Hiện tại, ACB, SHB là 2 doanh nghiệp duy nhất của sàn Hà Nội có vốn hóa tỷ đô, bỏ khá xa các doanh nghiệp khác như VCG, VCS, PVS…và viễn cảnh HNX hoàn toàn vắng bóng doanh nghiệp tỷ đô là điều sắp diễn ra.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua phương án chuyển đăng ký niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Trước ACB, một ngân hàng lớn khác đang niêm yết trên sàn Hà Nội là SHB cũng có kế hoạch chuyển sàn niêm yết sang HoSE. Với đà bứt phá mạnh từ đầu năm tới nay nhờ thông tin bán công ty tài chính tiêu dùng SHBFC, cổ phiếu SHB đã bứt phá mạnh và vốn hóa hiện đã lên hơn 24.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Nếu ACB và SHB hoàn tất việc chuyển sàn HoSE như dự kiến, đây sẽ là điều đáng buồn cho HNX khi mất đi 2 doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn nhất. Hiện tại, ACB, SHB là 2 doanh nghiệp duy nhất của sàn Hà Nội có vốn hóa tỷ đô, bỏ khá xa các doanh nghiệp khác như VCG, VCS, PVS…và viễn cảnh HNX hoàn toàn vắng bóng doanh nghiệp tỷ đô là điều sắp diễn ra.
Màu xanh lá: HoSE; cam: HNX; xanh dương: UPCom
Sàn HNX ngày càng "nguội lạnh", vắng bóng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau gần 20 năm hoạt động có 3 sàn giao dịch chính thức, bao gồm 2 sàn niêm yết (HoSE, HNX) và một sàn giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom).
Trước đây, các cổ phiếu lớn trên thị trường chủ yếu giao dịch trên 2 sàn niêm yết HoSE và HNX. Trong khi sàn UPCom thường bị coi là "sân chơi hạng 2", nơi chủ yếu quy tụ các cổ phiếu với chất lượng không cao, hoặc các cổ phiếu bị hủy niêm yết và phải "xuống hạng" UPCom. Thanh khoản UPCom cũng rất èo uột và quy mô thị trường này khá nhỏ so với 2 sàn niêm yết.
Tuy vậy, trong khoảng 4 năm trở lại đây, sàn UPCom đang có bước chuyển mình lớn và thậm chí vượt xa sàn niêm yết HNX cả về số lượng doanh nghiệp cũng như quy mô thị trường.
Nếu như năm 2013, vốn hóa sàn UPCom chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng, bằng ¼ vốn hóa HNX thì đến năm 2016, vốn hóa UPCom đã tăng vọt lên hơn 280 nghìn tỷ đồng, gấp đôi sàn HNX. Số liệu mới nhất vào ngày 21/8/2020, vốn hóa UPCom đã lên tới hơn 790 nghìn tỷ đồng, gấp 3,8 lần vốn hóa HNX.
Thiếu vắng doanh nghiệp lớn, HNX ngày càng "nguội lạnh"
Việc UPCom có bước nhảy vọt về quy mô bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính ra đời Thông tư 180/2015/TT-BTC (Thông tư 180), hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết.
Theo Thông tư 180, tất cả các công ty đại chúng (CTĐC) hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCom trong vòng một năm kể từ ngày 1/1/2016. Bên cạnh đó, đối với các CTĐC hình thành sau ngày 1/1/2016, trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCKNN có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký CTĐC hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCom.
Đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa dưới hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, Thông tư 180 cũng quy định trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả chào bán của UBCKNN, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch theo quy định.
Thông tư 180 ra đời đã kéo theo nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và giao dịch trên sàn UPCom. Có thể kể tới nhiều doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn đã và đang giao dịch trên UPCom như Vietnam Airlines (HVN), ACV, VEAM (VEA), Becamex (BCM), Việt Tiến (VGG), Vinatex (VGT), Viettel Post (VTP), Viettel Global (VGI)…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn như VIB, Masan Consumer (MCH),…cũng đăng ký giao dịch trên UPCom thay vì chọn niêm yết trên HNX, HoSE giúp thị trường này thêm phần sôi động.
Trong khi UPCom đang có bước tiến lớn thì HNX đang gặp khó trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn niêm yết. Các doanh nghiệp lớn giờ đây thường chọn HoSE để niêm yết, hoặc lựa chọn UPCom làm bước thử trước khi chuyển lên HoSE. Khoảng 3 năm gần đây, thường chỉ có các doanh nghiệp quy mô nhỏ niêm yết trên HNX.
Không chỉ gặp khó trong việc thu hút doanh nghiệp, các "đầu tàu" của HNX thậm chí đang có xu hướng chuyển sàn. Những tên tuổi lớn của HNX trước đây như AAA, VND, SCR…đều đã chuyển sang niêm yết trên HoSE, sắp tới là các doanh nghiệp "tỷ đô" như ACB, SHB cũng chuyển sàn. Với quy mô sàn HNX ngày càng thu hẹp, bộ chỉ số HNX30 Index ra đời đã vài năm nhưng gần như không được nhà đầu tư chú ý đến.
Khoảng cách vốn hóa giữa ACB, SHB và các doanh nghiệp khác trên HNX là khá lớn
Thời gian tới khi ACB, SHB chuyển sàn HoSE, doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất HNX khi đó sẽ là VCG với hơn 14.000 tỷ đồng, tiếp theo là VCS với vốn hóa xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Với quy mô khiếm tốn như vậy, có lẽ sẽ rất lâu nữa mới có doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô xuất hiện trên sàn giao dịch HNX.
Theo Trí thức trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét