Sự bùng nổ của loại hình kinh doanh qua mạng hay bán hàng online thời gian qua đã đem lại cho người kinh doanh những khoản thu không hề nhỏ. Điều đáng nói là cá nhân có các khoản thu nhập này lại vô tình hoặc chủ ý không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước theo quy định, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Thất thu thuế từ kinh doanh qua mạng
Kinh doanh online đặc biệt là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo… đang phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Đặc biệt, trái ngược với những ngành nghề kinh doanh khác chịu ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh Covid-19, đây lại là cơ hội để kinh doanh qua mạng phát triển mạnh mẽ hơn.
Kinh doanh qua mạng mang lại doanh thu "khủng" cho nhiều cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người bán hàng online không biết hoặc không muốn thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, kê khai và nộp thuế cho Nhà nước.
Điển hình như vụ việc bán hàng bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên Facebook của một kho hàng rộng hơn 10.000m2 ở Lào Cai vừa được lực lượng chức năng phát hiện tháng 7/2020 vừa qua. Toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, châu Âu.
Mỗi ngày, kho hàng này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ là hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn trong vòng chưa đến 2 năm, doanh thu bán hàng của kho hàng này là hơn 649 tỷ đồng nhưng hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Theo quy định tại Thông tư số 92/2015-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính, các cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định.
Từ vụ việc nêu trên có thể thấy, việc thu thuế đối với người kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn do người bán hàng không có địa chỉ cư trú, kinh doanh rõ ràng, tên đăng ký trên mạng khác với tên thật. Điều này đã cản trở việc nắm bắt thông tin của cơ quan thuế. Trong khi đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế của các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử chưa cao. Thói quen mua hàng không lấy hóa đơn, thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho người kinh doanh trốn thuế.
Theo quy định tại Thông tư số 92/2015-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính, các cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định. Theo đó, các cá nhân có thu nhập từ các bán hàng qua mạng thuộc diện cá nhân kinh doanh và phải thực hiện nghĩa vụ khai nộp thuế theo tỷ lệ 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế. Mức phạt đối với cá nhân là ½ mức tiền phạt đối với tổ chức.
Siết chặt quản lý thuế với người kinh doanh qua mạng
Việc không thu được thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh online không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo môi trường cạnh tranh không công bằng cho các loại hình kinh doanh khác. Để chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng, cơ quan thuế đã tổ chức tập huấn, khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng, giao dịch điện tử, tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đồng thời, thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra điểm đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử; tổng hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai để kiến nghị Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ kiện toàn cơ sở pháp luật điều chỉnh đối với nhóm đối tượng kinh doanh qua mạng.
Chia sẻ về công tác quản lý thuế kinh doanh qua mạng tại Hà Nội - một trong những địa bàn có hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển mạnh nhất, ông Lê Ngọc Huy, Phó Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, qua thu thập dữ liệu từ các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 6/2020, Cục Thuế TP. Hà Nội có danh sách, tài khoản của 36.068 shop bán hàng online với số tiền giao dịch là 14.290 tỷ đồng; trong đó, tài khoản của cá nhân là 35.971 tài khoản với số lượng tiền giao dịch 4.851 tỷ đồng; tài khoản doanh nghiệp là 97 tài khoản với số tiền giao dịch 9.438 tỷ đồng.
Cục Thuế TP. Hà Nội đã rà soát 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh; trong đó có khoảng 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế. Bước đầu cơ quan thuế đã thu được 1,2 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước đối với số tài khoản trên.
Hiện nay, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã có những quy định cụ thể nhằm siết chặt các quy định về thuế đối với thương mại điện tử theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online. Đồng thời, Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, trong đó có kinh doanh qua mạng.
Nguồn Tạp chí tài chính
0 comments:
Đăng nhận xét