PGS.TS Trần Đắc Phu: "Chúng ta đã kiểm soát, khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng và tâm dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế được lây lan".
Bên trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh KHÁNH HƯNG
Ngày 9-8, thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ổ dịch ở Đà Nẵng, với tâm dịch tại các bệnh viện, có tốc độ lây lan nhanh cũng như xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát.
Tuy vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu - chuyên gia trong ban chỉ đạo - cho rằng công tác chống dịch ở Đà Nẵng vừa qua đã được thực hiện rất quyết liệt, toàn diện, hiệu quả.
Đến thời điểm này có thể nói "chúng ta đã kiểm soát, khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng và tâm dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế được lây lan".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, siết lại với tinh thần luôn sẵn sàng, thì có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Ông cũng yêu cầu sớm biên soạn "sổ tay", tổng kết kinh nghiệm, hướng dẫn cụ thể, để các địa phương khác có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch ngay khi phát hiện ra ca nhiễm ở trong đô thị, bệnh viện, cộng đồng.
Ban Chỉ đạo đánh giá năng lực xét nghiệm đã tốt hơn rất nhiều lần so với trước, cả về sản xuất kit thử cũng như máy móc xét nghiệm. Tới đây sẽ đẩy mạnh xét nghiệm theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, lúc nào dùng xét nghiệm kháng thể, lúc nào dùng xét nghiệm PCR.
Trong khi đó, cũng ngày 9-8, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết sau quá trình điều trị hơn 10 ngày, 18 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có kết quả âm tính với virus corona.
Cụ thể hiện nay tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang có 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 6 bệnh nhân âm tính lần 1, 5 bệnh nhân âm tính lần 2 và 2 bệnh nhân âm tính lần 3 với chủng virus này.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, mặc dù trong số này có 2 bệnh nhân âm tính lần thứ 3 với virus nhưng các bệnh viện vẫn sẽ tiếp tục giữ lại để theo dõi thêm diễn biến sức khỏe. "Hiện chưa có kế hoạch cho xuất viện đối với 2 bệnh nhân có 3 lần xét nghiệm âm tính" - bà Yến cho biết.
Liên quan đến bệnh nhân 416, ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch bùng ở Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy (đang trực tiếp điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) - cho biết tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng. Bác sĩ Linh cho biết bệnh nhân này vừa được chuyển về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ngày 8-8 sau khi đã hoàn thiện hệ thống điều trị ở đây.
"Ca bệnh này được công bố ngày 24-7 nhưng đến nay vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và hệ thống ECMO. Tình trạng tổn thương phổi và nhiễm trùng của bệnh nhân vẫn còn rất nghiêm trọng do đa nhiễm như nấm và vi trùng đa kháng. Quá trình điều trị sẽ rất lâu dài" - bác sĩ Linh thông tin.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy):
Có bệnh nhân nặng không kém phi công người Anh
Chỉ tính riêng các ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có tới 12 bệnh nhân phải điều trị hồi sức, trong đó có 7 bệnh nhân nặng gồm 5 ca thở máy, 2 ca chạy ECMO. Trong số các ca bệnh này, có bệnh nhân tổn thương phổi không thua gì bệnh nhân 91 - phi công người Anh được điều trị ở TP.HCM trước đây.
Một bệnh nhân Covid-19 công tác ở Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng
Chiều 9-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng công bố thông tin dịch tễ liên quan đến một số bệnh nhân. Trong đó đáng chú ý là bệnh nhân COVID-19 số 769 tên N.T.T.H. (nữ, hiện là cán bộ thanh tra TP Đà Nẵng). Đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh nhân là cán bộ đang làm việc tại tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng. Theo thông tin từ bệnh nhân cung cấp, từ 16-7 cho đến ngày có kết quả dương tính với virus corona, bệnh nhân vẫn thường xuyên làm việc tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng - nơi có hơn 1.000 cán bộ đang làm việc. Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét