Đúng như dự báo của giới chuyên gia, báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng đã cho thấy tác động ngày càng rõ nét hơn của đại dịch Covid-19 khi mà lợi nhuận giảm mạnh do tín dụng tăng trưởng chậm chạp, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng cao khiến chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh.
Đơn cử như BacABank, tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng có 1,48%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,21% của cùng kỳ năm trước; trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 7% lên gần 122 tỷ đồng. Vì thế lợi nhuận trước thuế 6 tháng của nhà băng này giảm gần 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả một ông lớn có chất lượng hoạt động tốt như Vietcombank cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, tín dụng 6 tháng đầu năm của Vietcombank chỉ tăng khoảng 4,9%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 10,1% của cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 46 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm lên 1.856 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB lãi thuần trước trích lập hơn 4.351 tỷ đồng, tăng 17%; chi phí dự phòng tăng 4,5 lần lên 532 tỷ đồng, kéo lãi trước thuế xuống mức 3.819 tỷ đồng chỉ tăng 5%, tương đương hoàn thành 50% kế hoạch năm…
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2020 của các TCTD do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN Việt Nam) thực hiện hồi cuối tháng 5 và đầu tháng 6 ghi nhận 2 quý liên tiếp các TCTD cho biết tình hình kinh doanh toàn hệ thống có sụt giảm, mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng và cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao dự kiến ảnh hưởng lớn tới thu nhập và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong năm 2020.
Tuy nhiên cuộc điều tra này được thực hiện trước khi dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp trở lại. Nay với tình hình dịch bệnh hiện tại không khỏi khiến các lãnh đạo ngân hàng lo lắng. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng tỏ ra quan ngại nếu lần này lại tiếp tục phải giãn cách xã hội, rất nhiều DN không thể chống chọi được. Hiện tại kinh doanh đã rất khó khăn, hàng hóa không xuất khẩu được, hàng trong nước bán cũng chậm. Du lịch sau một thời gian ngắn hồi phục thì dịch bệnh quay lại. Ngành du lịch suy giảm kéo theo rất nhiều ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như khách sạn, dịch vụ lưu trú, vận tải... trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như vậy, DN không biết trông chờ vào đâu. “Khi DN khó khăn như vậy, ngân hàng khó mà tránh liên lụy được. Chắc chắn hoạt động kinh doanh bị trì trệ, lợi nhuận suy giảm, chất lượng tài sản xấu đi”, ông Tùng bày tỏ lo lắng.
Lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở khi mà trong thời gian qua, nhiều ngân hàng không chỉ đối mặt với suy giảm nguồn thu từ tín dụng, dịch vụ mà phải tăng mạnh trích lập dự phòng. Các chuyên gia phân tích của FiinGroup cũng cảnh báo, khi chính sách thay đổi, cụ thể là hết hạn cơ cấu nợ, thì nợ xấu có nguy cơ ập đến, bào mòn lợi nhuận ngân hàng. Chưa kể, tác động của Covid-19 đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, nhất là mảng tín dụng thường có độ trễ nhất định.
TS. Cấn Văn Lực có chung quan điểm khi nhận định, con số lợi nhuận trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay chỉ là tạm tính, chưa phản ánh hết bức tranh tài chính của các ngân hàng năm nay. Thông thường, các ngân hàng trích lập dự phòng mạnh nhất vào quý IV. Với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, báo cáo tài chính 2 quý tới có thể sẽ ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận do ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Theo tính toán của TS. Lực, lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng năm nay sẽ giảm 30.000 - 34.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, tức giảm 20 - 25%.
Theo dự báo của giới chuyên môn, với tình hình như hiện tại, cầu vốn của DN từ nay đến cuối năm thấp hơn so với thông lệ mọi năm. Thậm chí nhiều DN đang đối mặt với khả năng phải dừng hoạt động hoàn toàn. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và DN nói riêng sẽ giảm nữa, theo đó tín dụng cũng khó tăng. Như vậy, các ngân hàng đối mặt với muôn trùng khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Trước thực tế này, ông Tùng cho biết, ngân hàng không còn cách nào khác phải bám sát hoạt động khách hàng, tận dụng cơ chế Thông tư 01 hỗ trợ cho khách hàng. Song song với đó, ngân hàng tiếp tục khai thác khách hàng kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển như phụ kiện, năng lượng... Vấn đề nữa đảm bảo an toàn trong hoạt động, ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng nên chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lợi nhuận…
Khuyến khích các ngân hàng nỗ lực tiết giảm thêm chi phí để giảm lãi suất hỗ trợ cho DN nhưng giới chuyên môn cho rằng đó không phải là giải pháp căn cơ trong lúc này. Khó khăn lớn nhất của DN không phải là thiếu vốn mà là thị trường đang đứt gãy. Nên thời điểm này dù cố gắng “bơm” vốn ra nền kinh tế, kể cả vốn giá rẻ cũng chưa chắc nền kinh tế hấp thụ được. Do vậy, muốn tháo gỡ khó khăn cho DN phải tập trung giải quyết gốc của vấn đề tìm thị trường đầu ra cho DN.
Mặt khác, trong thời điểm khó khăn này, sự chia sẻ của các bộ, ngành khác có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho các ngân hàng có thêm dư địa tài chính để hỗ trợ DN. Chẳng hạn như vấn đề giảm cước phí tin nhắn. Có những ngân hàng tính toán trong năm nay họ phải bù lỗ tới 500 tỷ đồng tiền cước phí tin nhắn. Hiện tại, mức giá cước tin nhắn mà DN viễn thông đang áp dụng đối với các ngân hàng cao gấp gần 3 lần so với tin nhắn thông thường. Trước tình hình khó khăn, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã lần thứ 3 có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giảm cước phí tin nhắn khoảng 50% đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng để hỗ trợ các TCTD nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Giới chuyên môn đề nghị việc giảm phí hỗ trợ ngân hàng càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh này mỗi thành phần kinh tế đều phải có sự chung tay góp sức giảm gánh nặng cho toàn xã hội chứ không riêng cho bộ, ngành nào.
Nguồn Thời Báo Ngân Hàng.
Dành cho quảng cáo
0 comments:
Đăng nhận xét