Tính theo giá ngày 7/8, vốn hóa thị trường Trisedco (DAT) đã lên tới 3.464 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn hóa IDI, dù IDI hiện là công ty mẹ nắm giữ trực tiếp 79,25% cổ phần Trisedco, thậm chí lớn hơn cả vốn hóa ASM và IDI cộng lại.
Trái với diễn biến ảm đạm của hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, DAT của CTCP Đầu tư du lịch và Phát triển Thủy sản (Trisedco) đang có sự bứt phá ấn tượng trong khoảng 2 tháng nay.
Từ vùng giá quanh ngưỡng 7.000 đồng vào giữa tháng 6, cổ phiếu DAT đã có chuỗi 36 phiên tăng trần liên tiếp và thị giá ngày 7/8 đã lên tới 75.300 đồng. Đây được coi là một trong những chuỗi tăng trần dài nhất lịch sử TTCK Việt Nam.
Thành viên của Tập đoàn Sao Mai, dòng tiền hoạt động kinh doanh thường xuyên âm
Với hầu hết nhà đầu tư trên thị trường, Trisedco là cái tên khá xa lạ. Công ty này được thành lập từ năm 2007 tại tỉnh An Giang. Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ Trisedco hiện đạt hơn 460 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (Mã CK: IDI) với tỷ lệ sở hữu trực tiếp 79,25%. Ngoài ra, công ty mẹ của IDI là Tập đoàn Sao Mai (Mã CK: ASM) và các lãnh đạo trong tập đoàn này cũng nắm giữ cổ phần tại Trisedco.
Trisedco hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến hải sản với sản phẩm chính là bột cá và mỡ cá. Trong năm 2019, doanh thu từ mặt hàng bột cá chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Trisedco với 71,51%, mỡ cá chiếm 20,63%. Ngoài bột và mỡ thì doanh thu của Trisedco còn từ hoạt động mua bán sản phẩm phụ (sản phẩm giá trị gia tăng như bong bóng cá, vây cá, ức cá, bao tử…) và cho thuê tài sản.
Năm qua, Trisedco đã đẩy mạnh hoạt động thương mại bột cá nhằm tăng doanh số và chiếm lĩnh thị trường bột cá trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, công ty cũng phát triển các thị trường tiềm năng khác để đang dạng hóa nơi tiêu thụ và phân tán rủi ro trong kinh doanh ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Trong chiến lược phát triển, Trisedco cho biết sẽ liên kết với các đơn vị thành viên khác trong tập đoàn Sao Mai để tạo lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Kết quả kinh doanh Trisedco những năm gần đây tăng trưởng khá tốt. Trong năm 2019, Trisedco đạt doanh thu 2.493 tỷ đồng, tăng 57% và lợi nhuận sau thuế 62,3 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Dù vậy, năm 2020, công ty đặt kế hoạch khá thấp với doanh thu chỉ còn 2.000 tỷ đồng, giảm 20% và lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng, giảm 36%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trisedco chỉ đạt 18,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong trường hợp hoàn thành kế hoạch năm nay, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) Trisedco chỉ là 870 đồng. Tính theo mức giá hiện nay, P/E cổ phiếu đã lên tới gần 87 lần, một con số "không tưởng".
Một điểm đáng chú ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Trisedco thường xuyên âm. Tính tới cuối tháng 6/2020 là âm 66 tỷ đồng. Nợ vay Trisedco cũng khá lớn, lên tới xấp xỉ 900 tỷ đồng, chiếm 57% cơ cấu nguồn vốn công ty.
Vốn hóa gấp 10 lần công ty mẹ, chuỗi tăng trần thiếu bền vững
Tính theo giá ngày 7/8, vốn hóa thị trường Trisedco (DAT) đã lên tới 3.464 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn hóa IDI, dù IDI hiện là công ty mẹ nắm giữ trực tiếp 79,25% cổ phần Trisedco.
Trong khi đó, vốn hóa Tập đoàn Sao Mai (ASM) hiện chỉ đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Như vậy, vốn hóa Trisedco thậm chí còn lớn hơn cả ASM và IDI cộng lại.
Dù vậy, đà tăng của cổ phiếu DAT thời gian qua đang bị giới đầu tư nghi ngờ về tính bền vững bởi kết quả kinh doanh không quá nổi bật, thậm chí còn đang đi lùi trong năm 2020 cùng với yếu tố sức mạnh tài chính không quá tốt.
Ngoài ra, trong chuỗi tăng trần 36 phiên liên tiếp của DAT phần lớn chỉ khớp lệnh 10 cổ phiếu, phiên cao nhất cũng chưa tới 3.000 cổ phiếu. Với cách giao dịch kỳ lạ vậy, việc DAT có thể quay đầu bất kỳ lúc nào cũng là điều không quá bất ngờ.
DAT tăng trần nhiều phiên với khối lượng vỏn vẹn 10 cổ phiếu.
Theo Trí thức trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét