Về công hàm của Úc bác yêu sách Trung Quốc ở Biển Đông mới đây, Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6-8 cho biết.
Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ, Úc bắt tay nhau trong một sự kiện song phương - Ảnh: AFP
Trả lời câu hỏi về công hàm Biển Đông của Úc tại họp báo ngày 6-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng việc các nước lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc là một việc làm bình thường, thực tiễn.
"Việt Nam cho rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Để làm được điều này, việc tôn trọng pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là thiết yếu", bà Hằng khẳng định.
Người phát ngôn Thu Hằng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, và UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
"Trên tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước bao gồm các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này", bà Thu Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc ngày 23-7, Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trái với UNCLOS 1982.
Như vậy sau Mỹ, Úc là quốc gia thứ hai ngoài khu vực Biển Đông gia nhập "cuộc chiến công hàm" về điểm nóng này ở Liên Hiệp Quốc. Trước đó, công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 12-2019 đã kéo theo một loạt công hàm và công thư thể hiện lập trường từ Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Indonesia đến Mỹ.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét