Nhiều quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp siết chặt đi lại trong bối cảnh khu vực này sẽ chứng kiến làn sóng bùng dịch thứ hai. Tổng số người mắc COVID-19 toàn cầu đã vượt mốc 19 triệu, nhưng hơn 12 triệu người đã khỏi bệnh.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cảnh báo không nên đeo khẩu trang có van trong mùa dịch - Ảnh chụp màn hình
Mỹ khuyến cáo không đeo "khẩu trang có van" trong mùa dịch
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 6-8 đã ra khuyến cáo người dân không nên đeo các loại khẩu trang có van lọc hoặc lỗ thông hơi trong mùa dịch COVID-19. Theo CDC, dù đây là các van một chiều, vẫn có nguy cơ virus thoát ra môi trường bên ngoài thông qua các van này.
Cơ quan này lập luận việc mọi người đeo khẩu trang không chỉ là tự bảo vệ mình mà còn bảo vệ người khác, do đó trong giai đoạn này không nên đeo khẩu trang có van hoặc lỗ thông hơi.
Châu Âu siết biên giới, lo bùng phát đợt hai
Theo hãng thông tấn AFP, Đức là quốc gia châu Âu mới nhất áp dụng biện pháp kiểm dịch tăng cường. Theo đó bắt đầu từ ngày 8-8, Đức sẽ xét nghiệm bắt buộc tất cả người đến từ vùng có nguy cơ cao. Danh sách này chủ yếu gồm các nước ngoài châu Âu và một số tỉnh của Bỉ, Tây Ban Nha.
Áo, quốc gia láng giềng Đức, hôm 6-8 cũng đưa ra cảnh báo đi lại với Tây Ban Nha trong lúc Phần Lan từ chối nhập cảnh với những du khách đến từ một số nước EU trong đó có Bỉ, Hà Lan và áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày.
Một quan chức Phần Lan cho biết tình hình đang hết sức tình hình: "Một số dấu hiệu của đợt bùng phát thứ hai đã xuất hiện".
Hồi đầu tuần này, Na Uy cũng tuyên bố sẽ đưa Pháp trở lại danh sách "các nước đỏ" - tức có nguy cơ cao - trước việc số ca nhiễm mới tại Pháp bùng phát. Tất cả người đến từ Pháp sẽ bị cách ly 10 ngày khi nhập cảnh Na Uy.
Hơn 19 triệu ca nhiễm toàn cầu
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, tính đến sáng 7-8 (giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 19,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có gần 720.000 ca tử vong và hơn 12 triệu ca đã khỏi bệnh.
Tại châu Á, Ấn Độ đang là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 2 triệu ca mắc bệnh, trong đó gần 42.000 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới, cũng đã vượt mốc 5 triệu.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét