Hiện nay, nghề nuôi yến đang rất thịnh hành vì nhanh "hốt bạc" nên nhiều hộ dân ở Cần Thơ tiến hành nuôi yến. Điều đáng nói là việc nuôi yến ngay trong các khu dân cư cũng để lại nhiều hệ lụy về môi trường.
Những “ngôi nhà yến” thi nhau mọc lên như nấm.
Khốn khổ vì ở cạnh nhà yến
Người dân ở khu Nam Long (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) phản ánh, để thu hút đàn yến về tổ các hộ nuôi phải sử dụng loa phóng phát âm thanh tạo tiếng yến kêu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân lân cận.
Ban đầu, chỉ xuất hiện 1- 2 hộ nuôi, gần đây việc nuôi yến dần trở thành phong trào. Những “ngôi nhà yến”, “biệt thự yến” thi nhau mọc lên như nấm. Điều đó đồng nghĩa với việc âm thanh phát ra thường xuyên hơn. Khoảng nửa năm nay, loa được mở từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối với cường độ lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào lúc 16 giờ ngày 5/8 khi đi vào đến đường số 3 - khu dân cư (KDC) Xây dựng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) âm thanh phát ra ở những hộ nuôi yến rất lớn; đồng thời, mùi tanh hôi cũng lan khắp nơi gây đau đầu, khó chịu. Khoảng 30 phút sau, hộ nuôi yến lại bắt đầu phun sương gây ảnh hưởng đến các nhà bên cạnh.
Quá bức xúc trước tình trạng trên, nhiều hộ dân đã phản ánh với khu vực và có những hộ đã viết đơn gửi đến chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Bà N.T.N (KDC Diệu Hiền, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) lắc đầu ngao ngán: “Từ ngày ngôi nhà cao tầng đối diện bắt đầu nuôi chim yến, tiếng loa kêu tối ngày sáng đêm, kêu riết rồi cháu nội, cháu ngoại không xuống nữa vì điếc lỗ tai quá, không ngủ nghê gì được. Ngoài tiếng kêu từ sáng đến chiều thì tôi phải sống trong bụi bặm quanh năm, lâu ngày còn có mùi tanh rất khó chịu”.
Cùng chung cảnh ngộ, bà N.T.T (KDC Diệu Hiền) cũng bộc bạch: “Cô với chú đã về hưu nên thường xuyên ở nhà nhưng vì ồn quá cô không lên được tầng trên. Nhà cô có cháu nhỏ nên giấc ngủ lại càng khó khăn”.
Loa phát thường xuyên với cường độ lớn để dụ yến về tổ nhưng lại làm hàng xóm không thể có giấc ngủ ngon.
Không chịu trước tình cảnh sống trong môi trường ẩn chứa nhiều nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe nên nhiều gia đình có ý định chuyển đi nơi khác sinh sống, thậm chí đã rao bán nhà nhưng vẫn chưa bán được. Bà H.P (ngụ KDC Xây Dựng) bức xúc: “Nhà nuôi yến đã hoạt động hơn 1 năm nay, lúc trước kêu nhỏ nhưng mà tối ngày sáng đêm, chừng nửa năm nay tiếng lớn hơn từ 5 giờ sáng đến 20 giờ đêm. Do trong nhà có em bé ngủ không được nên phải dời nhà đi”.
Bất cập hơn, các nhà nuôi yến còn phun sương, người dân rất lo ngại vì tiếp xúc trực tiếp vào cơ thể của những người dân nơi đây đặc biệt là trẻ nhỏ. Cũng trong tình cảnh “chịu trận” ấy, bà Nguyễn Thị Thu Lam (KDC Diệu Hiền) cho biết: “Nhà chị cách nhà nuôi Yến khoảng 8m, tiếng ồn từ loa phát ra rất ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tinh thần luôn trong trạng thái kích động bị stress nặng nề. Đồng ý là vì kinh doanh mang lại lợi nhuận, nhưng tiếng ồn đã đánh đổi sức khỏe người dân còn làm mất tình làng nghĩa xóm thì nó không đáng”.
Chính quyền địa phương “bất lực”
Bà Phan Thị Nhanh (KDC Xây Dựng) là cán bộ về hưu muốn ở đây để được an nhàn nhưng không ngờ lại là hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuộc sống êm ả mà bà hằng mơ ước giờ đây đã trở nên xa xỉ, bà chia sẻ: “Vợ chồng cô là cán bộ về hưu, mua nhà được hơn 10 năm nay để nghỉ dưỡng. Buổi trưa chú ôm đầu la làng, không thể nào giấc ngủ được yên ổn, ngày đêm đều nghe ong ong trong đầu. Những người trong nhà nhiều lúc không nói chuyện với nhau được, thần kinh cô bây giờ không được bình thường”.
Hơn một năm nay, gia đình bà Nhanh đã phải chịu đựng trong khốn khổ. Nhiều lần đã làm đơn thưa ra chính quyền nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Tìm đến nhà nuôi yến thì nhà đóng cửa mặc dù có người ở trong. Khi được người dân gọi đến công an phường để phản ánh vụ việc này, Phó Chủ tịch UBND phường xuống tận nơi kiểm tra và vận động chủ nuôi yến nhưng khi đi về thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Người dân bức xúc phản ánh về nỗi khốn khổ khi sống gần những hộ dân nuôi chim yến.
Tho quy định của pháp luật, vùng nuôi chim yến phải do UBND cấp tỉnh trình HĐND quyết định và phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ngoài ra, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày.
Trừ trường hợp, nhà yến đã hoạt động trước ngày 5/3/2020 nhưng không đáp ứng quy định về vùng nuôi chim yến do UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định, nhà yến nằm trong KDC, nhà yến cách KDC dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh. (Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 hướng dẫn chi tiết Luật chăn nuôi).
Trao đổi với PLVN, ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết: “Vấn đề trên, quận đã có tiếp nhận thông tin của bà con nhưng chưa có biện pháp chế tài vì chưa có quy định cụ thể. Trong thời gian tới, TP sẽ triển khai nghị quyết về vấn đề nuôi yến trong KDC của HĐND TP thì quận sẽ tiến hành rà soát và thực thi theo quy định”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: “Hiện tại thì chưa nhận được đơn tố cáo nào, khi tiếp xúc cử tri người dân cũng có phản ảnh về vấn đề trên. TP đang triển khai xin ý kiến của các Sở ngành liên quan để tập hợp tham mưu UBND và sau đó UBND TP sẽ ban hành văn bản thực thi”.
Nguồn Báo Pháp Luật
0 comments:
Đăng nhận xét