Hai người đàn ông, một là bác sĩ giàu có còn người còn lại buôn bán ở khu ổ chuột, cùng được điều trị Covid-19, nhưng câu chuyện của mỗi người lại rẽ theo một hướng rất khác.
Tháng 4, khi cả Brazil chìm trong hoảng loạn vì dần nhận ra mối đe doạ từ đại dịch Covid-19 đang đổ bộ lên quốc gia Nam Mỹ này, hai người đàn ông được đưa đến bệnh viện để điều trị chứng viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Những trường hợp tử vong vì virus đầu tiên ở Brazil đã được ghi nhận, làm cả hai không chắc liệu có ngày trở lại hay không.
Thế nhưng, Tiago Lemos biết rằng phổi mình đã thủng, còn Rodrigo Guedes chỉ biết mình thậm chí còn không đứng vững nổi.
Rodrigo Guedes da Silva, 38 tuổi. Ảnh: Maria Magdalena Arrellaga.
Không giống các quốc gia khác, những yếu tố quyết định tình trạng của một bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Brazil không chỉ bao gồm tuổi tác, giới tính, cơ địa, bệnh lý nền… mà còn nằm ở đẳng cấp xã hội. Tỷ lệ người nghèo chết do Covid-19 đang cao hơn nhiều so với người giàu.
Ở thủ đô Rio de Janeiro của Brazil, người giàu và người nghèo sống chồng lên nhau.
Những khu ổ chuột trên sườn đồi trải dài xuống những chung cư bên bờ biển. Người giúp việc ngủ trong nhà của chủ nhân. Mọi người, bất chấp tầng lớp, đều chọn bãi biển là địa điểm giải khuây, vui chơi giải trí.
Khu dân cư Rocinha, Rio de Janeiro. Ảnh: Maria Magdalena Arrellaga.
Nhưng bất chấp sự gần gũi giữa hai tầng lớp và sự tương đồng về mọi mặt như tuổi tác, giới tính, sức khỏe, quê quán, câu chuyện về cuộc chiến chống lại Covid-19 của hai bệnh nhân lại hoàn toàn khác nhau.
Một người nhập viện tại cơ sở y tế tư nhân với mức độ hiện đại và nguồn lực có thể sánh ngang hệ thống bệnh viện ở các quốc gia phát triển.
Trong khi đó, người còn lại đến điều trị tại bệnh viện công, nơi sự thiếu hụt về nhân lực và thiết bị có thể đặt tính mạng của bệnh nhân lên bàn cân với tử thần.
Hệ thống bệnh viện công ở Brazil quá tải vì sự bùng phát của dịch Covid-19. Ảnh: Al Jazeera.
Câu chuyện của Lemos và Guedes đại diện cho hai hệ thống - đồng thời là hai mặt rất khác của Brazil. Tuổi tác của họ xấp xỉ nhau: Lemos 37 tuổi còn Guedes năm nay bước sang tuổi 38. Hai người sống chung một vùng ở Rio de Janeiro, lớn lên trong cùng một giai đoạn của Brazil, chứng kiến những đổi thay của quê hương, đều vượt qua những thách thức và cố nắm lấy cơ hội mà thời thế tạo ra.
Nhưng có một sự khác biệt tương đối lớn: Lemos có bảo hiểm y tế tư nhân, còn Guedes thì không.
Lemos là một bác sĩ giàu có sống ở Barra da Tijuca, vùng ngoại ô rộng lớn với những căn hộ cao cấp, trung tâm mua sắm khổng lồ, quán bar và nhà hàng hải sản sang trọng trải dài bên bờ biển Barra tuyệt đẹp. Đây đồng thời cũng là nơi tư gia của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro sinh sống.
Khu dân cư cao cấp Barra da Tijuca. Ảnh: Flickr.
Guedes đã sống cả đời ở vùng Rocinha ngay gần đó. Khu vực này còn được biết đến là khu ổ chuột lớn nhất Brazil, cũng là nơi mà Guedes mở cửa hàng mắt kính của mình.
Khi Covid-19 đổ bộ ở thủ đô Rio, những trải nghiệm của hai người trong cuộc chiến chống lại căn bệnh viêm phổi cấp một lần nữa phơi bày nên những khác biệt giữa hai chủ thể, nhưng lần này không phải là hoàn cảnh của hai bệnh nhân, mà là hai hệ thống ở Brazil.
Đợt bùng phát dịch kinh hoàng nhưng phân bố không đều
Trải qua khoảng thời gian đại dịch diễn biến tồi tệ và biến Brazil thành điểm nóng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, virus corona đã trở thành một dạng thước đo mới về sự bất bình đẳng ở quốc gia Nam Mỹ này.
Tính đến 13/8, có tổng cộng hơn 3,1 triệu ca nhiễm và 104.201 ca tử vong do virus corona được ghi nhận, trải khắp 5.458 trong tổng số 5.570 thành phố ở Brazil.
Brazil nhanh chóng trở thành đỉnh dịch thứ 2 trên thế giới sau Mỹ chỉ trong vài tháng kể từ khi đại dịch đổ bộ, cướp đi sinh mạng của hơn 104.000 người dân nước này. Ảnh: AP.
Nhưng thực tế chỉ ra có những sự phân cực nhất định trong cách mà đại dịch ảnh hưởng đến những người có xuất phát điểm, hoàn cảnh và giai cấp khác nhau.
Trong số những bệnh nhân được chăm sóc y tế đặc biệt, những người học vấn khiêm tốn có nguy cơ tử vong cao gấp nhiều lần so với những người có trình độ đại học. Tỷ lệ lây nhiễm của virus ở những khu dân cư nghèo cao gấp ba lần so với những khu vực giàu có. Bệnh nhân da đen có nguy cơ chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cao hơn so với người da trắng.
Nhìn vào thực trạng này, các nhà nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt về sức khỏe và điều kiện sống đã tạo nên điểm bất đồng đều trong sự phân bố của virus.
Người nghèo có xu hướng sống trong những khu ổ chuột đông đúc và thiếu vệ sinh, do đó thường xuyên phải chật vật đối phó với các loại bệnh truyền nhiễm và có tuổi thọ trung bình thấp hơn những người khá giả lên đến 10 năm.
Môi trường ẩm thấp và kém vệ sinh ở các khu ổ chuột là điều kiện lý tưởng để virus corona sinh trưởng. Ảnh: Mario Tama.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập tồn đọng trong hệ thống y tế công ở Brazil, vốn được ca ngợi là phép màu của nền y tế ở các quốc gia đang phát triển vì có công suất phục vụ đến 150 triệu người Brazil.
Bất chấp những lời tán dương và nguồn lực được cho là dồi dào, hệ thống này rõ ràng đang không bắt kịp những diễn biến của đại dịch và sự biến đổi khó lường của virus corona.
Theo Hiệp hội chăm sóc sức khỏe đặc biệt Brazil, khi các bệnh viện công chạm ngưỡng số bệnh nhân mà họ có thể điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện này lên đến 50%, trong khi tỷ lệ này ở hệ thống y tế tư nhân nằm ở mức 29%.
Những vấn đề tồn tại từ trước khi đại dịch nổ ra ở Brazil như bộ máy quản lý thiếu hiệu quả, tham nhũng, nạn quan liêu và tình trạng vô tổ chức làm cho Bộ y tế nước này không thể sử dụng số ngân sách mà họ có. Ngay cả khi Covid-19 ập vào Brazil, Bộ y tế cũng mới chỉ chi khoảng 30% ngân sách để tiến hành chống dịch.
“Bộ y tế Brazil chưa bao giờ chuẩn bị kỹ lưỡng gì cả”, bác sĩ và nhà khoa học nổi tiếng Miguel Nicolelis nhận xét. “Khi đại dịch đổ bộ, các bệnh viện công không có đủ vật tư và nhân lực để đối phó. Cả Brazil bàng hoàng khi biết được hệ thống y tế công thậm chí thiếu hụt khẩu trang và các loại dược phẩm cơ bản”.
Những vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Rio de Janeiro, nơi kế hoạch mở rộng hệ thống y tế công bị hủy bỏ bởi vấn nạn tham nhũng và sự bạc nhược của nhà chức trách địa phương. Số lượng bệnh nhân ở đây chờ được điều trị đã lên đến 1.000. Rodrigo Guedes buộc phải về nhà dù anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho nhiều.
Những người dễ bị tổn thương
Lớn lên, Guedes không đặt nặng chuyện học hành, chủ yếu vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sống ở phần chóp của Rocinha với tầm nhìn hướng thẳng về những toà nhà sang trọng trong vùng lân cận, Guedes ý thức rõ được những gì mình có và không có.
Anh nói rằng bản thân chưa từng ghen ghét với những người giàu có, dù là khi nhìn thấy những toà biệt thự lộng lẫy kia hay khi anh phải đi rửa xe và bán đồ ăn vặt cho họ.
Những thứ anh ước ao đều nằm ở khu dân cư xập xệ mà anh đang sinh sống cùng gia đình và một góc nhìn hướng rộng ra biển và núi. Guedes thề rằng sẽ không bao giờ rời Rocinha.
Ngay cả khi khu vực này rơi vào cảnh đấu đá tranh giành địa bàn giữa các băng nhóm xã hội đen và cảnh sát tiến hành nhiều cuộc thanh trừng hơn, Guedes và vợ anh là Jailma vẫn quyết tâm mở một cửa hàng nhỏ bán kính mắt và nuôi dạy con gái mình ở đây.
Rodrigo Guedes là chủ cửa hàng mắt kính ở Rocinha. Ảnh: Maria Magdalena Arrellaga.
Tuy nhiên, Guedes chưa bao giờ lường trước được về virus corona, chính xác hơn là anh chưa bao giờ nghĩ tới việc điều kiện sinh hoạt không đảm bảo ở Rocinha sẽ trở thành môi trường lý tưởng để chủng virus chết người nói trên sản sinh và phát triển mạnh mẽ, bùng phát thành dịch với tốc độ chóng mặt. 25% dân số ở khu ổ chuột này đã dương tính với virus.
Triệu chứng ban đầu xuất hiện ở Guedes chỉ bao gồm ho, sau đó cơ thể anh bắt đầu suy nhược và đau đớn, sốt cao rồi kiệt sức.
Guedes đến phòng khám, nhưng bác sĩ cho rằng không có gì đáng ngại và cho anh về nhà. Chị Jailma chứng kiến người chồng vốn cơ bắp và khỏe mạnh của mình ngày càng héo mòn đi trông thấy. Chị vừa rối bời vừa sửng sốt, không tin nổi rằng bác sĩ chẩn đoán anh không mắc bệnh gì cả.
Guedes yếu đến nỗi anh thậm chí không đủ sức đứng tắm dưới vòi nước. Chị Jailma đưa chồng đến một phòng khám và họ phát hiện anh đã nhiễm virus corona. Phần lớn phổi của anh đã bị mầm bệnh này tàn phá.
Virus corona gây chứng viêm phổi cấp, tàn phá nghiêm trọng hệ thống hô hấp của người bệnh. Ảnh: CHR Verviers East Belgium.
Bệnh viện công bắt đầu quá tải do đó Guedes phải đợi. “Sẽ ổn thôi”, chị Jailma trấn an chồng. Nhưng Guedes không nghĩ vậy. Lần đầu tiên trong đời, anh cảm thấy ghen tỵ với những người giàu có hơn mình.
Thời khắc chờ đợi trong tuyệt vọng đó, Guedes cảm thấy mình không còn là thương nhân đang trong thời buổi phát đạt nữa, mà chỉ là đứa trẻ bán đồ ăn vặt trên bãi biển ngày xưa, không hơn không kém.
"Cuộc đời tôi chưa bao giờ sai lầm đến thế"
Tiago Lemos sải bước trong hành lang một bệnh viện tư nhân ở phía tây thủ đô Rio, cảm thấy khá mông lung. Anh đã dành nhiều tuần liền để đọc các tạp chí y khoa và hướng dẫn đảm bảo an toàn sức khỏe, chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại đại dịch sắp tới. Lemos cũng đã có kinh nghiệm tham gia công tác dập dịch H1N1. Anh cảm thấy bản thân đã sẵn sàng.
Nhưng chứng bệnh này không giống bất kỳ căn bệnh nào anh từng biết. Từ quá trình ủ bệnh phức tạp đến cách nó tước đi mạng sống con người một cách đột ngột đều không thể đoán định. Và tất nhiên, Lemos không thể lường được cách thức mà mầm bệnh này lựa chọn nạn nhân.
Tiago Lemos và vợ Juliana đều là bác sĩ. Ảnh: Maria Magdalena Arrellaga.
Lemos cẩn thận hết sức để bảo vệ bản thân, nhưng anh cũng tin rằng việc bản thân bị nhiễm chủng virus mới là điều khó tránh khỏi.
Người đàn ông 38 tuổi những tưởng tỷ lệ thắng trong cuộc chiến với mầm bệnh nói trên sẽ nghiêng về phía mình, khi anh vẫn còn trẻ và khỏe mạnh, nên khi phát hiện bản thân đã nhiễm Covid-19, anh bỗng cảm thấy nhẹ nhõm vì cho rằng đây là cơ hội để giải quyết dứt điểm và không cần phải lo lắng về chủng virus này nữa.
Nhưng khi những cơn ho không có dấu hiệu thuyên giảm và cảm thấy bản thân không thể gượng dậy được nữa, Lemos nhận ra mình đã ngu ngốc như thế nào.
“Cuộc đời tôi chưa bao giờ sai lầm đến thế”, Lemos đau đớn nói.
Ảnh X-Ray phổi của một bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Radiopaedia.
Lemos sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, là con trai của một chủ doanh nghiệp nhỏ và một công chức nhà nước. Anh đã bứt phá ra khỏi vùng an toàn của mình và gia nhập tầng lớp thượng lưu ở Rio nhờ vào tri thức và khả năng suy luận để xử lý những vấn đề phức tạp. Nhưng chứng viêm phổi cấp này dường như lại là ẩn số không lời giải đối với người bác sĩ tài năng.
“Anh sắp chết rồi”, Lemos tuyệt vọng nói với vợ.
“Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, Juliana nói. “Anh sẽ vượt qua được mà”.
Nhưng cách mà Lemos hiểu về dịch bệnh này không giống cách Juliana nhìn nhận về nó. Lemos tham gia vào chương trình bảo hiểm toàn diện nhất Brazil, giúp anh được chăm sóc sức khỏe một cách kỹ lưỡng từ đội ngũ bác sĩ lành nghề và trang thiết bị tối tân.
Tuy nhiên, thực tế mà Lemos quan sát được lại không mấy khả quan. Anh biết một gia đình nọ sử dụng dịch vụ bảo hiểm giống chương trình mà anh đang tham gia, cả nhà đều nhiễm virus và cùng được điều trị tại cơ sở y tế tư nhân, và tất cả đều không qua khỏi.
“Chiến đấu giành lại cuộc sống của chính mình”
Guedes nhìn thấy sự tuyệt vọng của vợ mình khi đưa anh đến phòng cấp cứu CER Leblon mà không khỏi chạnh lòng.
Toàn bộ trung tâm y tế trở thành một đống hỗn độn khi mọi người nhận ra cơ sở này không có kế hoạch dự phòng cho những tình huống như đại dịch lần này. Thiếu hụt găng tay, khẩu trang y tế và chất khử trùng, trong khi số lượng bệnh nhân thì quá tải.
Những bệnh nhân mới đến thậm chí còn không có giường nằm, cũng không ai đến kiểm tra hay hỏi thăm. Chị Jailma phải tự mình đẩy xe lăn của chồng đi dọc hành lang và hét lên: “Chồng tôi không thở được, ai đó làm ơn giúp chúng tôi với!”.
Tình trạng bệnh viện công ở Brazil trong đỉnh dịch đang nằm ở mức đáng báo động. Ảnh: CGTN.
Các quan chức y tế không tin rằng dịch Covid-19 sẽ bùng phát ở Brazil nên khi làn sóng lây nhiễm mới manh nha khởi phát, tình trạng phong tỏa đã không được áp dụng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tình trạng trong bệnh viện nơi Guedes điều trị tệ đến nỗi các bệnh nhân phải chuyền nhau ống thở. Mỗi người chỉ được thở trong 1-2 phút rồi phải chuyển sang cho người khác, cứ vậy tiếp diễn trong 9 tiếng đồng hồ, tính ra mỗi bệnh nhân chỉ được thở oxy 10 phút mỗi giờ.
Chị Jailma đi đi về về để vừa chăm sóc chồng vừa quán xuyến việc nhà, giữ liên lạc với bệnh viện qua điện thoại. Một buổi tối nọ, chị được tin tình trạng của chồng đang xấu đi, tính mạng của anh sẽ được định đoạt chỉ trong một đêm.
Khi với tay lấy ống thở bên dưới giường bệnh, Guedes nhận ra máy thở đã bị hỏng. “Anh đang chiến đấu để giành lại cuộc sống của chính mình”, anh tuyệt vọng nhắn tin cho vợ mình.
Không đủ sức nói lời từ biệt
Lemos đôi khi nghĩ anh sẽ thanh thản hơn nếu bản thân không phải là một nhà vật lý trị liệu. Với kiến thức chuyên môn và sự tinh tế của một bác sĩ, Lemos ý thức rõ tình trạng của mình đang chuyển biến xấu đi nhanh đến mức nào. Đầu tiên là đặt ống nội khí quản, rồi tiếp đến là máy thở, và cuối cùng là tỷ lệ sống sót trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Bác sĩ phụ trách chính của Lemos là ông Rafael Pottes dự kiến áp dụng “phương pháp điều trị đa chuyên ngành” đối với trường hợp của Lemos. Đội ngũ y khoa cho anh sử dụng một số thuốc như corticoid, azithromycin, chloroquine, kết hợp các liệu pháp vật lý và kiểm tra thường xuyên.
Pottes hiểu rằng việc giúp bệnh nhân ổn định tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong điều trị.
“Nỗi sợ về căn bệnh chưa từng được biết đến đã giết chết vô số người. Lemos phát hoảng khi nhận thấy bệnh tình ngày một nặng hơn”, ông nói.
Pottes gọi Juliana đến bệnh viện với hy vọng sự có mặt của cô có thể giúp Lemos bình tĩnh. Nhưng khi đến nơi, Juliana tuyệt vọng nhìn chồng mình mất phương hướng, hoảng loạn và gần như không thể giao tiếp. Các bác sĩ cho biết nếu tình hình tiếp tục chuyển biến tệ hơn, họ sẽ tiến hành luồn ống vào khí quản của Lemos.
Anh nghĩ đêm đó có thể là lần cuối cùng còn nhìn thấy vợ mình. Nhưng Lemos không đủ sức để nói chuyện với Juliana.'
Bác sĩ Rafael Pottes là người phụ trách chính trong quá trình điều trị cho Lemos. Ảnh: Instituto Clinics.
"Như con chó bị bỏ rơi bên vệ đường"
Sau 6 ngày nằm mê man bất tỉnh tại phòng khám, Guedes dần ổn định trở lại và được chuyển đến một bệnh viện khác. Guedes ở chung phòng với bốn bệnh nhân khác, tình trạng đều đang tồi tệ hơn anh rất nhiều.
Khi một bệnh nhân nào đó cần hỗ trợ, họ sẽ phải hét to lên để các bác sĩ và y tá nghe thấy. Nhưng nhiều lúc Guedes gọi khản cổ trong nhiều giờ nhưng vẫn không có ai xuất hiện.
Sau nhiều ngày cảm thấy mình như “con chó bị bỏ rơi bên vệ đường”, Guedes hiểu ra rằng các y tá thiếu những phương pháp bảo đảm an toàn như khẩu trang và găng tay y tế, do đó e ngại tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
“Điều này xảy ra khá thường xuyên”, bác sĩ Alexandre Telles làm việc tại bệnh viện nơi Guedes điều trị cho biết. “Nhiều bệnh nhân đã bị hạ đường huyết vì bị bỏ đói trong nhiều ngày”.
Guedes nhìn những bệnh nhân khác mà chạnh lòng vì lực bất tòng tâm.
Guedes trên giường bệnh. Ảnh: Rodrigo Guedes.
Dự liệu về sự tàn phá của Covid-19 đối với Brazil
Tình trạng của Lemos bắt đầu tiến triển tốt hơn. Anh bắt đầu thở nhẹ nhàng hơn. Lemos cảm thấy cơ thể đang dần bình phục nhưng anh không hiểu chuyện gì đã xảy ra - tại sao anh qua khỏi trong khi nhiều người khác thì không.
Ngày xuất viện, Lemos nhờ vợ đưa mình xuống bãi biển. Qua cửa sổ xe, anh thấy quang cảnh vẫn như mọi khi: đầy những người uống rượu và không đeo khẩu trang, đang tận hưởng một ngày đẹp trời như bao ngày khác ở thủ đô Rio.
Người dân Rio de Janeiro vẫn vô tư tắm ở các bãi biển công cộng bất chấp dịch Covid-19. Ảnh: Maria Magdalena Arrellaga.
Từ lâu, Lemos biết chắc rằng đại dịch Covid-19 sẽ tàn phá Brazil. Tin tức và hình ảnh lan truyền đi vẫn tiếp tục làm dư luận bàng hoàng: hệ thống bệnh viện công quá tải và trì trệ, xe cấp cứu chất đầy bệnh nhân, trang thiết bị thiếu thốn, hàng chục nghìn người bỏ mạng vì không được chữa trị kịp thời.
Lemos hiểu rằng đã đến lúc anh phải quay lại làm việc.
Mọi thứ có thể đã rất khác nếu được điều trị tại bệnh viện tư
Guedes nằm viện trong 11 ngày. Phần lớn thời gian, anh lướt điện thoại để xem hình ảnh những bệnh viện chăm sóc cho người giàu và người nổi tiếng. “Mọi thứ thật đẹp, không hề giống những gì mà những người như tôi phải trải qua”, Guedes chua xót.
Người chủ tiệm kính 38 tuổi cuối cùng cũng bình phục. Nhưng trong nhiều tuần sau đó, vợ anh hết sức lo lắng, đến nỗi chị không dám đọc tin tức về Covid-19 và thường xuyên đưa tay ra trước mặt chồng để kiểm tra hơi thở của anh.
Cửa hàng mắt kính của Guedes mở cửa trở lại. Ảnh: Maria Magdalena Arrellaga.
Guedes tin rằng mọi thứ có thể đã rất khác nếu anh điều trị tại một bệnh viện tư nhân.
Anh trở lại Rocinha, ôm chầm lấy con gái mình và bắt đầu mở lại cửa hàng kính. Guedes leo lên đỉnh đồi để thăm mẹ và ngôi nhà nơi anh đã lớn lên.
Guedes nhìn chằm chằm vào khung cảnh quen thuộc đó, nơi bầu trời và biển cả hòa làm một, đồng thời là nơi giao nhau giữa hai mảng màu tương phản của bức tranh Rio de Janeiro: khu dân cư sang trọng của giới thượng lưu và khu ổ chuột xập xệ của những người cùng khổ.
Số người tử vong do dịch Covid-19 tại Brazil đã tăng lên con số 35.000, trong khi số người nhiễm virus là hơn 646.000, cao thứ hai trên thế giới.
Nguồn Zing Tổng Hợp
0 comments:
Đăng nhận xét