16 thg 8, 2020

10 bài học đơn giản rèn luyện để trở thành người bản lĩnh

 Những bài học đơn giản "Old but gold", đủ sức thay đổi cả đời người mà ai cũng cần áp dụng.


Bài học số 01

Một người đàn ông hỏi bác nông dân: “Ông trồng lúa mì à?”

Người nông dân đáp: “Không, tôi đang lo trời sẽ không mưa.”

Người đàn ông hỏi lại: “Vậy ông trồng cây bông à?”

Người nông dân đáp: “Không, tôi sợ rằng sâu bọ sẽ ăn bông mất.”

Người đàn ông hỏi lại: “Vậy rốt cuộc ông sẽ trồng cây gì?”

Người nông dân đáp: “Không trồng gì cả vì cái gì tôi cũng chẳng thấy yên tâm.”

Bài học rút ra: Không dám chấp nhận rủi ro và ngồi im thì đương nhiên cũng chẳng có cơ hội đạt được điều gì.

Bài học số 02

Có hai con ngựa cùng kéo xe. Một con đi nhanh, một con đi chậm rì rì. Thế là chủ hàng chuyển hết hàng hóa từ con ngựa phía sau lên cho con ngựa đi nhanh phía trước.

Con ngựa đi chậm cười hả hê: “Đó, ra sức tranh công làm gì, càng chăm chỉ thì càng bị hành hạ nhiều, càng vất vả hơn thôi!”

Người chủ thì nghĩ: “Một con ngựa đã có thể kéo được chừng này hàng thì tại sao lại phải nuôi tận 2 con cơ chứ?”

Thế là, con ngựa lười biếng bị giết, lấy làm thịt ăn.

Kinh nghiệm rút ra: Đây chính là hiệu ứng “ngựa lười” trong kinh tế học, khi bạn khiến cho người khác thấy rằng mình không còn đóng góp giá trị gì nữa, vậy thì ngày bạn bị “đá” ra khỏi cuộc chơi không còn xa.

Bài học số 03

Với thu nhập hàng tháng chỉ đạt trung bình 7 triệu đồng/tháng, một anh nhân viên văn phòng vẫn quyết tâm mua chiếc máy tính trị giá 20 triệu đồng. Trong khi vợ trách móc, "Anh bị điên rồi!", người chồng chỉ nói, "Tôi làm việc cả đời làm gì nếu không có khả năng mua mỗi một chiếc máy tính mình yêu thích?"

Để trả nợ, anh ta bắt đầu cắn răng đi làm thêm, gia tăng thu nhập. Và cuối cùng, chỉ sau 3 tháng, họ đã chi trả hết khoản nợ cho cái máy tính mơ ước.

Bài học rút ra: Nếu bạn thậm chí không có đủ can đảm để theo đuổi những điều mình thích, vậy thì bạn đã định sẵn là một kẻ thất bại.

Bài học số 04

Một vị thiền sư nhìn thấy con bọ cạp rơi xuống nước và quyết tâm cứu nó. Ai ngờ vừa chạm tới, con bọ cạp chích ngay vào ngón tay ông.

Thiền sư không sợ, lại đưa tay ra một lần nữa, nhưng lại bị con bọ cạp đốt thêm phát điếng người.

Một người bên cạnh bèn nói: “Nó luôn đốt ông như vậy, tại sao còn phải cố cứu?”

Thiền sư trả lời: “Bản chất của con bọ cạp là đốt, còn bản chất của tôi là thiện. Há có thể vì bản chất của nó mà từ bỏ bản chất của mình.”

Bài học rút ra: Sai lầm của chúng ta là đã thay đổi bản thân quá nhiều bởi vì thế giới bên ngoài.

Bài học số 05

Nelson Mandela đã từng bị giam giữ 27 năm, chịu nhiều hình thức ngược đãi.

Sau này, khi ông thoát khỏi và đạt được vị thế lớn trong chính giới, ông đã mời 3 người trông coi tù từng ngược đãi mình đến gặp mặt, lúc đó tất cả mọi người đều tĩnh lặng như tờ, chỉ sợ một hình phạt đáng sợ sẽ giáng xuống đầu.

Ai ngờ ông chỉ nói: “Khi tôi bước ra khỏi tù, lúc bước ra khỏi cổng ngục giam, tôi đã xác định rất rõ ràng rằng, nếu tôi giữ lại tất cả nỗi đau, oán hận, thì tôi cũng giống như ở trong tù vậy”.

Điều cần rút ra: Tha thứ cho người khác, kỳ thực là thăng hoa chính mình.

Bài học số 06

Có hai quán phở cùng trong chợ đêm. Quầy hàng liền nhau, chỗ ngồi cũng giống nhau. Sau một năm kinh doanh, quầy A kiếm đủ tiền để mua một gian nhà nhỏ, trong khi quầy B vẫn chưa. Vì sao?

Nguyên nhân là do, tuy quầy B kinh doanh tốt nhưng bát mỳ bê ra rất nóng, khách hàng ít nhất phải bỏ ra 15 phút mới có thể ăn hết một bát.Trong khi đó, tại quầy A, họ ngâm mỳ đã luộc trong nước đá 30 giây, sau đó mới chan nước dùng nóng và bưng ra phục vụ khách, nhiệt độ vừa phải, khách hàng chỉ bỏ ra 5 phút đã ăn xong. Chủ quán có thể nhanh chóng đón tiếp khách mới.

Bài học rút ra: Tiết kiệm thời gian cho khách hàng thì tiền có thể đến nhanh hơn.

Bài học số 07

Ba người đi chơi, một người cầm ô, một người chống gậy, một người tay không. Lúc về, người cầm ô bị ướt sũng, người chống gậy thì bị thương, chỉ có người thứ ba không sao cả.

Hóa ra, khi trời mưa, người cầm ô vẫn bất chấp đi nên bị gió tạt cho ướt. Khi gặp bùn, người chống gậy vẫn bất chấp đi nên bị ngã do trơn trượt. Còn người đi tay không thì trú mưa khi mưa tới và sẵn sàng đi đường vòng khi gặp bùn bẩn, vậy là tới đích êm đẹp mà không có gì xảy ra.

Tích lũy rút ra: Trong nhiều trường hợp, chúng ta không bị đánh bại vì khuyết điểm, mà do ưu điểm. Quá tự tin, bạn bất chấp mà lao vào rắc rối, cuối cùng xôi hỏng bỏng không.

Bài học số 08

Trong một thị trấn nhỏ, người thứ nhất mở trạm xăng và công việc kinh doanh rất tốt. Người thứ hai đến mở nhà hàng, người thứ ba mở siêu thị, tất cả đều kinh doanh rất tốt. Khu vực này nhanh chóng trở nên thịnh vượng, cả thị trấn đều khá giả hơn.

Trong thị trấn nhỏ khác bên cạnh, người thứ nhất tới mở trạm xăng và công việc kinh doanh rất tốt. Nhưng người thứ hai đến mở trạm xăng thứ 2, người thứ ba, thứ tư và sau đó nữa cũng vậy. Cuộc cạnh tranh luẩn quẩn khiến tất cả đều kinh doanh không tốt.

Bài học rút ra: Đi đường của người khác một cách mù quáng chính là cản đường của chính mình.

Bài học số 09

Một ngày, chú quạ muốn chuyển nhà, bèn tới tạm biệt bồ câu. Chim bồ câu hỏi: “Cậu muốn đi đâu?”

Quạ đáp: “Thực ra tôi không muốn đi, nhưng mọi người đều ghét tiếng kêu của tôi khó nghe, nên tôi đành phải đi nơi khác.”

Chim bồ câu nói: “Nếu họ ghét tiếng kêu của cậu thì cậu đáng lẽ phải tìm cách đổi giọng mới phải, chứ tự dưng đổi nhà làm gì? Nếu không thay đổi tiếng kêu thì cậu bay đi bất cứ đâu cũng vậy mà thôi.”

Kinh nghiệm rút ra: Nếu bạn thay đổi cuộc sống, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi bản thân.

Bài học số 10


Một gia đình có ba người con trai, từ nhỏ đã sống trong những trận cãi vã không dứt, thường xuyên phải chứng kiến mẹ bị cha đánh đập.

Con trai cả nghĩ: Mẹ thật đáng thương! Sau này có vợ, nhất định mình không được giống cha!

Con gái thứ hai nghĩ: Lấy chồng thật đáng sợ! Sau này mình sẽ không lấy chồng!

Con út thứ ba nghĩ: Hóa ra đánh vợ là thế này đây!

Bài học rút ra: Cho dù sống trong môi trường giống nhau thì cách suy nghĩ khác nhau vẫn có thể tạo ra những cuộc sống hoàn toàn khác nhau.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét