Ambivert - người hướng trung biết khi nào họ cần lên tiếng và khi nào cần im lặng, khi nào cần thăm dò đối phương và khi nào cần đưa ra phản hồi, khi nào nên tiến lên và khi nào cần lùi lại.
Carl G. Jung – nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sỹ – đã đưa ra những nghiên cứu về khái niệm hướng nội và hướng ngoại như một phần cốt lõi của nhân cách con người. Tuy nhiên, rất hiếm khi có người 100% hướng nội hay 100% hướng ngoại. Mỗi người đều tồn tại đồng thời hai xu hướng với một mặt trội hơn bên còn lại.
Sự khác biệt giữa người hướng ngoại và hướng nội nằm ở cách mà họ tái tạo/nạp năng lượng sau khi tiếp xúc xã hội:
Người hướng nội lấy năng lượng từ bên trong bản thân bằng cách dành thời gian một mình hoặc ở nơi yên tĩnh.
Người hướng ngoại nạp năng lượng thông qua việc giao tiếp mở rộng mối quan hệ xã hội. Và thường bị mất năng lượng khi ở một mình quá lâu.
Tuy nhiên, có một xu hướng tính cách ở giữa được gọi là "vừa hướng nội vừa hướng ngoại" (ambivert).
THẾ NÀO LÀ "VỪA HƯỚNG NỘI VỪA HƯỚNG NGOẠI"?
Đối với người vừa hướng nội vừa hướng ngoại, bên trong bạn tồn tại cả hai xu hướng tích cách và tùy thời điểm, bạn sẽ bộc lộ cá tính nào mạnh hơn hoặc cân bằng cả hai xu hướng.
Đôi lúc, bạn cực kì thích giao lưu cùng người khác và trở thành tâm điểm câu chuyện, nhưng sau đó bạn chỉ muốn dành khoảng lặng riêng cho mình và không muốn ai làm phiền. Nếu có đặc điểm này, có thể bạn là một ambivert đích thực rồi đấy.
5 dấu hiệu chứng tỏ bạn có thể là một Ambivert
1. Biết lắng nghe và có khả năng giao tiếp tốt: Điểm nổi bật của người hướng ngoại là thích giao tiếp. Điểm mạnh của người hướng nội là khả năng lắng nghe. Vì thế, khi bạn thuộc nhóm người cân bằng, bạn sẽ có khả năng lên tiếng khi cần và biết lúc nào nên dừng lại để lắng nghe. Ambivert là người sở hữu phong thái tự nhiên và ẩn chứa lối suy nghĩ sâu sắc nên rất thu hút sự chú ý của mọi người.
2. Khả năng điều chỉnh hành vi tốt: Đây là khả năng điều chỉnh cách hành xử sao cho phù hợp với từng tình huống và từng đối tượng giao tiếp. Nó có thể được thể hiện ở cách bạn dẫn dắt một tình huống khó xử thành một cuộc trò chuyện vui vẻ, chân thành và mang đến cảm giác tích cực cho người xung quanh. Trong một sự kiện, bạn không muốn mình là trung tâm của sự chú ý nhưng cũng không tạo khoảng cách với mọi người.
3. Thoải mái trong các mối quan hệ và dễ chịu khi ở một mình: Trong thời gian diễn ra sự kiện, bạn thể hiện tính cách nổi bật của người hướng ngoại là hòa đồng và đầy năng lượng. Nhưng sau khi kết thúc sự kiện, bạn sẽ tìm khoảng lặng riêng để sống với tính cách của người hướng nội.
4. Chấp nhận những điều tự nhiên sẽ đến: Ambivert là kiểu người sống cởi mở và suy nghĩ thấu đáo trong từng sự việc. Khi ai đó gặp vấn đề, họ sẽ dành thời gian lắng nghe để hiểu vấn đề và sử dụng trực giác của mình để đưa ra lời khuyên phù hợp. Với sự linh động trong suy nghĩ và tính quyết đoán của mình, ambivert là người biết chấp nhận sự việc theo hướng tự nhiên và tích cực tìm giải pháp hơn là đẩy trách nhiệm cho những người xung quanh.
5. Tạo ra sự cân bằng cho mọi người xung quanh: Điểm mạnh của ambivert là sự cân bằng vì khi sở hữu hai xu hướng tính cách bên trong con người, bạn sẽ dễ dàng kết nối với nhiều nhóm người và mang đến sự tin tưởng, thoải mái cho các mối quan hệ.
LỢI THẾ CỦA NGƯỜI AMBIVERT
Ưu điểm của ambivert là biết lắng nghe để thấu hiểu và linh hoạt hành động trong từng tình huống.
Đặc trưng
Ổn định: Theo nhà tâm lý học Hans Eysenck – người đã đề xuất thuật ngữ "ambivert" vào năm 1947 thì những người sở hữu hai tính cách này thường có sự cân bằng tốt giữa sự đa cảm của người hướng nội và tính độc đoán của người hướng ngoại.
Trực giác: Daniel Pink nói rằng "ambivert" biết khi nào họ cần lên tiếng và khi nào cần im lặng, khi nào cần thăm dò đối phương và khi nào cần đưa ra phản hồi, khi nào nên tiến lên và khi nào cần lùi lại. Lợi thế của người vừa hướng nội vừa hướng ngoại bắt nguồn từ khuynh hướng đủ nhiệt huyết và đủ quyết đoán để có thể tiếp cận và thuyết phục người khác, nhưng đồng thời xuất phát từ việc tập trung lắng nghe và tránh hiện diện với thái độ quá tự tin hay hào hứng. Do vậy, biết cách linh hoạt sử dụng những đặc điểm này sẽ rất có lợi cho các "ambivert".
Trong các mối quan hệ
Kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại rất chủ động trong quan hệ cộng đồng. Ví dụ, họ có thể làm chủ bữa tiệc để kể những câu chuyện hài hước thu hút đám đông nhưng cũng có thể dành thời gian lắng nghe những người thích trò chuyện sâu sắc. Với đặc điểm hướng ngoại, họ tạo nên tương tác rất rộng trong khi sự hướng nội sẽ giúp họ duy trì mối quan hệ thân thiết.
Trong quản lý
Theo nghiên cứu được công bố tại Harvard Business Review về chuỗi 55 cửa hàng pizza tại Hoa Kỳ để tìm sự khác biệt trong quản lý của người hướng nội và hướng ngoại, xem ai sẽ là người mang lại lợi nhuận cao hơn, kết quả nhận được là:
- Nhà lãnh đạo hướng ngoại sẽ thu được lợi nhuận cao khi điều hành nhóm nhân viên thích sự dẫn dắt và hướng dẫn tận tình.
- Nhóm nhân viên thích sự chủ động, muốn tự chịu trách nhiệm sẽ mang lại lợi nhuận cao cho các nhà lãnh đạo hướng nội .
Vì vậy, người lãnh đạo vừa hướng nội vừa hướng ngoại sẽ có lợi thế khi quản lý đội nhóm hay dự án. Họ có đủ các phẩm chất của người hướng nội và hướng ngoại để tạo nên sự cân bằng trong phong cách quản lý, trở thành nhà lãnh đạo tốt để hiểu nhu cầu của nhân viên cũng như biết chọn cách hành xử phù hợp.
Tuy nhiên, việc có khả năng di chuyển giữa 2 xu hướng tích cách đôi khi cũng gây khó khăn và căng thẳng nếu một người ambivert muốn giữ được trạng thái cân bằng trong nhiều tình huống.
Không hề có kiểu tính cách đúng hoặc sai. Thứ duy nhất đúng đó là sống, hành động với đúng bản chất con người bạn. Hãy khai thác điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu và luôn là chính mình, bạn sẽ có được một cuộc đời ý nghĩa.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét