khâu.
Ngay từ thời điểm đầu, chúng tôi chưa hình dung hết được quy mô cũng như độ phức tạp của mô hình kinh doanh này. Qua 5 tháng theo dõi, đặc biệt qua dịp Covid-19, các mô hình TMĐT có cơ hội phát triển, chúng tôi mới hình dung hết quy mô của mô hình kinh doanh này. Đây là vụ việc rất phức tạp và đối tượng rất tinh vi.
Thủ đoạn của các nhóm đối tượng này đã xây dựng mô hình kinh doanh được vận hành bài bản. Chủ của nhóm đối tượng này tên là Trần Thành Phú (28 tuổi, tại TP. Lào Cai). Nhóm đối tượng này đã thuê trên 70 nhân viên, phân công rất rõ ràng và chuyên nghiệp hóa. Theo đó, có bộ phận chuyên làm nhiệm vụ livestream giới thiệu sản phẩm; bộ phận chuyên chốt đơn hàng; bộ phận kế toán, hành chính, tổng hợp; bộ phận chuyên đóng gói sản phẩm hàng hóa; bộ phận chuyên làm công tác hậu cần, bốc vác, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. Trong mô hình kinh doanh này còn đầu tư, bố trí xe tải để tiện vận chuyển hàng hóa đưa về kho chính, hoặc từ kho chính đưa về kho phụ.
Đối tượng này đã tổ chức hoạt động kinh doanh khoảng 2 năm trở lại đây. Qua đo đếm thông tin ban đầu, trong những tháng năm 2020, hoạt động kinh doanh của các đối tượng này có mức doanh thu tương đối lớn. Vì đây là bán lẻ trên Internet, mỗi tháng thu về trên 10 tỷ đồng. Số lượng sản phẩm họ tuồn vào thị trường Việt Nam trên 90-100 ngàn sản phẩm/1tháng. Lượng hàng lậu đưa vào nội địa nhờ vào mô hình kinh doanh này rất nhiều.
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT.
Có thể nói đây là vụ án được đánh giá rất lớn, và là vụ kinh doanh hàng giả, hàng lậu online được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hóa từng khâu. Vậy lực lượng QLTT gặp khó khăn gì khi thực hiện chuyên án này, thưa ông?
Đối với chuyên án lần này, có 3 khó khăn cơ bản. Thứ nhất là mô hình này dựa vào việc bán hàng, phát hình trực tiếp trên mạng Internet, cho nên để đeo bám các đối tượng, các giao dịch rất khó khăn. Bên cạnh đó, cùng một thời điểm, có hàng vạn người xem livestream đó, vì vậy để đưa thành chứng cứ thuyết phục đòi hỏi công sức theo dõi rất lớn.
Thứ hai, đối tượng này rất thủ đoạn vì chọn 1 địa điểm kinh doanh đắc địa. Đó là tại một kho hàng phía sau có một quả đồi che chắn, phía trước chỉ có một mặt tiền, phía kia là đường ray xe hỏa ga Lào Cai. Đặc biệt, vị trí đó cách biên giới rất gần. Chỉ cần chuyển hàng qua biên giới là ngay lập tức tập kết vào kho, với chi phí rẻ, thời gian khó bị phát hiện.
Ngay trong chính kho hàng đó, các mặt hàng không bày công khai, mà đặt trong 1 khung nhà thép tiền chế rất rộng, trên 10.000 m2, với không gian kín đáo, người ngoài không thể phát hiện bên trong, mặc dù bên trong rất nhộn nhịp.
Ngoài ra, phía bên ngoài mặt tiền khu đất này là biệt thự của công ty cho thuê, người ta chỉ nghĩ đó là nhà của đại gia, được bao quanh hàng rào, có bảo vệ, chòi canh, camera quan sát 24/7. Vì vậy, sau khi nắm bắt thông tin trên mạng Internet, đến khi lên trên Lào Cai giám sát trực tiếp khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ ba, khó khăn khi xác minh đối tượng cầm đầu, chủ mưu đường dây này. Bởi đối tượng này không giao dịch trực tiếp với khách hàng bán lẻ, mà chủ yếu tập trung vào kinh doanh bán buôn.
Tuy vậy, nhờ sự góp mặt tích cực của lực lượng thuộc Bộ Công an, có trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn và có thẩm quyền để tiến hành một số nghiệp vụ đặc thù, thì chúng tôi mới có thể đeo bám và xử lý đối tượng này.
Bên trong kho hàng rộng khoảng 10.000m2 chứa hàng trăm nghìn mặt hàng gồm giày, dép, đồng hồ, túi xách... không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn nghi giả mạo nhãn hiệu của các hãng lớn như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci...
Sau 4 ngày 4 đêm phân loại, kiểm đếm số hàng lậu bị tạm giữ, xin ông cho biết kết quả cụ thể kiểm đếm kho hàng này?
Trước tiên, chúng tôi làm thủ tục tạm giữ tang vật, sau 4 ngày, 4 đêm, số lượng sản phẩm vi phạm lên đến 237 đầu sản phẩm các loại khác nhau. Số lượng sản phẩm trên 158 ngàn sản phẩm. Để có thể niêm phong hàng hóa này, lực lượng QLTT đã thuê riêng 34 container để đưa toàn bộ số hàng hóa vào trong container và tiến hành niêm phong kẹp chì, đưa vào kho và tiến hành bảo quản, làm căn cứ để xử lý.
Vụ việc đột kích kho hàng lậu tại Lào Cai đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn, đặc biệt với mô hình TMĐT. Thời gian tới, cơ quan chức năng có những giải pháp nào mạnh tay để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng trên TMĐT, thưa ông?
Rõ ràng, trên TMĐT, giao dịch chớp nhoáng, công tác lưu trữ thông tin không được minh bạch, rõ ràng như giao dịch truyền thống gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn công tác nắm bắt thông tin thị trường, địa bàn. Bởi khi cho dù diễn ra trong môi trường truyền thống hay online, các hoạt động kinh doanh đều phải nằm ở một địa chỉ, địa điểm nào đó tiến hành kinh doanh. Nếu nắm tốt khâu địa bàn, quản lý tốt hành vi, thì không quá ngại xử lý mô hình này.
Đối với Tổng cục QLTT, lãnh đạo Tổng cục đã quán triệt chung các Cục QLTT tỉnh, thành phố tập trung triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020 theo Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT ngày 20/11/2019 của Tổng cục QLTT và Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1/10/2019.
Ngoài ra, thời gian tới, Tổng cục QLTT cũng mục tiêu nhắm đến đường dây, ổ nhóm chuyên lợi dụng TMĐT để tiến hành kinh doanh trái phép trên Internet.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung đấu tranh nhóm đối tượng lợi dụng đơn vị chuyển phát. Bởi các đơn vị này đang bị các mô hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái lợi dụng để biến mình trở thành công cụ chuyển món hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đó, đi đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, với chi phí thấp nhất. Ngay trong vụ việc của Lào Cai, 2 đơn vị chuyển phát chuyên nghiệp vào tận kho để tiến hành đóng hàng thay cho họ, sau đó đưa lên xe tải, từ các hệ thống xe tải, hòa trong mạng lưới chuyển phát của các đơn vị này, để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Vì vậy, cần đấu tranh những đối tượng lợi dụng kho hàng chuyên nghiệp, lợi dụng kho chuyển phát của đơn vị có mạng lưới chuyển phát rộng khắp để tiến hành chuyển hàng.
Về hành lang pháp lý, mong cơ quan thực thi pháp luật, hoạch định chính sách sửa đổi văn bản, quy phạm pháp luật để theo hướng có chế tài mang tính chất răn đe, tăng nặng đối với hình thức kinh doanh đặc thù trên mạng Internet mà gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác khi mua hàng. Một trong yếu tố gây sự chú ý đối với người mua chính là giá của sản phẩm. Không phải cái gì rẻ cũng là đồ tốt. Vì vậy, trước khi mua hàng phải xác định người bán hàng là ai, mua 1 sản phẩm có được đổi trả lại hay không, sản phẩm mua được có giống với mô tả giao trên mạng hay không. Đòi hỏi người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức để tránh việc tiếp tay cho hàng lậu, hàng giả.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nguồn Báo Công Thương
0 comments:
Đăng nhận xét