Về từ "hội thảo" của Thăng Long Group, chị Tính vay ngân hàng 200 triệu đồng nộp cho công ty với hy vọng được nhận một tỷ đồng như cam kết mà không cần làm gì.
Các bị hại trong buổi tuyên án chiều 4/8. Ảnh: Văn Bình.
Đầu tháng 8, TAND Hà Nội mở phiên xét xử Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT của Thăng Long Group cùng 7 đồng phạm trong vụ chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng của hơn 36.000 người bằng chiêu trò bán hàng đa cấp.
Nhận giấy triệu tập của Hội đồng xét xử, chị Khuất Thị Hồng Tính, 45 tuổi, cùng hơn 150 bị hại từ 32 tỉnh thành đã tới phiên toà. Đi 100 km từ tỉnh Hoà Bình, chị Tính ngủ gật trong sảnh đợi của toà án, tay vẫn ôm túi nilon "vật chứng" gồm 4 cuốn cẩm nang Thăng Long, 4 bộ hợp đồng, hộp thực phẩm chức năng và 8 gói trà thảo mộc.
Chị kể 5 năm trước, khi "phong trào" bán hàng đa cấp nở rộ, quanh thị trấn miền núi nhà mình đâu đâu cũng thấy người ôm cặp, đóng bộ comple đi làm "doanh nhân" bán hàng đa cấp.
Đầu tháng 5/2015, người em họ "ôm cặp" đến gặp, rủ chị đi hội thảo của tập đoàn Thăng Long. Chị chần chừ tiếc ngày công làm thợ may nhưng nghe nói được tặng quà mang về đã rủ hai người hàng xóm cùng đi.
Hội thảo tổ chức ở khu du lịch Kim Bôi, người ngồi kín 12 bàn tiệc. Sau khi được bao ăn tiệc thịt lợn rừng, tắm suối nước nóng và hát karaoke, một thanh niên chừng 30 tuổi bước ra thuyết trình về tập đoàn và cơ hội làm giàu.
Chị nhớ anh ta nói Thăng Long Group phát triển các mặt hàng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, giảm cân, sản xuất máy lọc nước chuyên xuất khẩu châu Âu. Chị hay bất cứ ai cũng có thể trở thành "cổ đông" bằng việc trả 500.000 đồng mở mã kích hoạt, góp vốn và đợi được chia lợi nhuận với công ty.
"Góp vốn" 31 triệu đồng, chị Tính được Thăng Long Group cam kết sẽ chia lợi nhuận 146 triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Người dự hội thảo được hứa hẹn không cần làm gì vẫn thu về mức tiền thưởng tương ứng: góp 31 triệu đồng được nhận 146 triệu đồng; góp 230 triệu đồng nhận 765 triệu đồng. Vì lợi nhuận được chia theo kiểu kim tự tháp nên "đăng ký chậm một giây là bạn sẽ mất cơ hội làm giàu vào tay người trước mình", người của Thăng Long Group nói.
Gần 100 người trong "hội thảo" hôm ấy chen lấn nhau giành suất đăng ký trước. Từng đi 3 hội thảo hàng đa cấp, chị Tính so sánh và quyết định nộp tiền vào Thăng Long Group, vì ở đây "nói hay nhất, đồ ăn ngon ăn nhất, và có vẻ đáng tin tưởng nhất".
Trong cuốn cẩm nang in màu 26 trang giới thiệu về công ty chị Tính được phát, hình ảnh Chủ tịch Lê Văn Quang xuất hiện ở trang đầu cùng tâm thư: "Chúc mừng bạn đã có sự lựa chọn sáng suốt và đúng đắn. Chúng ta sẽ gặp nhau trên đỉnh vinh quang". Cuối cuốn cẩm nang in giấy phép hoạt động có đóng dấu đỏ. Chị Tính càng vững dạ tin tưởng.
Đúng bảy ngày sau hội thảo, chị dốc toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm để đăng ký gói PRO-31 triệu đồng và nhận về 5 hộp "Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ" để đi mời chào thêm người khác.
Mấy tháng sau, chị Tính được mời xuống Hà Nội dự đại hội vinh danh những nhà phân phối xuất sắc. Lần đầu đời bước chân vào trung tâm hội nghị lớn, cô thợ may phố núi choáng ngợp trước quy mô gần 5.000 người, có máy quét an ninh, thang máy tự động. Hàng trăm chiếc ôtô dán logo tập đoàn đỗ ngoài sân bãi và rừng cờ, băng rôn khẩu hiệu treo hai bên lối đi.
"Hôm đấy trao giải thưởng, có người được dăm ba tỷ, còn những người được 15-30 triệu như chị thì đếm không hết", chị Tính kể và cho hay khi ấy quyết tâm làm giàu càng lên cao.
Chị mượn chứng minh nhân dân của người thân, ra ngân hàng cầm cố nhà cửa để vay 200 triệu đồng, mua thêm 3 gói hợp đồng với Thăng Long Group, tổng trị giá 247 triệu đồng. Chị háo hức đợi lĩnh về một tỷ đồng như công ty hứa hẹn. Nhưng ngày ấy không bao giờ đến.
Tính sống một mình, nuôi em trai tâm thần. Sau khi mua thêm 3 gói hợp đồng, chị lại lao vào chuỗi ngày "chạy hệ thống", đi hội thảo, mời chào hội viên mới, phải gửi em trai cho người quen vì không có thời gian chăm. Hai tuần sau, anh lên cơn rồi bỏ đi, mất tích, đến nay chưa tìm thấy.
Giờ khoản nợ ngân hàng 200 triệu đồng mới trả được 10 triệu đồng. Trước giờ tuyên án, chị ngồi băng ghế cuối phòng xử, ôm mặt khóc: "Coi như mất tiền ngu để đổi lại bài học cả đời. Giờ chỉ mong sao tìm lại được em trai".
Như chị Tính, trong những ngày toà mở phiên xét xử, vợ chồng ông Chí, 75 tuổi ở Vĩnh Phúc không vắng hôm nào. Ông bà bị lừa 210 triệu đồng - tiền bán 2 con bò và khoản tiết kiệm cả đời để chi tiêu khi về già.
Ông kể khi ấy con trai đang lao động ở Đài Loan gọi điện về ngăn đừng mắc bẫy lừa đảo, nhưng ông bà không nghe. "Giáo viên, bác sĩ, luật sư họ còn tham gia thì mình còn sợ lừa đảo cái gì", ông gàn con, dắt cả vợ đi hội thảo.
"Họ nói hay như thôi miên. Hội trường nghìn người ngồi nghe ai nấy khóc nức nở vì cảm động". Ông cay đắng nhớ lại, trách mình quá tham lam.
Lê Văn Quang (đứng giữa hàng đầu) và đồng phạm nghe tuyên án. Ảnh: Văn Bình.
Trong ba ngày xét xử, Chủ tịch HĐQT của Thăng Long Group cùng đồng phạm là các giám đốc bộ phận thừa nhận hành vi song bao biện muốn lập ra công ty bài bản, phát triển bền vững với mục đích tốt, "tạo công ăn việc làm cho cả xã hội". Họ nói phạm tội do không hiểu biết kỹ về pháp luật.
Bị cáo buộc vai trò chủ mưu, Chủ tịch Quang một mực khai không chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng của hơn 36.000 người như cáo buộc, mà chỉ chia nhau 21 tỷ đồng tiền lãi trong hoạt động kinh doanh. Số còn lại được dùng chi trả hoa hồng, tiền chi phí hoạt động, tiền hàng và một số khoản vay khác... Lập luận này lập tức bị HĐXX bác bỏ.
Nhận định vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thiệt hại lớn, gây bất bình hoang mang dư luận, HĐXX tuyên Quang án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 7 đồng phạm lĩnh án từ 9 đến 19 năm tù.
Các bị cáo phải liên đới bồi thường 122 tỷ đồng cho các bị hại. Song tại toà, Quang thú nhận đã tán gia bại sản, không còn khả năng đền bù.
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét