4 thg 8, 2020

Cảnh giác đa cấp biến tướng

Tuy không phải là loại hành vi phạm tội mới, nhưng thủ đoạn lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp vẫn đang tiếp tục đưa nhiều người “vào bẫy”. Lý do là các công ty sử dụng chiêu thức mới, tạo vỏ bọc phức tạp từ các khóa học làm giàu, bán hàng online, bất động sản, cho đến khởi nghiệp sáng tạo…
Nhiều người mắc bẫy với ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0

Chỉ riêng trong tháng 7, các cơ quan chức năng đã phát hiện điều tra, xử lý không ít vụ việc liên quan tới đường dây, công ty đa cấp biến tướng. Đơn cử, mới đây Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác mất tiền khi tham gia đầu tư hệ thống Winsbank. Hệ thống này có dấu hiệu sử dụng tiền ảo làm phương tiện huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp. Hệ thống Winsbank “hứa hẹn” với nhà đầu tư có lãi suất cố định từ 2 - 12%/năm, sau khi tham gia hệ thống bằng cách mua tiền ảo với 13 gói đầu tư có giá trị tương đương từ 100 - 1.000.000 USD.

Lực lượng công an phát hiện, hệ thống Winsbank do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và trụ sở tại Việt Nam. Bản chất Winsbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả lãi cho người tham gia, đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được. So với thủ đoạn truyền thống khá lộ liễu, áp dụng với việc bán một vài mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... hiện nay, các tổ chức tội phạm lừa đảo theo mô hình kinh doanh đa cấp đang hoạt động dưới nhiều vỏ bọc phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, lợi dụng môi trường internet.

Theo các ngành chức năng, các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn như: Chia sẻ, kêu gọi mọi người tham gia đầu tư vào các dự án lớn, có thu nhập cao. Thực tế, các dự án này do các đối tượng tự vẽ ra hoặc thổi phồng, liên kết với các doanh nghiệp ở nước ngoài không có năng lực để người tham gia và cơ quan chức năng khó kiểm tra, kiểm soát, đánh giá.

Cùng với đó là phương thức “ngụy trang” dưới các nhãn mác như: Lớp học kỹ năng mềm, tổ chức tín dụng, sàn thương mại điện tử, công ty khởi nghiệp. Lợi dụng sự quan tâm của xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng với các loại hình kinh doanh này, nhiều kẻ lừa đảo đa cấp xuất hiện dưới hình tượng truyền cảm hứng làm giàu cho giới trẻ, kêu gọi vốn đầu tư cộng đồng.

“Bắt kịp” xu thế 4.0, các hình thức tuyên truyền kinh doanh lừa đảo đa cấp hiện nay chủ yếu được tiến hành trên mạng xã hội facebook, thay vì tổ chức nhiều hội nghị đình đám thì lôi kéo người tham gia qua trò chuyện trực tuyến và livestream.

Các cơ quan chức năng khuyến nghị, người dân trước khi đầu tư phải tìm hiểu thật rõ về công ty, tìm hiểu căn cứ pháp lý của các dự án đầu tư thông qua các loại giấy tờ như: Đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, hồ sơ dự án… Nếu công ty đưa ra bản photo, người tham gia cần yêu cầu doanh nghiệp ký xác nhận để đối tượng chịu trách nhiệm với tài liệu đã cung cấp. Người dân có nghi vấn cần xác minh tại các cơ quan chức năng cấp phép, đồng thời nên kiểm tra thực tế dự án để xem xét quy mô, tiến độ, tính khả thi của dự án nhằm hạn chế những rủi ro thiệt hại khi tham gia.

Theo quy định, kinh doanh đa cấp phải có hàng hóa, giấy phép hoạt động được cấp bởi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) trước khi hoạt động. Hiện nay, nhiều đối tượng huy động vốn theo dạng mô hình đa cấp trái phép. Nếu đủ căn cứ chứng minh kinh doanh đa cấp trái phép, các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 217a Bộ luật Hình sự.

Nguồn Báo Công Thương

0 comments:

Đăng nhận xét