Thông tin về giao dịch trong ngày (T+0) và bán khống được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm mà Bộ Tài chính vừa công bố còn có nhiều điểm mới khác cần biết, để bắt kịp cuộc chơi dự báo sẽ thú vị và khốc liệt hơn trên sàn.
Trong chia sẻ với cộng đồng trên 5.000 nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Văn Tĩnh, nhà đầu tư lâu năm tại Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, khi có thêm công cụ bán khống và giao dịch T+0, TTCK Việt Nam sẽ sôi động hơn rất nhiều. Nhà đầu tư sẽ bớt lỗ nếu ngay trong phiên được quyền bán cổ phiếu vừa mua.
Với quy định hiện hành, chu kỳ thanh toán T+2, nhưng thực chất sau 3 ngày từ lúc đặt lệnh mua, nhà đầu tư mới được đặt lệnh bán, nếu mua nhầm mã yếu, nhà đầu tư có nguy cơ mất 21% giá trị khoản đầu tư.
Ở mức lỗ trên 20%, thường thì nhà đầu tư sẽ “xót của”, khó ai mạnh dạn cắt lỗ nên dẫn đến tình trạng dở dang, giữ hàng cũng dở, mà bán đi thì mất.
Đây là điểm hạn chế lớn nhất của cơ chế giao dịch chứng khoán hiện nay và rất cần phải xử lý sớm để giúp nhà đầu tư giảm rủi ro trong giao dịch.
Với câu chuyện bán khống, nhà đầu tư trên cho rằng, nếu Việt Nam có thêm công cụ này sẽ tạo cơ hội kiếm lời trên thị trường giá xuống.
Giả sử, cổ phiếu XYZ đang trong đà giảm, những người dự báo giá còn giảm sâu nữa có thể vay mã này để bán, sau đó khi giá về vùng thấp hẳn thì mua trả hàng và thu lợi.
Cơ hội kiếm lợi 2 chiều (trên thị trường giá lên và giá xuống) sẽ giúp đồng tiền của nhà đầu tư linh hoạt gấp đôi hiện nay.
Tuy nhiên, câu chuyện George Soros từng sử dụng nghiệp vụ bán khống để tạo nên “ngày thứ Tư đen tối”, đánh sập thị trường tài chính Anh năm 1992 cho thấy một bức tranh khác: bán khống sẽ khiến TTCK bước vào một cuộc chơi khắc nghiệt.
Với nhà đầu tư đại chúng, kiếm lãi trên thị trường lên đã khó, kiếm lãi khi giao dịch mở cả 2 đầu còn khó hơn.
Điểm tích cực của nghiệp vụ bán khống là các cổ phiếu "rởm" sẽ dễ bị lộ diện và điều này tạo áp lực gián tiếp khiến các doanh nghiệp yếu kém về nội lực phải tự sợ hãi việc lên sàn. Đây cũng là một công cụ trên TTCK quốc tế và Việt Nam, sau 20 năm phát triển TTCK, cần phải mở dần không gian này, nhưng mức độ mở ra sao, nhà đầu tư nên thâm nhập như thế nào, vẫn còn là câu hỏi mở.
Trong góc nhìn về dự thảo mới, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc cho phép bán khống sẽ làm cho thị trường cân bằng hơn, thanh khoản nhiều hơn, nhưng ban hành văn bản pháp lý phải theo một tiến trình (từ Luật đến nghị định rồi mới đến thông tư), nên sớm nhất cũng phải năm 2021 mới có thể đủ điều kiện pháp lý để triển khai.
Bộ Tài chính công khai dự thảo thông tư để lấy ý kiến góp ý từ công chúng. Điều đáng nói là, dự thảo thông tư đề cập đến một số pháp nhân mới như Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con (trong khi chưa thành lập) hay Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán (Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ chuyển sang mô hình tổng công ty sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực)… cho thấy, để thi hành được các giải pháp mới, các tổ chức có tên trong thông tư phải ra đời.
Có lẽ, vì hiểu diễn tiến chính sách, nên một CEO ngành chứng khoán chia sẻ, ông mừng khi các điểm mới trong dự thảo đã cập nhật, gỡ khó cho nhiều kiến nghị từ nhiều năm nay, nhưng đừng kỳ vọng thị trường sẽ lên vì tin này. Thời gian chờ đợi còn dài và còn nhiều điểm phải xử lý mới triển khai được các giải pháp mới.
Chứng khoán sẽ được làm tài sản đảm bảo khi ký quỹ
Bên cạnh quy định về giao dịch trong ngày và bán khống, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo thông tư mới là mở ra không gian cho phép dùng chứng khoán làm tài sản đảm bảo ký quỹ để vay tiền đầu tư chứng khoán. Điểm 10, Điều 2 quy định: “Giao dịch ký quỹ là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, trong đó, chứng khoán vừa mua và các chứng khoán khác được phép ký quỹ của nhà đầu tư được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trên”.
Theo đó, nhà đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ ban đầu, tỷ lệ ký quỹ duy trì theo hợp đồng đã ký với công ty chứng khoán. Khi tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản giao dịch ký quỹ giảm xuống thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì, công ty chứng khoán phải phát hành lệnh gọi ký quỹ bổ sung. Theo dự thảo, chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ không được tính vào tài sản đảm bảo khi xác định tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ duy trì cho giao dịch ký quỹ.
Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện, công ty chứng khoán có quyền bán chứng khoán thế chấp, nhưng trước khi bán, công ty chứng khoán phải thực hiện công bố thông tin theo quy định và thông báo cho nhà đầu tư sao kê kết quả giao dịch bán chứng khoán thế chấp để thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin của nhà đầu tư.
Trên thế giới, đại đa số các thị trường phát triển và một số thị trường mới nổi đã và đang sử dụng đa dạng tài sản đảm bảo gồm tiền mặt, cổ phiếu và các loại trái phiếu… cho giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì khác. Trên thị trường cổ phiếu, do chưa có tổ chức thanh toán bù trừ chính thức có thể áp dụng những cơ chế quản lý rủi ro thanh toán tiên tiến cũng như các hỗ trợ như giao dịch thấu chi, nên có yêu cầu nhà đầu tư phải có đầy đủ tiền trước khi giao dịch.
Nếu cơ chế tới đây cho phép nhà đầu tư được dùng các chứng khoán đang sở hữu làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ký quỹ để mua tiếp cổ phiếu, sẽ tạo động lực thúc đẩy năng lực giao dịch của nhà đầu tư và tạo quyền lực rất lớn cho khối tài sản cổ phiếu, vốn đang nằm im trong tài khoản của nhiều nhà đầu tư lớn. Hiện tại, vốn hóa TTCK Việt Nam (tổng giá trị thị trường cổ phiếu trên sàn) vào khoảng 200 tỷ USD, trong đó, các cổ phiếu đủ điều kiện giao dịch kỹ quỹ chiếm trên 60% giá trị này.
Cổ phiếu UPCoM sẽ được margin và bán khống
Cổ phiếu trên sàn UPCoM có cơ hội được margin (vay ký quỹ) khi dự thảo thông tư giao dịch mới quy định chung rằng, chứng khoán được giao dịch ký quỹ là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, thời gian đăng ký giao dịch, về quy mô vốn và kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá nếu có.
Cùng với đó, dự thảo cũng mở không gian cho phép không chỉ cổ phiếu niêm yết, mà cổ phiếu đăng ký giao dịch (trên sàn UPCoM) được phép giao dịch bán khống có bảo đảm nếu đáp ứng các tiêu chuẩn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn. Như vậy, khi dự thảo thông tư này có hiệu lực, cơ hội cho nhà đầu tư trên sàn UPCoM hay sàn niêm yết được sử dụng đòn bẩy tài chính là như nhau, chỉ cần các cổ phiếu trên từng sàn đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà quản lý.
Quy định mới sẽ giải tỏa được kiến nghị của nhiều nhà đầu tư, của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong vài năm gần đây, liên quan đến việc cần mở cửa cho cổ phiếu trên UPCoM được giao dịch ký quỹ, khi trên sàn này có nhiều mã tốt, quy mô lớn, chất lượng tương đương, thậm chí cao hơn nhiều mã cổ phiếu trên sàn niêm yết.
Tài khoản đã mở, không được xóa
Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, tính đến nay, số tài khoản được mở trên TTCK Việt Nam là 2.569.261 tài khoản. Con số thống kê tài khoản tăng liên tục từng năm, phần nào phản ánh dòng người tham gia vào TTCK ngày càng tăng lên, nhưng con số thực sự về số tài khoản có giao dịch thường xuyên trên TTCK là bao nhiêu thì chưa có định chuẩn và chưa có tổ chức nào đưa ra.
Thông tin về tổng số tài khoản mở trên TTCK Việt Nam cho thấy, thị trường ngày càng hấp dẫn dòng tiền đầu tư đại chúng, tuy nhiên, nếu nhìn một cách sâu hơn, có thể sẽ có những cảm nhận khác. Thứ nhất, quy định hiện hành cho phép mỗi nhà đầu tư được mở 1 tài khoản tại 1 công ty chứng khoán, nhưng nhà đầu tư có thể mở tài khoản tại rất nhiều công ty chứng khoán. Trên sàn, không thiếu nhà đầu tư có vài tài khoản, thậm chí nhiều hơn nữa số tài khoản cùng mang 1 tên, nhưng cứ định danh 1 mã tài khoản thì sẽ góp 1 đơn vị tài khoản vào con số tổng trên toàn thị trường.
Trong tương lai, thực trạng này cũng sẽ tiếp diễn khi dự thảo thông tư quy định: “Công ty chứng khoán không được sử dụng lại các mã tài khoản giao dịch chứng hoán đã đóng để mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng”. Như vậy, ngay cả các tài khoản đã đóng, đã dừng giao dịch (nhà đầu tư rời thị trường, thậm chí đã mất), vẫn cứ tồn tại trên hệ thống và có tên trong tổng số tài khoản trong thống kê hàng tháng của nhà quản lý.
Dự thảo thông tư còn nhiều điểm mới, quy định giao dịch tạo lập thị trường với loại giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán, giao dịch của doanh nghiệp bảo hiểm không phải là công ty niêm yết, công ty đăng ký giao dịch, giao dịch cổ phiếu quỹ… Hiểu quy định dự thảo để kiến nghị hoàn thiện hoặc phản biện chính sách là điều các thành viên có trách nhiệm đáng góp sức để định hình nền tảng pháp lý mới cho TTCK tới đây.
Áp dụng T+0 và bán khống vẫn nên giữ biên độ để giảm rủi ro trên thị trường
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Nghiệp vụ T+0 và được phép bán khống nếu được thông qua tại dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch tới đây sẽ là thông tin rất tích cực cho thị trường. Đây là điều được giới đầu tư mong mỏi nhiều năm nay.
Tác động đầu tiên sẽ là thanh khoản tốt hơn khi nhà đầu tư được thêm sản phẩm, cung cấp thêm công cụ để có thể phản ứng nhanh, thay vì phải chờ đợi T+2, T+3 như trước.
Thực tế cho thấy, ở nhiều TTCK khi đã đạt đến mức độ phát triển nhất định, họ cũng triển khai dần từ T+3, T+2 lên T+0 và thanh khoản thị trường tăng rất mạnh theo các cải tiến đó.
Đặc biệt, áp dụng T+0 và bán khống cũng giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá nâng hạng thị trường theo FTSE và MSCI, dù thực tế ở các thị trường cận biên được nâng hạng lên mới nổi thì vấn đề T+0 không phải là yếu tố trọng yếu, chỉ là một trong các yếu tố được xem xét.
Dưới góc độ cá nhân, tôi thấy có một số yếu tố khác cần xem xét, đó là liệu các công ty chứng khoán (CTCK) có thể thực hiện được T+0 và bán khống hay không?
Tôi ước tính đến 60-70% CTCK chưa đủ khả năng vận hành T+0 và bán khống thông suốt, an toàn.
Chưa nói đến hệ thống giao dịch, quan trọng là hiện nay, nhiều CTCK vẫn đang quản lý rủi ro chủ yếu là thủ công, trong khi giao dịch T+0 và bán khống với tần suất giao dịch rất mạnh, yếu tố bắt buộc là phải quản lý bằng hệ thống. Số lượng các CTCK đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro bài bản, chuyên nghiệp vẫn còn ít.
Thực tế hiện nay ở những phiên thị trường hưng phấn, thanh khoản đột biến, hay có thêm vài trăm ngàn tài khoản mới mở, đã xuất hiện nhiều hơn các lỗi hệ thống giao dịch của khối CTCK.
Dù vậy, để triển khai nghiệp vụ mới, tôi cho rằng, cần cấp thêm quyền cho các CTCK chủ động thiết kế danh mục trong việc bán khống, bởi họ hiểu rõ rủi ro và xây dựng danh mục tương ứng với khẩu vị của họ.
T+0 và bán khống sẽ tác động làm tần suất giao dịch tăng lên. Ở các thị trường phát triển như Mỹ, thanh khoản hàng ngày chiếm 55-60% là của các nhà đầu tư tổ chức.
Tại Việt Nam, tới 80% giao dịch là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, khả năng sẽ làm mức độ biến động thị trường trở nên lớn hơn. Theo đó, khi áp dụng T+0 và bán khống, nhà quản lý vẫn nên giữ biên độ để giảm rủi ro trên thị trường.
Nếu vận hành suôn sẻ, T+0 và bán khống có thể tạo ra thay đổi rất lớn, thanh khoản có thể tăng bằng lần
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty, Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam
Động thái của nhà quản lý tạo nền cho giao dịch T+0 và bán khống được thị trường đánh giá rất tích cực. Điều này cho thấy tầm nhìn của cơ quan quản lý trong việc bổ sung được những sản phẩm vào quy hoạch, có sự thống nhất về mặt chủ trương sẽ phát triển và vận hành.
Đây là những sản phẩm đã có mặt ở các thị trường phát triển trên thế giới, nên để thị trường Việt Nam tiệm cận hơn thì bắt buộc cũng phải phát triển các sản phẩm này.
Trong tương lai, hệ thống giao dịch mới vận hành, việc áp dụng sản phẩm mới có khả thi hay không sẽ cần thời gian chạy thử, chứ không phải như nhiều kỳ vọng hiện nay là cứ đưa sản phẩm mới vào là tốt ngay cho thị trường.
Nếu vận hành suôn sẻ, T+0 và bán khống có thể tạo ra thay đổi rất lớn, thanh khoản có thể tăng bằng lần, các giao dịch của nhà đầu tư có xu hướng “đầu cơ” có thể giao dịch ngay trong phiên.
Hiện nay, TTCK phái sinh đã có nhiều nhà đầu tư thực hiện chiến thuật “day trading”. Sản phẩm này nếu áp dụng vào thị trường cơ sở thì sẽ rất thú vị.
Sản phẩm mới có thể làm tăng thanh khoản, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư phải chờ vài ngày sau chứng khoán mới về.
Khi thị trường có chuyển biến xấu, nhà đầu tư có thể hành động ngay, tăng khả năng phòng thủ cho nhà đầu tư. Khi quy mô thị trường đủ lớn, sản phẩm đa dạng và đủ tốt, tiện ích đầy đủ thì tự nhiên sẽ tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư mới.
Việc có các sản phẩm mới, ở góc độ nào đó cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thao túng giá chứng khoán.
Chẳng hạn, nếu mua nhầm cổ phiếu có yếu tố làm giá, bất ngờ đảo chiều mà nhà đầu tư vẫn phải chờ T+2, T+3 mới ứng xử được, thì khi có T+0, họ có thể thoát vị thế ngay lập tức.
Bán khống là “dao hai lưỡi”, cơ hội và rủi ro song hành
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)
Nội dung ngắt mạch TTCK là một trong những điểm tích cực trong dự thảo Thông tư thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC lần này.
Công cụ này được sử dụng phổ biến tại các TTCK các nước khu vực và quốc tế với mục đích ổn định các thị trường trước những cú sốc lớn và bảo vệ nhà đầu tư.
Khi TTCK Việt Nam có nền tảng tiệm cận với các thị trường mới nổi, việc áp dụng công cụ này là đúng thời điểm và cần thiết.
Mỗi thị trường khác nhau có quy định cơ chế ngắt mạch liên quan biên độ biến động, thời gian ngắt mạch… khác nhau. Chẳng hạn, với Mỹ và Trung Quốc, các sàn giao dich sẽ bị tạm ngưng 15 phút khi chỉ số chứng khoán giảm 7% đối với S&P 500 và 5% đối với CSI 300.
Nếu sau đó các chỉ số còn giảm thêm đến các ngưỡng quy định tiếp theo thì hoạt động giao dịch thậm chí còn phải ngưng cho đến hôm sau. Những tiêu chí này cần được tính toán kỹ để phù hợp với đặc tính TTCK Việt Nam là vẫn có biên độ giao dịch.
Giải pháp để bảo vệ thị trường nhưng cũng không làm cho thị trường thêm hoang mang khi tần số và thời gian ngắt mạch quá nhiều trong một thời gian ngắn.
Về cơ chế bán khống, đây cũng là một nội dung tích cực trong sửa đổi Thông tư lần này. Cơ chế này giúp cho TTCK Việt Nam tiến thêm một bước trong việc chuyên nghiệp hóa và tiến gần hơn với thông lệ tài chính quốc tế. Thanh khoản sẽ tăng lên và sự sôi động của sàn giao dịch sẽ cải thiện, tăng sức hấp dẫn của dòng tiền vào TTCK.
Tuy nhiên, bán khống là “dao hai lưỡi”, cơ hội và rủi ro song hành. Bán khống nằm trong giới hạn của cuộc chơi có tổng bằng không, yếu tố quyết định thành bại vẫn nằm ở khả năng phân tích và nhìn nhận thị trường của mỗi người giao dịch.
Đó là chưa kể đến việc nếu bán khống đi kèm với đòn bẩy thì phần lỗ khi dự đoán sai sẽ lớn hơn rất nhiều.
Mặt khác, nếu cộng thêm tác động của việc mua bán chứng khoán trong ngày (T+0) có hiệu lực thì các nhà giao dịch, nhất là những người mới tham gia vào thị trường, hoàn toàn có thể bị rơi vào vòng xoáy giao dịch liên tục với tâm lý FOMO (lo sợ bỏ lỡ cơ hội) khi dính phải chuỗi giao dịch lỗ liên tiếp.
Khi đó, khuynh hướng giao dịch tùy hứng do không có kiến thức, hệ thống, thậm chí là cờ bạc sẽ là yếu tố làm tiêu hao dần tài sản giao dịch của họ.
Do vậy, các nhà giao dịch cũ hay mới đều nên trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng để không bị bỡ ngỡ hay rơi vào trạng thái mất phương hướng, tránh việc để mất tiền vì không đủ khả năng quản trị vốn hay dính bẫy tâm lý giao dịch như đã kể trên.
Sớm hay muộn, việc có một cầu dao đối với giao dịch trên sàn chứng khoán là cần thiết
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Việc đưa thêm công cụ ngắt mạch thị trường là một điểm rất quan trọng đối với thị trường thế giới do các thị trường này không có biên độ và mức độ sử dụng sản phẩm phái sinh rất lớn.
Đối với các sản phẩm phái sinh, do tỷ lệ ký quỹ cao, khi thị trường rơi vào trạng thái biến động quá mạnh, vượt quá cả ngưỡng ký quỹ thường gây ra hiện tượng không thể quản trị rủi ro nổi, thị trường có thể mất thanh khoản.
Điều này dẫn đến thiệt hại rất nặng cho thành viên tham gia thị trường, bao gồm cả thành viên ký quỹ.
Trừ những trường hợp xảy ra rủi ro hệ thống không thể kiểm soát, việc ngắt mạch khi thị trường biến động quá mạnh cũng hữu ích trong trường hợp có những sai sót về đặt lệnh từ các thành viên thị trường.
Thời gian tạm dừng có thể giúp các thành viên thị trường phát hiện ra các sai sót này, tránh gây những ra những chi phí không cần thiết.
Đối với thị trường Việt Nam, về ngắn hạn, do còn áp dụng biên độ và các sản phẩm phái sinh chưa nhiều, nên việc ngắt mạch sẽ không tác dụng quá lớn. Tuy nhiên, về dài hạn, điều này là rất cần thiết khi thị trường phát triển hơn.
Gần đây cũng xảy ra một số hiện tượng lỗi xuất phát từ cả Sở giao dịch lẫn các công ty chứng khoán thành viên do quy mô lệnh phát triển nóng. Tôi cho rằng, sớm hay muộn thì việc có một cầu dao đối với giao dịch của sàn là cần thiết.
Dự thảo cũng bổ sung cơ chế bán khống có đảm bảo, cùng với chế giao dịch trong ngày (T+0). Khi áp dụng sẽ góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy vậy, cả 2 nghiệp vụ đều tiềm ẩn rủi ro.
Đặc biệt, khi thị trường rơi vào xu hướng giảm, hoạt động bán khống quá mạnh có thể khiến cho thị trường rơi vào vòng xoáy "call margin" (yêu cầu bổ sung ký quỹ) lớn. Điều này sẽ gây tác hại không nhỏ đối với nhà đầu tư đại chúng và toàn thị trường.
Vì thế, tôi đề xuất cần nghiên cứu thêm các điều kiện ràng buộc đối với hoạt động bán khống để giảm thiểu rủi ro hệ thống, giữ được sự cân bằng trên thị trường.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét