Giữa tháng 9-2020, hàng loạt ngân hàng thương mại thông báo điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Cụ thể, sau 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng từ 2,85-3%/năm đối với các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng hoặc 3 tỷ đồng trở lên; cũng ở kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm xuống mức 3,6%...
Lãi suất phổ biến kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 3-4%/năm, kỳ hạn 6-12 tháng ở mức 4,2-7,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,8-7,3%/năm.
Tuy nhiên, trong thời điểm kinh doanh khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay thì đầu tư kinh doanh khá rủi ro nên nhiều người dân gửi ngân hàng số tiền tích góp như một phương án an toàn, chờ hoạt động kinh tế dần ổn định mới đầu tư.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 132.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS. Đặng Hữu Mẫn, giảng viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), nguồn vốn từ huy động tiền gửi của ngân hàng tăng đều, trong khi đó, người dân lại cân nhắc khi vay tiền để sản xuất, kinh doanh vào thời điểm này, dẫn đến các ngân hàng tuy dồi dào vốn nhưng lại khó “rót” tiền ra.
Tuy vẫn có nhiều doanh nghiệp cần vốn để tái sản xuất sau Covid-19 nhưng các ngân hàng vẫn phải đặt ra tiêu chí khi vay tiền để bảo đảm khả năng thu hồi nợ cũng như lợi nhuận ngân hàng. Tất yếu, lãi suất huy động từ tiền gửi của người dân giảm liên tiếp trong thời gian qua, ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền.
Nguồn Báo Đà Nẵng
0 comments:
Đăng nhận xét