Các cổ phiếu có thông tin sẽ chuyển sang giao dịch trên sàn HOSE có dấu hiệu bứt phá về giá so với thị trường chung.
Nhiều doanh nghiệp lớn có động thái chuyển sàn
Kể từ đầu năm tới nay, do tác động đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) không nhiều.
Một số doanh nghiệp niêm yết mới là Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (APH), Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC).
Hiện tại, có 5 doanh nghiệp đã được HOSE chấp thuận niêm yết và chờ thời điểm lên sàn, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (BCM). Doanh nghiệp này dự kiến chào sàn 31/8 tới, với khối lượng 1,035 tỷ cổ phiếu, giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, có 9 công ty đã nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE trong năm 2020, đang chờ phản hồi của Sở, bao gồm Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes.
Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết từ năm 2019.
Trong các doanh nghiệp nêu trên, một số doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên UPCoM như BCM, LPB.
Các mã cổ phiếu này và không ít mã khác, kể cả đang niêm yết trên HNX, nhưng có chủ trương chuyển sang sàn HOSE đã và đang thu hút được sự quan tâm của dòng tiền đầu tư.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các cổ phiếu chuyển sàn thường tạo ra hiệu ứng tăng giá, gọi là hiệu ứng chuyển sàn, bởi nhà đầu tư kỳ vọng việc chuyển sang HOSE sẽ giúp doanh nghiệp sớm thu hút được nhà đầu tư chiến lược, cũng như hoạt động hiệu quả hơn dưới áp lực từ các điều kiện và nghĩa vụ niêm yết khắt khe.
Thời gian gần đây, các cổ phiếu có thông tin chuyển sàn có dấu hiệu bứt phá về giá so với thị trường chung.
Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên quan đến chuyển sàn như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) đều thu hút dòng tiền và có diễn biến tăng giá tích cực so với thị trường chung.
Tính tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có LPB nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE, trong khi ACB, SHB, VIB mới dừng lại ở chủ trương chuyển sàn niêm yết được thông qua trong Đại hội đồng cổ đông năm 2020.
Cụ thể, ACB đã thông qua việc triển khai phương án chuyển cổ phiếu sang HOSE, thời gian dự kiến từ quý III/2020 tới khi hoàn tất thủ tục.
VIB dự kiến sẽ tiến hành niêm yết trên HOSE vào tháng 11/2020. SHB mặc dù chưa chốt thời điểm, nhưng đã trình cổ đông kế hoạch chuyển sàn trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhóm doanh nghiệp có động thái chuyển sàn, ngoại trừ VIB tăng trưởng mạnh, còn lại đều có kết quả tương đương, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hầu hết cổ phiếu vẫn có diễn biến tăng giá.
Trong đó, BCM có lợi nhuận 6 tháng giảm 52,5% so với cùng kỳ, nhưng kể từ ngày 31/7 khi doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết, giá cổ phiếu tăng từ 26.100 đồng/cổ phiếu lên 30.100 đồng/cổ phiếu vào ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 19/8/2020.
Có thể thấy, giới đầu tư phớt lờ kết quả hoạt động kinh doanh kém khả quan trong 6 tháng đầu năm, mà tập trung vào kỳ vọng hiệu ứng chuyển sàn.
Động lực tăng giá chờ khối ngoại tiếp sức
Kể từ đầu năm tới ngày 21/8, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.035,4 tỷ đồng trên HOSE. Nếu loại trừ giao dịch mua ròng 14.947,1 tỷ đồng trong tháng 6, chủ yếu là giao dịch thoả thuận cổ phiếu VHM, thì dòng vốn ngoại có xu hướng rút ròng từ tháng 2 tới nay.
Cụ thể, tháng 2, khối ngoại rút ròng 2.730,4 tỷ đồng, tháng 3 rút ròng 7.952,2 tỷ đồng, tháng 4 rút ròng 6.020,8 tỷ đồng, tháng 5 rút ròng 451,3 tỷ đồng, tháng 7 rút ròng 462,4 tỷ đồng, từ đầu tháng 8 tới ngày 21/8 rút ròng 333,7 tỷ đồng.
Như vậy, kỳ vọng các doanh nghiệp chuyển sàn có thể sớm thu hút được sự chú ý của giới đầu tư, bao gồm quỹ đầu tư ngoại, có thể gặp thách thức, vì dòng tiền khối ngoại chưa có dấu hiệu quay lại mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Không ít ý kiến cho rằng, để dòng vốn đầu tư nước ngoài mua ròng đòi hỏi kinh tế thế giới bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Trong giai đoạn hiện nay, yếu tố vĩ mô còn nhiều bất định, dòng tiền toàn cầu vẫn có xu hướng chuyển dịch sang tài sản an toàn, hoặc tài sản ở các quốc gia phát triển, thay vì các nước cận biên, mới nổi.
Theo đó, trong ngắn hạn, kỳ vọng thu hút dòng vốn ngoại vào các doanh nghiệp chuyển sàn nhiều khả năng chưa trở thành hiện thực.
Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn mà Nhà nước sở hữu chi phối như BCM, hay Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI), việc chuyển sàn sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn, giúp tăng cường tính minh bạch và khai thác hiệu quả khối tài sản hiện hữu.
Hiện tại, chuyển sàn chỉ là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét