Hàng loạt đợt chào bán lần đầu chứng quyền dựa trên các mã lớn như VPB, VRE, VNM, VHM, TCB, REE, PNJ, MWG… tháng 7 cho kết quả phân phối bằng 0, tức là không một nhà đầu tư nào bỏ tiền ra mua. Chứng quyền có nhiều ưu thế và lại được phát hành bởi các công ty chứng khoán lớn, tại sao lại không một người mua?
Chứng quyền kiểu châu Âu và bất cập về cách thu thuế
Sau hơn 1 năm ra đời, toàn TTCK Việt Nam hiện có 75 mã chứng quyền (CW) do 6 công ty chứng khoán phát hành (SSI, HSC, MBS, KIS, VNDS, VCSC) dựa trên 21 mã cổ phiếu cơ sở.
Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có loại chứng quyền mua, tức là người sở hữu chứng quyền có quyền mua cổ phiếu tại thời điểm đáo hạn, chứ chưa có chứng quyền bán, tức là cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền bán cổ phiếu ở một mức giá xác định trước tại ngày đáo hạn.
Thế giới có 2 loại chứng quyền phổ biến, đó là chứng quyền kiểu châu Âu và chứng quyền kiểu Mỹ. Chứng quyền kiểu châu Âu là chứng quyền mà người sở hữu chỉ được thực hiện quyền tại ngày đáo hạn, còn chứng quyền kiểu Mỹ thì linh hoạt hơn.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu, các công ty chứng khoán chỉ chào bán chứng quyền kiểu châu Âu.
Các chứng quyền lưu hành trên thị trường có trạng thái lãi/ lỗ > 20%.
Theo đó, nhà đầu tư sở hữu chứng quyền có 2 lựa chọn, hoặc là bán chứng quyền trên sàn để thu tiền về, hoặc là đợi đến ngày đáo hạn để yêu cầu tổ chức phát hành thanh toán số tiền chênh giữa giá thực hiện và thị giá của chứng khoán cơ sở (nếu có). Từ đây phát sinh một bất cập không nhỏ về chính sách thuế áp dụng cho loại hàng hóa này.
Trong các bản cáo bạch chào bán chứng quyền, Công ty Chứng khoán SSI không mô tả cụ thể tất cả các tình huống thuế nhà đầu tư phải nộp nhưng có ghi rõ: “Trong một số trường hợp, số tiền thuế phải nộp có thể cao hơn số tiền thanh toán mà nhà đầu tư nhận được từ tổ chức phát hành, phụ thuộc vào tương quan giữa giá thanh toán của chứng khoán và tỷ lệ chuyển đổi”.
Theo quy định, chứng quyền được giao dịch như chứng khoán cơ sở nên khi chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư có thu nhập sẽ phải chịu thuế 0,1% trên giá trị giao dịch.
Trường hợp nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền đến ngày đáo hạn, do quy định hiện hành mới quy định quyền chuyển giao bằng tiền (không có cổ phiếu), nên thời điểm phát sinh thu nhập là thời điểm nhà đầu tư thực hiện quyền.
Thu nhập của nhà đầu tư được áp dụng thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần. Trong đó, giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần bằng giá thanh toán của chứng khoán cơ sở nhân với số lượng chứng quyền, chia cho tỷ lệ chuyển đổi.
Theo quy định trên, khi chưa đến thời điểm thực hiện quyền thì nhà đầu tư bán lỗ cũng sẽ phải chịu thuế thu nhập trên tổng giá trị giao dịch bán chứng quyền.
Còn nếu để đến thời điểm thực hiện quyền, giá thanh toán chứng khoán cơ sở càng lớn (như các mã MWG, NVL, PNJ… có thị giá từ 60.000 đồng/cổ phiếu trở lên) thì khoản thuế nhà đầu tư phải nộp sẽ càng lớn.
Khoản thuế này không phụ thuộc gì vào giá chứng quyền, mà lại được tính theo giá chứng khoán cơ sở.
Đây là một điểm bất hợp lý và là lý do giải thích cho khuyến nghị: “Trong một số trường hợp, số tiền thuế phải nộp có thể cao hơn số tiền thanh toán mà nhà đầu tư nhận được từ tổ chức phát hành”.
Có nên tham gia sàn chứng quyền?
Thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, hiện có 6 công ty chứng khoán tham gia phát hành 75 mã CW dựa trên 21 mã cổ phiếu cơ sở.
Theo số liệu Bloomberg, tính theo số lượng, KIS là công ty phát hành nhiều nhất với 29 mã CW, tiếp theo là SSI có 16 mã và HSC có 13 mã. Về thanh khoản thị trường, nhóm CW của SSI dẫn đầu và chiếm 36%, MBS ở vị trí thứ 2 đạt 23%, tiếp theo là KIS Vietnam chiếm 21,5% và HSC chiếm 16%.
+ Chứng quyền có lãi là chứng quyền mua có giá thực hiện thấp hơn giá của chứng khoán cơ sở.
+ Chứng quyền có lỗ là chứng quyền mua có giá thực hiện cao hơn giá của chứng khoán cơ sở.
+ Giá thanh toán chứng quyền khi thực hiện quyền là bình quân giá đóng cửa của chứng khoán cơ sở trong 5 ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn, không bao gồm ngày đáo hạn.
Nói về cơ hội đầu tư vào chứng quyền, các công ty chứng khoán truyền tải cùng thông điệp, rằng sản phẩm mang lại cho nhà đầu tư cơ hội phòng hộ rủi ro cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Đây cũng là sản phẩm đầu tư có chi phí thấp hơn so với cổ phiếu và có tính đòn bẩy cao, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận với chứng quyền với nhiều chiến lược đầu tư khác nhau.
Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu sôi động, tình trạng chứng quyền ế ẩm trên thị trường sơ cấp diễn ra ở hầu hết các đợt phát hành.
Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản chứng quyền dao động từ 6-15 tỷ đồng/phiên, không đáng kể so với thanh khoản khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên trên thị trường cổ phiếu.
Chứng quyền có bảo đảm đòi hỏi nhà đầu tư phải có hiểu biết nhất định về sản phẩm. Các tổ chức phát hành phải tính toán rất kỹ lưỡng sức khỏe tài chính doanh nghiệp để đưa ra giá bán chứng quyền và giá thực hiện của chứng quyền (giá thực hiện là giá của cổ phiếu dùng làm tài sản cơ sở cho chứng quyền, giá này được tổ chức phát hành sử dụng để xác định khoản thanh toán cho người sở hữu chứng quyền).
Do phải thực hiện chức năng tạo lập thị trường (*), nên các mức giá này không chỉ để tham khảo, mà có liên quan trực tiếp đến lãi/lỗ từ nghiệp vụ này của công ty chứng khoán.
Do đó, nhà đầu tư nếu chưa tham gia sân chơi chứng quyền, cũng nên đọc các bản cáo bạch phát hành chứng quyền của những công ty chứng khoán lớn, để hiểu về cách định giá 21 mã cổ phiếu theo thời gian.
Bên cạnh vấn đề về thuế, việc nhà đầu tư không mặn mà mua chứng quyền trên thị trường sơ cấp còn bởi giá chứng quyền được đưa ra khá cao.
Chẳng hạn, SSI chào giá 6.900 đồng/chứng quyền cho mã HPG với giá thực hiện là 24.000 đồng/cổ phiếu và thời gian đáo hạn là 01/12/2020.
Trước đó, tháng 5, SSI chào giá 12.900 đồng/chứng quyền cho mã MWG với giá thực hiện là 87.000 đồng/cổ phiếu và thời gian đáo hạn là 30/11/2020; giá chào 17.500 đồng/chứng quyền cho mã VNM với giá thực hiện là 118.000 đồng/cổ phiếu và thời gian đáo hạn là 30/11/2020…
HSC thì xây dựng giá chứng quyền từ 1.000 - 2.000 đồng (tùy điều kiện cụ thể), nhưng các đợt phát hành cuối tháng 7 vừa qua cũng không thu hút được người mua mới.
Sân chơi chứng quyền về lý thuyết là rất hấp dẫn, nhưng thực tế mới có rất ít nhà đầu tư tham gia. Chính sách thuế và chính sách giá chào bán có thể là những nút thắt chính.
Cách tạo lập giá cho chứng quyền của công ty chứng khoán (*)
Tổ chức phát hành phải tham gia đặt lệnh trong 5 phút kể từ khi có các việc sau:
- Chỉ có lệnh bên mua hoặc bên bán chứng quyền.
- Không có lệnh bên mua và bên bán chứng quyền.
- Tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5%. Tức là tỷ lệ giữa (giá chào bán thấp nhất - giá chào mua cao nhất)/giá chào mua cao nhất.
- Trường hợp không có lệnh mua và lệnh bán chứng quyền, tổ chức phát hành phải yết giá 2 chiều để tạo giá và tạo thanh khoản cho thị trường.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét