20 thg 8, 2020

Tiến sĩ tự biến mình thành 'nửa người nửa máy'

Tiến sĩ người Anh Peter Scott-Morgan đang thực hiện sứ mệnh chống lại bệnh neuron vận động (MND) bằng cách biến mình thành nửa người, nửa máy.

Tiến sĩ Scott-Morgan ngồi trong bộ khung xương do ông phát triển tại nhà riêng ở phía nam hạt Devon, Anh. Ảnh: Sugar Films.

Tiến sĩ Scott-Morgan, sống tại thị trấn Torquay, phía nam hạt Devong, đứng lên, đôi mắt mở to và rơm rớm. "Thật tốt!", ông nói nhỏ. "Tôi chưa chuẩn bị cho cảm xúc này. Nó khá phi thường. Nó thật sự là như vậy".

Sử dụng bộ khung xương ngoài, tiến sĩ Scott-Morgan đã trải nghiệm cảm giác đứng lần đầu tiên sau nhiều tháng được chẩn đoán mắc bệnh neuron vận động (MND) năm 2017, căn bệnh gây liệt cơ giống nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking.

Tuy nhiên, kết quả đáng ghi nhớ này chỉ là bước đầu tiên trong hành trình đầy táo bạo của tiến sĩ 62 tuổi khi muốn kiểm soát căn bệnh của chính mình bằng cách trở thành người lai máy hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới.

"Hãy nghĩ nó như một thí nghiệm khoa học. Đây thuộc về lĩnh vực người lai máy và tôi muốn trở thành chuột bạch để xem chúng ta có thể biến khoa học viễn tưởng thành thực tế đến mức nào", ông cười và nói.

Tiến sĩ Scott-Morgan muốn bộ khung xương này có thể bao lấy phần trên cơ thể, mang tới cho ông sức mạnh siêu phàm và vượt ngoài khả năng bình thường của con người "bằng da bằng thịt". Một máy tính có khả năng đọc suy nghĩ sẽ được cắm trực tiếp vào não và có thể thể hiện ý nghĩ của ông gần như ngay lập tức. Đồng thời, gương mặt bị liệt cơ của tiến sĩ Scott-Morgan sẽ được thay thế bằng hình đại diện siêu thực tế có thể di chuyển theo thời gian thực cùng trình tổng hợp giọng nói.

"Tương lai có vẻ sẽ rất thú vị nếu nhìn nhận một cách lạc quan", tiến sĩ Scott-Morgan viết trên blog cá nhân và thể hiện thái độ lạc quan vốn có của ông. "Giống như các cậu bé say mê đồ chơi của mình, tôi đoán thậm chí nó còn thú vị hơn một chút".

Sứ mệnh đầy cảm hứng của tiến sĩ người Anh đã trở thành đề tài cho bộ phim tài liệu của Sugar Films, "Peter: Người lai máy", được dự kiến phát sóng bắt đầu từ 24/8 ở Anh. Được quay trong hai năm, nhà khoa học ở thị trấn Torquay đã đưa người xem bước vào nhiệm vụ mang tính cá nhân để tìm ra công nghệ và con người có thể giúp ông trở thành "nửa máy nửa người".

Với bằng thạc sĩ về trí tuệ nhân tạo và tiến sĩ về robot, Scott-Morgan hy vọng có thể tìm ra cách tốt hơn để người mắc bệnh MND tiếp tục sống khi họ phải trải qua cảnh sống mà không thể cử động dù tinh thần vẫn luôn tỉnh táo.

"Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến anh ấy ngày càng xấu đi. Nó thật đau khổ", Francis, bạn đời của tiến sĩ Scott-Morgan, chia sẻ.

Tuy nhiên, Scott-Morgan nói ông không xấu đi mà trở thành một phiên bản mới của chính mình. Điều này cuối cùng sẽ mở đường cho con người có thể nâng cao khả năng bằng cách sử dụng công nghệ.

Ông đã thực hiện một số thay đổi cơ bản đối với cơ thể. Năm 2018, ông trải qua ba lần phẫu thuật để đặt ống dẫn thức ăn trực tiếp vào dạ dày, đặt ống thông tiểu vào bàng quang và túi hậu môn giả nối trực tiếp với ruột kết. Với mỗi cuộc phẫu thuật, ông đều đối mặt nguy cơ làm trầm trọng thêm căn bệnh MND.

"Bạn không thể không ấn tượng với cách ông ấy muốn kiểm soát cơ thể. Tôi nghĩ đó là bước đột phá và ông ấy là người tiên phong", Marie Wright, bác sĩ gây mê của Scott-Morgan nói.

Năm ngoái, ông phẫu thuật cắt thanh quản để chia tách thực quản và khí quản, nhằm ngăn nước bọt tràn vào phổi. Tuy nhiên, nó đồng nghĩa ông sẽ mất đi giọng nói và cùng với đó là khả năng kết nối hoàn toàn với những người thân yêu.

"Khi tôi gửi mail cho người bị liệt, họ nói với tôi về tất cả những gì họ đánh mất. Và giọng nói là điều tồi tệ nhất, tổn thương nhất và khiến họ cảm thấy mình trở nên khuyết tật nhất. Họ sẽ không thể truyền tải cảm xúc của mình ngay cả khi sử dụng công nghệ biến văn bản thành lời nói", ông nói.

Đó là điều mà Scott-Morgan sợ nhất và cũng là điều ông muốn dành thời gian giải quyết. Trước khi mất giọng nói, ông đã dành hàng giờ để thu âm từng từ, từng câu với sự giúp đỡ các nhà khoa học tại công ty Cereproc có trụ sở ở Edinburgh. Bản ghi âm được sử dụng để tạo ra giọng nói mới gần giống hoàn toàn với giọng ban đầu.

Bên cạnh đó, hình đại diện ảo giống thực tế cũng được thiết kế để cử động môi khớp với lời nói phát ra, mang theo biểu cảm gương mặt, như cười và ngạc nhiên, trong khi giao tiếp.

Nhưng điều này vẫn chưa đủ với người tiên phong trở thành người lai máy. Để giúp duy trì tính cách của ông, Scott-Morgan đã tranh thủ giúp đỡ của Lama Nachman, giám đốc tại Intel Labs và là người phụ nữ từng giúp giáo sư Hawking tái tạo giọng nói của ông.

Sau vài tháng, hai người xây dựng kế hoạch táo bạo rằng sẽ cung cấp trí tuệ nhân tạo (AI) cho phiên bản người lai máy của Scott-Morgan, nhằm có thể trả lời ngay tức thì và đầy đủ câu hỏi của người giao tiếp. AI cũng sẽ tự nói bằng cách sử dụng các cụm từ học được từ tiến sĩ Scott-Morgan.

Tuy nhiên, vấn đề lớn là làm thế nào để ngăn AI kiểm soát. Sẽ là vấn đề nếu Peter luôn chịu áp lực phải lựa chọn câu từ mà AI giới thiệu hơn là tự xây dựng lời nói của riêng mình.

Nhóm nghiên cứu ở Intel đang cố tìm cách giúp Scott-Morgan dạy AI, nhưng sẽ gắn cờ khi cụm từ đó không phải là điều ông ấy nghĩ. Qua thời gian, AI sẽ ngày càng thông minh hơn và "hợp nhất" tính cách của nó với tiến sĩ Scott-Morgan.

Hiện tại, kế hoạch kết nối hệ thống lời nói của con người với cỗ máy đọc hiểu tư duy vẫn nằm ngoài khả năng. Tuy nhiên, Nachman không loại trừ khả năng nó thành công trong tương lai. "Tôi có thể tưởng tượng khi nào nó được sử dụng", bà nói.

Một số công nghệ khác để biến tham vọng người lai máy trở thành hiện thực, như bộ khung xương, vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Ông cũng quyết định đặt ảnh đại diện ảo trên màn hình gắn ở ngực thay vì che mặt.

Nhưng nhà khoa học này hy vọng một ngày nào đó ông có thể hoàn toàn tồn tại bên ngoài cơ thể vật lý của mình, với tính cách, đặc điểm và kiến thức được lưu trữ vào máy móc.

Điều nổi bật về tiến sĩ Scott-Morgan không chỉ là thái độ lạc quan và dũng cảm của ông, mà đó còn là khả năng tìm ra đáp án cho các vấn đề mà ngay cả những người thông minh nhất nước Anh còn đang bối rối.

Tiến sĩ Scott-Morgan (phải) bên cạnh bạn đời Francis ở nhà riêng tại phía nam hạt Devon, Anh. Ảnh: Sugar Films.

"Công khai thừa nhận là giới tính thứ ba từ những năm 70 đã dạy tôi biết suy nghĩa cho bản thân. Tôi đã quen với việc không có cảm giác tôi phải trở thành người phù hợp, bởi trong thời gian dài thế giới đã nói với tôi rằng bạn thực sự không phù hợp. Sau 40 năm phá vỡ các quy tắc, tôi vẫn nói rằng đừng làm mọi thứ theo cách vốn có và hãy làm khác đi", ông nói.

Scott-Morgan hoàn toàn tin tưởng công nghệ có thể thay đổi và hiện cùng với bạn đời Francis vận động cho "Quyền được phát triển mạnh mẽ", chiến dịch kêu gọi cho phép người mắc bệnh MND được quyền tiếp cận công bằng với công nghệ sáng tạo để hỗ trợ cuộc sống. Trong những năm tới, nhiều công nghệ tiên tiến, do tiến sĩ Scott-Morgan phát triển, sẽ trở thành nguồn mở, cho phép mọi người được tiếp cận và cải thiện nghiên cứu trong các thập kỷ sau đó.

Nhưng hành trình của ông có lẽ còn rất lâu mới kết thúc. "Tôi ngày càng trở thành người lai máy hoàn chỉnh và trang bị nhiều công nghệ AI thậm chí làm cho tôi hoàn hảo hơn. Tôi sẽ không bao giờ ngừng là con người, nhưng có thể tôi sẽ giúp thay đổi định nghĩa về con người. Đó là quãng thời gian sống vô cùng thú vị", Scott-Morgan nói.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét