Được xây dựng từ 10 năm trước với cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng thành phố mới Bình Dương hiện tại vẫn rất lạnh lẽo, vắng vẻ bởi ít người sinh sống.
Được triển khai xây dựng từ 10 năm trước, với cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng thành phố mới Bình Dương đến nay vẫn vắng vẻ, ít người sinh sống.
Thành phố mới Bình Dương nằm trên địa phận các phường Phú Mỹ, xã Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một); xã Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp (huyện Tân Uyên); xã Hòa Lợi (huyện Bến Cát), quy mô 1.000 ha.
Được khởi công từ tháng 4/2010, nơi đây được kỳ vọng trở thành trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương trong tương lai, thay thế cho thành phố Thủ Dầu Một.
Diện mạo thành phố mới Bình Dương sau 10 năm xây dựng.
Thành phố thưa bóng người
Được đầu tư với tổng số vốn hơn 150.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020 để trở thành trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương, tuy nhiên đến nay, thành phố mới vẫn vắng bóng người, dù hạ tầng khá đồng bộ, hiện đại.
Theo quy hoạch, thành phố có 7 phân khu chức năng chính gồm: Trung tâm chính trị - hành chính; Trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; Công viên công nghệ kỹ thuật cao; Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; Khu phục vụ cộng đồng (quảng trường, công viên, hồ sinh thái…); Khu văn phòng cho thuê, nhà hàng, khách sạn cao cấp và khu các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Nổi bật giữa thành phố mới Bình Dương là tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh (21 tầng), cao 104 m, có bãi đáp trực thăng. Toà nhà được xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, là trụ sở làm việc của gần 60 cơ quan, sở ngành tỉnh Bình Dương. Xung quanh công trình là hàng chục dự án nhà phố, biệt thự khang trang nhưng khá ít người ở.
Đến nay, các hạng mục chính của thành phố mới Bình Dương cơ bản đã hoàn thành, dần đi vào hoạt động.
Theo dự kiến ban đầu, thành phố mới có quỹ nhà ở định cư cho khoảng cho 125.000 người và hơn 400.000 người đến làm việc, với đầy đủ công trình tiện ích.
Khu nhà thuộc dự án Rich Town là một trong những dư án nổi bật tại thành phố mới này. Khoảng 230 căn hộ được xây dựng bài bản, có tổng diện tích sàn từ 400 đến hơn 600 m2, nằm cách tòa nhà hành chính tỉnh Bình Dương chỉ vài trăm mét.
Những dãy nhà này là mạng lưới hàng trăm căn nhà phố được xây dựng giống nhau với 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, sát nhau, kéo dài trên nhiều tuyến phố được phân lô rỗ rệt. Hầu hết các căn nhà ở đây không có người ở.
Một trong những dự án nổi bật ở thành phố này là khu phố thương mại dịch vụ Uni – Tower do Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) làm chủ đầu tư. Hàng trăm căn nhà phố được xây dựng đồng bộ, hạ tầng đầy đủ, nhưng rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ với hàng loạt căn khóa cửa im lìm.
Hạ tầng ít sử dụng, bảo trì... bị hư hỏng, xuống cấp.
Hàng chục căn nhà khác hoàn thành phần thô.
Nằm trên đường Lê Duẩn và đường Hữu Nghị, dãy ki-ốt thương mại, shophouse trống vắng người thuê lâu nay... một phần vì cư dân sinh sống ở đây quá ít, kinh doanh không hiệu quả.
Thành phố mới Bình Dương nằm tách biệt, khá xa khu vực Dĩ An, Thuận An, cách trung tâm TP.HCM 40km.
Nằm ở cuối thành phố về phía phía Tây - Bắc, một trong số ít các chung cư đang xây dựng tại đây là dự án có tên Sora Gardens II. Đây là dự án liên doanh giữa Công ty TNHH Becamex Tokyu và Công ty TNHH Mitsubishi Jisho Residence, gồm 2 block 24 tầng, cung cấp 560 căn hộ. Giá căn hộ tại đây được rao bán mức 33 - 35 triệu đồng/m2.
Do nguồn cung mới ảm đạm, thị trường nhà đất tại đây dường như bị "đóng băng", một số sàn giao dịch bất động sản từng sôi động thời điểm trước hiện đã tạm đóng cửa.
Đại lộ khang trang vắng xe
Hệ thống đường giao thông của thành phố mới Bình Dương được quy hoạch, xây dựng hiện đại, với những tuyến đường thẳng tắp, rộng thanh thang, tuy nhiên luôn trong tình trạng thưa thớt người, phương tiện qua lại.
Kết nối với trung tâm thành phố có hàng chục tuyến đường quy mô từ 2-10 làn xe được xây dựng khang trang, nhưng nơi đây luôn vắng người và xe cộ. Có thời điểm không một bóng xe chạy qua.
Vòng xoay trung tâm thành phố với 8 nhánh đường lớn nhỏ, tuy nhiên không hiếm thời điểm chẳng có chiếc xe nào chạy qua.
Đường Hùng Vương được xem là "đại lộ" lớn nhất thành phố mới Bình Dương, chạy từ ngoại ô thẳng vào trung tâm, tuy nhiên chỉ lác đác vài xe qua lại.
Khu vực vòng xoay Võ Văn Kiệt - Hùng Vương là nút giao thông quan trọng, kết nối giữa thành phố mới Bình Dương về thành phố Thủ Dầu Một, tuy nhiên lượng xe cũng thưa thớt, kể cả trong giờ tan tầm.
Khu nhà ở giữa thành phố được bao quanh bởi các tuyến đường chính rộng 6 làn xe, như: Phạm Văn Đồng, Lê Hoàn, cách đường Nguyễn Văn Linh không xa, nhưng cũng ít bóng người.
Sau 10 năm xây dựng, thành phố mới Bình Dương vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Giới đầu tư cho rằng, có thể do bất động sản ở đây được rao bán với mức giá ban đầu quá cao, chỉ phù hợp với khách hàng đầu tư, thay vì hướng đến nhu cầu ở thực của người dân địa phương. Bên cạnh đó, thành phố mới có vị trí xa trung tâm TP.HCM, trong khi lại thiếu hụt các tiện ích dân sinh như bệnh viện, chợ, trường học, nhà giá rẻ... đó có thể là các nguyên nhân dẫn đến việc dự án này chưa thành công như mong đợi.
Nguồn Pháp Luật và Bạn Đọc
0 comments:
Đăng nhận xét