Thị trường tiếp tục tăng điểm tuần thứ sáu liên tiếp với VN-Index tăng 22,56 điểm (2,57%) lên 901,54 điểm; HNX-Index tăng 0,31 điểm (0,25%) lên 126,15 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,74%) xuống 126,15 điểm.
Tăng giá
Thị trường đi lên với hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu diễn biến tích cực. Các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh trong tuần qua có MWG (1,4%), VJC (7,0%), HVN (6,3%), VIC (4,6%), BVH (6,8%), CTG (3,6%), BID (3,8%), HDB (5,3%).
Trong khi đó, tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là "tân binh" BCM của Becamex IDC ( HoSE: BCM ) với 46,8% từ 28.000 đồng/cp lên 41.100 đồng/cp. BCM trong tuần đã có trọn vẹn cả 4 phiên tăng trần. BCM chính thức giao dịch trên sàn HoSE hôm 31/8. Cổ phiếu này đã hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM vào ngày 20/8 và dừng giao dịch từ ngày 19/8 tại mức giá 30.100 đồng/cp, cao hơn 2.100 đồng/cp so với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE. Trong tuần qua, BCM bị khối ngoại bán ròng 122 tỷ đồng trong khi được khối tự doanh CTCK mua ròng 115 tỷ đồng.
Tiếp sau đó, cổ phiếu MCP của In và Bao bì Mỹ Châu ( HoSE: MCP ) cũng tăng đến 30,6% chỉ sau một tuần giao dịch. Cổ phiếu này trong tuần cũng có 4 phiên tăng trần và kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ở mức 30.300 đồng/cp, tương ứng gấp 3 lần so với thời điểm 9/7/2020.
Cổ phiếu DTA của CTCP Đệt Tam ( HoSE: DTA ) và OGC của Tập đoàn Đại Dương ( HoSE: OGC) tăng lần lượt 29% và 24,5%.
Ở sàn HNX, đứng đầu danh sách tăng giá sàn này là VGP của Cảng Rau quả ( HNX: VGP ) với 45,4% từ 14.100 đồng/cp lên 20.500 đồng/cp với thanh khoản mỗi phiên trong tuần chỉ ở mức thấp.
Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá sàn HNX là cổ phiếu VTJ của Thương mại và Đầu tư Vinataba ( HNX: VTJ ) với 39%. Trong tuần, cổ phiếu VTJ cũng có 4 phiên tăng trần liên tiếp với giá tăng từ 3.600 đồng/cp lên 5.000 đồng/cp. Thanh khoản của VTJ trong tuần cũng tăng mạnh so với thời điểm trước đó. Theo thông tin mới đây, CTCP Invest Đại Tây Dương đã mua 1,71 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của VTJ từ ngày 18/8 với tỷ lệ 15%.
Tại sàn UPCoM, có 2 cổ phiếu tăng giá trên 60% là TEL của Phát triển công trình viễn thông (UPCoM: TEL) và C22 của Công ty 22 ( UPCoM: C22 ) với mức tăng lần lượt 69,5% và 60%. Tuy nhiên, cả 2 cổ phiếu này đều có thanh khoản thấp đặc biệt là C22 khi cổ phiếu này chỉ khớp lệnh 2 phiên giao dịch trong tuần với thanh khoản vài trăm cổ phiếu mỗi phiên.
Giảm giá
Đứng đầu danh sách giảm gá sàn HoSE tuần từ 31/8-4/9 là cổ phiếu HAP của Tập đoàn Hapaco ( HoSE: HAP ) với 25%. Trong tuần, HAP đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp, trước đó, cổ phiếu này đã có đến 16 phiên tăng trần liên tiếp từ 3.040 đồng/cp lên 8.800 đồng/cp.
Tiếp sau đó, cổ phiếu PTL của Petroland ( HoSE: PTL ) giảm đến 25%. PTL đã có một tuần điều chỉnh mạnh với 4 phiên giảm sàn liên tiếp sau chuỗi bứt phá mạnh trước đó. Trước đó, PTL đã tăng từ 4.870 đồng/cp lên 8.490 đồng/cp (74%) nhờ thông tin Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) quyết định thoái toàn bộ 9% vốn tại Petroland.
Cổ phiếu PPE của PVPower Engineering ( HNX: PPE ) cũng giảm đến 31% chỉ sau một tuần giao dịch. Đà giảm sàn của PPE đã được nới rộng thành 6 phiên liên tiếp sau khi xuất hiện thông tin 2 Ủy viên HĐQT là ông Lê Cảnh Toàn và Thái Minh Dương đều đăng ký bán ra 350.000 cổ phiếu. Cả 2 giao dịch dự kiến được thực hiện từ 27/8 đến 259.
PPE cũng là cổ phiếu duy nhất sàn HNX giảm giá trên 20%. Trong khi đó, đứng thứ 2 về mức giảm giá là SFN của Dệt lưới Sài Gòn ( HNX: SFN ) với 18% nhưng thanh khoản của SFN luôn trong tình trạng đóng băng và thậm chí không có giao dịch.
Trên sàn UPCoM, giảm giá mạnh nhất là cổ phiếu ICI của Đầu tư và Xây dựng Công nghiệp ( UPCoM: ICC ) với 40%. Tương tự, cổ phiếu EAD của Thủy điện Điện lực Đắk Lắk ( UPCoM: EAD ) và CH5 của Xây dựng Số 5 Hà Nội ( UPCoM: CH5 ) giảm lần lượt 39,9% và 39,8%. Điểm chung của cả 3 cổ phiếu này là đều chỉ có duy nhất một phiên xuất hiện giao dịch khớp lệnh trong tuần qua với thanh khoản rất thấp.
Theo NDH
0 comments:
Đăng nhận xét