HAP của Tập đoàn Hapaco tăng mạnh nhất HoSE với 39,4%. Nhiều cổ phiếu midcap và penny tăng trần 5 phiên trong tuần giao dịch 10-14/8.
Tin liên quan:
Tự doanh CTCK mua ròng 382 tỷ đồng trong tuần 10-14/8, tập trung gom cổ phiếu bluechip
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 844 tỷ đồng trong tuần 10-14/7, VHM là tâm điểm
Trên HoSE, HAP của Tập đoàn Hapaco (Hapaco, HoSE: HAP) tăng 39,4%. Trong 5 phiên tuần này, HAP đều tăng trần với mức thanh khoản cao. Tính rộng ra, cổ phiếu này đã tăng trần 7 phiên liên tiếp. Mới đây, công ty công bố kế hoạch đầu tư 5 dự án mới về bệnh viện, dây chuyền giấy tissue, trung tâm thương mại… Doanh nghiệp dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm 2020.
Theo sau là VPS của Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco, HoSE: VPS) với 38,6%. Trong 15 phiên gần đây, Vipesco đã tăng trần 14 phiên. 6 tháng đầu năm, Vipesco đạt doanh thu thuần 212,3 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 40% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 7 tỷ đồng, giảm 30%, thực hiện 78% chỉ tiêu năm.
Một cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp là TIP của Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HoSE: TIP) tăng 22,3%. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cùng ngành như SZC, SZL, D2D… đều hút được dòng tiền và tăng giá so với tuần trước. Quý II, Tín Nghĩa báo lãi 32,5 tỷ đồng, tăng hơn 21%. 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 107 tỷ đồng, tăng hơn 2%. Lợi nhuận sau thuế là 49,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Doanh nghiệp hoàn thành gần 71% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Đối với HNX, QNC của Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (HNX: QNC) tiếp tục nằm trong danh sách khi tăng 58%. Tính cả 5 phiên tuần này, QNC đã tăng trần 10 phiên liên tiếp, từ 3.300 đồng/cp lên 7.900 đồng/cp. Sau 6 tháng, QNC báo lãi 61 tỷ đồng, vượt kế hoạch nhờ đạt mục tiêu kinh doanh năm 2020 thấp hơn nhiều so với kết quả thực hiện của năm 2019. Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi 29 tỷ đồng, bằng 39% lợi nhuận đạt được năm 2019.
DBT của Dược phẩm Bến Tre (Bepharco, HNX: DBT) tăng 31,8%. Công ty thông báo vừa nhận được quyết định chấp thuận niêm yết lần đầu gần 135,3 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.
MBG của Tập đoàn (HNX: MBG) tăng 26,7%. HĐQT của công ty đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác, đã được được ĐHĐCĐ đồng ý. Công ty dự kiến phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu trong quý III/2020 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Tại UPCoM, DTN của Diêm Thống Nhất (UPCoM: DTN) tăng mạnh nhất với 98,6% nhưng với khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ đạt 100 cổ phiếu/phiên. DTN đã có 3 trên 5 phiên tăng trần trong tuần này.
AFX của Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, UPCoM: AFX) tăng 84,6%. Afiex đã có trọn vẹn 5 phiên tăng trần trong tuần này. Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thông báo bán đấu giá trọn lô 17,85 triệu cổ phiếu AFX, tương đương 51% vốn với giá khởi điểm 18.900 đồng/cp. Tổng giá trị thu về tối thiểu 337,4 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Võ Thị Ngọc Hà, vợ ông Nguyễn Văn Tiến - Ủy viên HĐQT đăng ký bán 70.000 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến từ 28/7 đến 24/8 theo phương thức khớp lệnh.
Các cổ phiếu khác như DAC của Viglacera Đông Anh (UPCoM: DAC), PYU của Môi trường và Công trình Đô thị Phúc Yên (UPCoM: PYU) hay HLA của Hữu Liên Á Châu (UPCoM: HLA)… tăng khá mạnh dù không có nhiều thông tin hỗ trợ trong đợt tăng giá này.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
Ở chiều ngược lại, RIC của Quốc tế Hoàng Gia (HoSE: RIC) giảm mạnh nhất trên HoSE với 22,7%. RIC có 3 trên 5 phiên giảm sàn với mức thanh khoản đạt trung bình khoảng 1.000 cổ phiếu/phiên. Theo sau là CDC của CTCP Chương Dương (HoSE: CDC) với 15,5%, PNC của Văn hóa Phương Nam (HoSE: PNC) gỉảm 13,5%. Trên thị trường, không có nhiều thông tín tác động lên thị giá của các cổ phiếu này.
TNI của Tập đoàn Thành Nam (HoSE: TNI) giảm 8,3%. Cổ phiếu này giảm mạnh từ cuối tháng 5 đến nay, từ mức giá 12.200 đồng/cp (29/5) xuống 3.080 đồng/cp (14/8), giảm 74,75% giá trị. Bà Trần Kim Phương đã bán 810.000 cổ phiếu, giảm lượng nắm giữ còn 3,9 triệu đơn vị, tương đương 7,4% vốn.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Đối với HNX, nhóm cổ phiếu penny giảm khá mạnh với PGT của PGT Holdings (HNX: PGT) giảm 28,1%, PDC của Du lịch Dầu khí Phương Đông (HNX: PDC) mất 24,1%, TST của Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông (HNX: TST) giảm 18%... Các cổ phiếu này đều có mức thanh khoản thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 100 cổ phiếu/phiên.
VTL của Vang Thăng Long (HNX: VTL) giảm 18,5%. Bà Phan Thị Bích Ngọc, mẹ Ủy viên HĐQT Phạm Huy Phong đã bán toàn bộ 267.360 cổ phiếu VTL, tương đương 5,3% vốn. Thời gian giao dịch từ 20/7 đến 14/8. Trước đó, ngày 10/7, Chủ tịch HĐQT Phạm Xuân Hà và ông Phạm Quang đã bán toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu và 331.630 đơn vị VTL, tương đương 20,65% và 6,55% vốn.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Trên UPCoM, SVG của Hơi Kỹ nghệ Que hàn (UPCoM: SVG) giảm 44,7%. SVG giảm mạnh như vậy do phiên giao dịch ngày 10/8 có biên độ 40% sau khi cổ phiếu không xuất hiện giao dịch 25 phiên liên tiếp.
HCS của Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội (UPCoM: HCS) giảm 41,3%. Công ty dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu nhận được 1.200 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/8.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét