25 thg 8, 2020

Làm việc 24 năm, một ngày tôi sững sờ phát hiện 7 việc trước giờ mình đã nghĩ sai: "Lợi bất cập hại"

Đã 3 năm kể từ ngày tôi xin nghỉ việc. Suốt 24 năm lếch thếch làm một nhân viên quèn, giờ tôi mới phát hiện ra rằng, hóa ra 7 sự thật này trước giờ mình đã nghĩ sai.


- Cố gắng ít đề cập đến câu "Trước đây tôi…", bởi vì nhà tuyển dụng cực kỳ khó chịu với nó.

- Trước đây, hầu như nói câu "Tôi quen người này người kia" đều chẳng có tác dụng gì.

- Sự nể trọng thực sự nằm ở bệ đỡ sau lưng bạn, chứ không phải ở bản thân bạn.

- Hãy chuẩn bị tâm lý với sự thay đổi thái độ 180 độ của người khác đối với bạn.

- "Bận nốt lần này là xong rồi", thực ra "nốt lần này" không bao giờ tồn tại

- "Đợi sau này có thời gian, tôi nhất định sẽ đi ..." Thực tế, không có cái gì gọi là "sau này", mà chỉ có hiện tại mà thôi.

- Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không liên quan gì đến việc bạn có thời gian hay không. Điều quan trọng là bạn có muốn hay không.

Sau khi nghỉ việc ở công ty đầu tiên, tôi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mới. Nhưng lạ thay, đã phỏng vấn 3 công ty mà vẫn không được nhận, mặc dù tôi đã có 2 năm kinh nghiệm. Mãi sau này tôi mới hiểu ra, mỗi lần đi phỏng vấn tôi luôn luôn nói rằng: Ngày xưa tôi thế này, ngày xưa tôi thế kia mà không hề biết nhà tuyển dụng cực ghét câu nói đó. Họ chỉ quan tâm hiện tại bạn thế nào, bạn có thể đáp ứng yêu cầu của họ không mà thôi.

Sau vài lần chật vật, tôi cũng được nhận vào một công ty quảng cáo với chức vụ nhân viên marketing. Ông sếp tốt bụng nhắc nhở tôi khi lần đầu tiên gặp mặt: "Hãy nghe cho kỹ này, muốn kiếm được nhiều đơn hàng, cậu cần phải quen biết nhiều người. Từ sếp lớn đến nhân viên bảo vệ, thậm chí cả cô quét dọn vệ sinh. Hãy nói chuyện với bất kỳ ai, bởi vì chỉ có vậy cậu mới có thể kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn."

Đúng! Một cây chẳng thể làm nên một khu rừng, một sợi tơ không thể làm thành một sợi chỉ. Trước kia, người hành tẩu giang hồ chẳng phải phải kết giao ít nhất vài bằng hữu sao?

Thế là, ngay ngày đầu tiên đến làm việc, tôi đã tìm mọi cơ hội để làm quen với tất cả mọi người, đặc biệt tìm mọi cách kết giao với những người có "máu mặt" trong công ty, mời họ đi ăn, đi chơi, xem phim, chụp ảnh…

Sau đó, vào một ngày đẹp trời nào đó, anh em văn phòng ngồi tán gẫu với nhau, tôi làm như chợt nhớ ra điều gì đó (thực chất là cố tình), nói với mọi người : "À, ông ấy hả? Đó là người anh em tốt của tôi đấy, hôm qua vừa đi xông hơi với nhau. Phải rồi, sáng nay ông ấy gọi điện mà tôi không nghe. Sorry mọi người nhé! Tôi ra ngoài gọi lại cho ông ấy tí.". Thế là tôi bỏ đi để lại ánh mắt ngưỡng mộ xen lẫn đố kị của bao người.

Tôi đã từng nghĩ rằng mình thực sự giỏi, vì dường như ở đâu cũng có người tôi quen biết. Danh bạ đầy rẫy những số điện thoại, hộp danh thiếp thì ngày càng chật hơn. Thực ra, tôi không phủ nhận việc quen biết nhiều cũng thuận lợi cho công việc hơn trước.

Nhưng dần dần, tôi bắt đầu nhận ra rằng 99% những mối quan hệ xã giao ấy không mang lại tác dụng nhiều, mà nó còn rất tốn kém.

Sau khi nghỉ việc, điều này càng được chứng minh rõ ràng hơn.

Người đi thì trà nguội, vốn dĩ chẳng có thế lực nào là mãi mãi. Dù địa vị cao bao nhiêu, quyền lực lớn đến mấy thì bạn cũng chỉ là một con rối, người ta chỉ nhìn vào cái bệ đỡ sau lưng bạn thôi.

Nói trắng ra, cái quan trọng là năng lực thực sự, chứ không phải những "mối quan hệ" rẻ tiền. Lý do khiến người khác tôn trọng bạn chẳng qua chỉ là cái quyền lực, lợi ích đứng sau bạn.

Mối quan hệ xã giao đó chẳng khác gì một ly trà nóng. Bạn cũng phải vất vả nấu nước thật sôi, pha trà thật ngon và giữ cho trà đượm vị. Nóng quá thì bỏng miệng, lạnh quá lại đau bụng. Thực sự không hề dễ dàng.

Đến hiện tại, danh bạ của tôi chẳng còn mấy người, thậm chí có tình cờ gặp lại cũng không hỏi thăm nhau được một câu, vậy nên hãy chuẩn bị tâm lý với sự thay đổi thái độ 180 độ của người khác đối với bạn.

"Bận" dường như đã trở thành câu cửa miệng của bất cứ ai, nó được dùng để giải thích hoặc bào chữa cho mọi tình huống "làm phiền".

"Bố ơi, bố kể chuyện cho con nghe với"

"Xin lỗi con, hiện tại bố rất bận. Đợi xong việc, bố sẽ chơi với con nhiều hơn"

"Chồng à, dạo này em thấy anh xanh xao quá, anh đến bệnh viện khám xem sao?"

"Để sau đi, gần đây anh bận quá. Sắp tới sếp sẽ kiểm tra công việc. Chờ xong việc anh sẽ đi khám, đến lúc đó anh sẽ dành thời gian đi chơi với em và con... "

"Cố gắng hết đợt này là ok rồi" dường như là câu nói động viên tôi suốt thời gian làm việc tại công ty. Lúc đầu tôi thực sự cảm thấy rằng thời gian này nên bận rộn một chút. Nhưng dần dần tôi phát hiện ra "bận nốt lần này" lại có thêm vài đợt bận nữa, bận nối tiếp bận. Tôi như một kẻ ngốc tự lừa dối bản thân, bạn bè và gia đình, lúc nào cũng cứ viện những cái cớ được lặp đi lặp lại, và tự dệt nên một giấc mơ "Chờ khi nào xong việc tôi sẽ đi cùng…".

Cuộc sống không có quá nhiều cái "sau này". Tất cả những gì bạn có là "bây giờ".

Trên thực tế, bạn không cần phải đợi đến khi "không đợi được nữa", chỉ cần bạn gác lại những thứ ngổn ngang trước mắt tiền bạc , danh tiếng, thành công ..., thử quay đầu nhìn lại những người và những thứ quan trọng trong cuộc đời mình, bạn sẽ hiểu được thực tế cuộc sống không có "sau này" mà chỉ có "hiện tại".

Tôi thấm câu nói ấy từ lần đi du lịch xa cùng bố mẹ cách đây 10 năm. Năm 18 tuổi tôi lên đại học, 4 năm sau tôi vào Sài Gòn lập nghiệp, và chỉ về quê hai lần trong gần 10 năm.

Một là vì bận bịu, hai là vì thói hư vinh, tự cao tự đại, luôn muốn đợi đến khi thành danh rồi mới trở về. Tiếc rằng, người tính không bằng trời tính, đến bây giờ tôi vẫn chỉ đủ ăn đủ tiêu. Nhắc đến là rơi nước mắt!

Từ nhỏ tôi đã có một mơ ước là dẫn bố mẹ đi du lịch khắp nơi, nhưng vì lý do vô lý và nực cười trên mà tôi chưa thực hiện được.

Mãi cho đến 10 năm trước, khi bố mẹ tôi đã hơn 70 tuổi, tôi mới đưa bố mẹ vào Đà Nẵng chơi. Tôi nhớ hôm đó bố tôi rất háo hức, ông dậy từ sáng sớm đi bộ đường dài ngắm cảnh mà không cần ăn sáng, ông hoàn toàn quên mất việc mình bị cao huyết áp và đau đầu gối.

Sau gần 30 phút, chúng tôi cũng đến một ngọn đồi nhỏ, nhưng muốn lên thưởng ngoạn cảnh đẹp thì phải leo hơn 40 bậc thang dốc. Lúc này, bố tôi đột nhiên nói: "Con đi đi, bố không đi nữa đâu."

"Bố, cố lên, chỉ một chút nữa là đến đỉnh đồi, chẳng phải tối hôm qua bố bảo hôm nay nhất định phải đi xem sao?", tôi quay đầu lại khó hiểu hỏi bố.

"Con đi đi, bố nghỉ một chút. Thực ra, phong cảnh bên dưới cũng khá đấy." Tôi thấy bố tôi đáp lại với vẻ bất lực, nhưng giả vờ như không có gì.

Nghe đến đây, tôi dừng bước, vội vã quay đầu lại và tỉ mỉ quan sát người đàn ông đằng sau, người đã gắn bó với tôi gần 40 năm, vừa quen (trước đây) nhưng vừa xa lạ (bây giờ).

Bố nhễ nhại mồ hôi, trông rất mệt mỏi, bố cùng mẹ ngồi trên ghế đá ven đường thở hổn hển xoa bóp đầu gối ngày càng yếu đi vì lão hóa.

Lúc đó, tôi nhìn bố tôi, sống mũi tôi cay, cảm giác tội lỗi và tự trách mình lập tức tràn ngập trong đầu.

Khi tôi rời khỏi nhà, mái tóc bố hãy còn đen, giờ đã bạc trắng hết cả. Tôi chợt nhận ra bố mẹ tôi đã già thật rồi!

Chúng ta đều biết rằng công việc không phải là tất cả. Ta cũng biết nếu ngày nào đó ta chết đi, sẽ không phải là sếp công ty, giám đốc bộ phận hay đám nhân viên bên cạnh, mà chính là gia đình và những người thân thiết bên ta.

Dù hiểu nhưng chúng ta vẫn không làm được, vì chúng ta phải sống, làm việc chăm chỉ và kiếm tiền, vì chúng ta muốn thành công.

Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không liên quan gì đến việc bạn có thời gian hay không. Điều quan trọng là bạn có muốn hay không.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét