Từng được nhắc đến với vị thế là “đại gia Phố Núi”, bên cạnh Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai, song Đức Long Gia Lai đang ngày càng hụt hơi trong cuộc đua khi vòng xoáy nợ nần bào món gần như toàn bộ thành quả.
Tin liên quan: Đức Long Gia Lai (DLG) lên kế hoạch thoát lỗ trong năm 2020
Đức Long Gia Lai ngày càng hụt hơi khi vòng xoáy nợ nần ngốn hết thành quả hoạt động
Đức Long Gia Lai (DLG) tiền thân là Xí nghiệp Tự doanh Đức Long, được thành lập vào tháng 9/1995 với số vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng, 9.700m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động. Lợi thế sẵn có về nguyên liệu, cùng điều kiện tự nhiên phù hợp giúp công ty nhanh chóng đạt được thành công với mặt hàng kinh doanh gỗ, khoảng sản, tiền đề để lấn sân sang các hoạt động khác.
Sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Đức Long Gia Lai rẽ hướng sang một loạt lĩnh vực mới thông qua hệ thống các công ty con trong nhiều lĩnh vực, từ đầu tư thủy điện, trồng cao su, khai thác quặng sắt, cho tới lĩnh vực được xem “thời thượng” cách đây hơn thập kỷ là bất động sản.
Việc chuyển hướng đầu tư giúp doanh thu và lợi nhuận của DLG gia tăng theo cấp số, nhưng mở rộng quá nhanh cũng khiến cấu trúc tài chính của công ty này trở nên yếu hơn, khi dựa nhiều vào đòn bẩy tài chính. Hệ quả là năm 2019, Đức Long Gia Lai lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết. Đến nửa đầu năm nay, khoản lỗ bị nới rộng khi kết quả kinh doanh không đủ bù đắp chi phí hoạt động và lãi vay. Cổ phiếu DLG trên sàn chứng khoán cũng chỉ còn hơn 1.300 đồng, tương đương với giá trị vốn hóa chỉ hơn 400 tỷ đồng dù công ty có tổng tài sản hơn 8.300 tỷ và vốn chủ sở hữu gần 3.200 tỷ đồng.
Vòng xoáy nợ nần, các khoản phải thu
Với 20 năm phát triển, sự vận động của thị trường không phải ngẫu nhiên và có lý do để nhà đầu tư định giá cổ phiếu DLG với mức giá rẻ mạt chỉ hơn 1.300 đồng.
Đầu năm nay, DLG đặt mục tiêu doanh thu 2.500 tỷ và lợi nhuận 80 tỷ đồng - con số tương đương với giai đoạn cao nhất năm 2015. Kế hoạch này dự kiến được thực hiện với hàng loạt toan tính trong mảng năng lượng, linh kiện điện tử và các dự án giao thông.
DLG cho biết đã đề xuất và được tỉnh Gia Lai, Ninh Thuận và Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió và điện mặt trời, trong đó riêng tại Gia Lai, tổng công suất dự kiến hơn 1.500 MW. Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng sản xuất các sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử và smart tivi. Đồng thời, DLG cũng hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án giao thông lớn.
Tham vọng lớn là vậy, nhưng sau nửa đầu năm, số liệu tài chính của DLG đang cho thấy một bức tranh hoàn toàn trái ngược. Công ty ghi nhận doanh thu 6 tháng chỉ hơn 800 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Lỗ ròng ghi nhận con số kỷ lục hơn 260 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi và chi phí lãi vay ngốn hết phần lợi nhuận từ kinh doanh.
Đặc thù hoạt động mang yếu tố chính là thương mại nên biên lợi nhuận gộp từ kinh doanh của DLG ở mức thấp, chỉ loanh quanh ngưỡng 15 - 16%. Lợi nhuận gộp nửa đầu năm chỉ hơn 145 tỷ đồng. Chưa tính tới các khoản chi phí hoạt động khác, chỉ riêng lãi vay gần 190 tỷ đồng đã cao hơn con số này. Nói cách khác, lợi nhuận từ kinh doanh của DLG không đủ để trả lãi vay từ số nợ hiện có, chưa tính tới việc trang trải chi phí hoạt động.
Đến cuối Quý II, tổng nợ vay của Đức Long Gia Lai là hơn 3.700 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn. Chỉ riêng từ giai đoạn 2015 đến nay, quy mô nợ phải trả của công ty này đã tăng gấp 4 lần.
Dù vậy, việc nợ vay cao lại không đi trực tiếp vào hoạt động kinh doanh mà một lượng vốn lớn của DLG bị chiếm dụng qua các khoản phải thu. Đối ứng bên phần tài sản, các khoản phải thu ngắn và dài hạn của DLG cũng xấp xỉ 3.700 tỷ đồng, trong đó phần nhiều là không tài sản đảm bảo và nhiều khoản rủi ro chuyển sang nợ xấu.
Riêng quý II công ty đã ghi nhận một khoản chi phí bất thường là dự phòng các khoản phải thu khó đòi gần 170 tỷ đồng. Nhiều giao dịch nội bộ với nhân viên, các doanh nghiệp đối tác của DLG bị chuyển sang dạng nợ xấu do không có khả năng thu hồi.
Cho tới mảng bất động sản không mấy suôn sẻ
Nếu nhìn từ báo cáo tài chính của DLG, mảng bất động sản không quá nổi bật so với những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong quá khứ, có những thời điểm lĩnh vực này trở thành hy vọng lớn. Dù vậy, quá trình triển khai lại gặp không ít biến cố.
Vạn Gia Long có thể là cái tên gợi nhớ đến biến cố tại loạt dự án bất động sản liên quan đến Đức Long Gia Lai.
Giữa năm 2016, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đức Long Gia Lai (công ty con của DLG) đã ký hợp đồng đầu tư (thời hạn 3 năm), góp vốn cùng Vạn Gia Long thực hiện dự án Căn hộ cao cấp Sunshine Apartment tại Quận 7, TP.HCM.
Dự án này do Vạn Gia Long làm chủ đầu tư, sau được biết tới với các tên gọi Dragon Court hay phổ biến hơn là Đức Long Golden Land. Đến cuối quý II/2020, DLG vẫn ghi nhận khoản phải thu 300 tỷ đồng với Vạn Gia Long để triển khai dự án này.
Tuy nhiên, dự án này từng dính nhiều lùm xùm từ đơn tố cáo của người dân. Thanh tra TP.HCM từng xác định nhiều sai phạm, liên quan đến việc bồi thường, kinh doanh chưa đủ điều kiện, đặc biệt với nội dung phần đất công tại dự án "biến mất", chuyển nhượng gây thất thoát cho Nhà nước. Cuối năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu xử lý các sai phạm tại dự án Đức Long Golden Land.
Không chỉ Đức Long Golden Land, DLG còn vướng nhiều vấn đề tại một số dự án bất động sản khác như Đức Long Newland hay Western Park.
Tại báo cáo kiểm toán năm 2019, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh đến khả năng hoạt động của DLG khi cho biết công ty chưa thanh toán cho hầu hết các khoản nợ vay đã đến hạn, đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả.
Nguồn Reatimes
Tin liên quan:
Đức Long Gia Lai báo lỗ khủng quý 2 hơn 210 tỷ đồng
0 comments:
Đăng nhận xét