Tp.HCM đã phát triển nhiều khu đô thị mới, khu dân cư mới hiện đại, có nhiều tiện ích và dịch vụ, môi trường sống ngày càng tốt hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), hiện nay phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới trên địa bàn Tp.HCM đạt nhiều thành quả, nhưng chỉnh trang, tái thiết các khu vực đô thị cũ, thì mới đạt được những thành quả bước đầu.
Theo HoREA, Tp.HCM đã phát triển nhiều khu đô thị mới, khu dân cư mới hiện đại, có nhiều tiện ích và dịch vụ, môi trường sống ngày càng tốt hơn, như: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu dân cư Him Lam, Vinhome Central Park, Vinhome Golden River Ba Son, Sunrise City, Sala City, Sài Gòn Pearl, Cantavil, Dragon City, Mizuki Park, Vạn Phúc City, Celadon City, Sài Gòn Mia, The Manor…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Đồng thời, trong hơn 30 năm qua, Thành phố cũng đã thực hiện thành công nhiều dự án chỉnh trang, tái thiết một số khu vực đô thị cũ, với dự án đầu tiên là khu dân cư Xóm Cải, phường 8, quận 5, tiếp theo là đã chỉnh trang thành công một số khu vực đô thị tại các quận nội thành, mà điển hình là công tác chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch thuộc lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; Tàu Hũ-Ruột Ngựa; Tân Hóa-Lò Gốm; Kênh Tẻ-Kênh Đôi; kênh Hàng Bàng; kênh Tham Lương-Rạch Bến Cát-Vàm Nước Lên; Xây dựng lại một số chung cư cũ bị hư hỏng nặng và tái định cư các hộ dân, tạo được diện mạo đô thị mới, "đổi đời" cho các khu vực lụp xụp, "ổ chuột" trước đây.
Nhưng do nguồn lực ngân sách thành phố có hạn và chưa có cơ chế chính sách đầy đủ, có tính khả thi để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, kể cả do "điểm nghẽn" về quy hoạch "chỉ tiêu dân số", nên công tác chỉnh trang, tái thiết các khu vực đô thị cũ bị chững lại. Hiện nay, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, như: Tiếp tục di dời, chỉnh trang, tái định cư hơn 20.000 hộ đang sống trên và ven kênh rạch.; Xây dựng lại 474 nhà chung cư cũ (có trước năm 1975), tái định cư khoảng 35.000 hộ; Nhiều khu vực đô thị cũ, thấp tầng, cơ sở hạ tầng chắp vá, cần phải được chỉnh trang.
Chia sẻ về câu chuyện phát triển đại đô thị gắn liền với kinh tế, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho rằng, có thể thấy xu thế phát triển các khu đô thị mới tại các thành phố lớn là tất yếu. Các khu đô thị mới hình thành tạo động lực phát triển quan trọng trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Trải qua quá trình hàng chục năm xây dựng và hình thành các khu đô thị mới là minh chứng thực tế nhất cho thấy sự thay da đổi thịt của một vùng đất và giá trị gia tăng không ngừng đóng góp cho kinh tế địa phương về mọi phương diện.
Theo bà Hương, giá trị đầu tiên phải kể đến đó chính là yếu tố quy hoạch đồng bộ. Với quy mô các khu đô thị từ 50ha trở lên cho phép các Chủ đầu tư quy hoạch hoàn chỉnh với hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận tiện với khu vực lân cận. Các loại hình sản phẩm tại các khu đô thị khá đa dạng và phù hợp với nhu cầu về nhà ở của nhiều nhóm đối tượng khách hàng khác nhau từ thấp tầng đến cao tầng, từ bình dân đến cao cấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land.
Hơn thế nữa các tiện ích nội khu được hình thành nhanh chóng từ trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, công viên cảnh quan cùng với hàng loạt tiện ích khác đã tạo nên diện mạo mới cho một khu đô thị sầm uất, văn minh và hiện đại.
Cộng đồng dân cư mới theo đó hình thành theo thời gian và chất lượng cuộc sống được nâng cao. Có thể nhận thấy sự khác biệt rõ nét về môi trường sống, không gian sống so với khu dân cư hiện hữu tại các khu vực lân cận. Một xu thế dịch chuyển rõ ràng của người dân vào sinh sống tại các khu đô thị mới khang trang, hiện đại và tiện nghi ngày càng gia tăng và chiếm tỉ trọng cao.
Một hệ sinh thái toàn diện đã được hình thành ngày càng hoàn chỉnh tại các khu đô thị mới, không chỉ là nhà ở mà còn các loại hình văn phòng, thương mại cùng các loại hình dịch vụ khác không ngừng phát triển. Khu đô thị mới đã trở thành các hạt nhân và các tâm điểm mới bên cạnh khu trung tâm hiện hữu, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển chung tại các thành phố lớn trong cả nước.
Tuy vậy, bà Hương cho rằng cần tính đến bài toán phát triển cân bằng trong dài hạn.
Với các dự án khu dân cư mới có quy mô từ 20ha trở lên hay các khu đô thị với quy mô từ 50ha trở lên sẽ đòi hỏi thời gian triển khai lên đến hàng chục năm và không phải chủ đầu tư nào cũng có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để phát triển loại hình dự án này. Để có được quỹ đất đủ lớn, các chủ đầu tư phải đi trước một bước trong việc phát triển các quỹ đất ở khu vực lân cận hay khu vực ngoại thành. Có thể điểm tên một số chủ đầu tư lớn đã phát triển thành công trong thập kỷ vừa qua như Phú Mỹ Hưng, Vạn Phúc Group, Vingroup, Nam Long, CEO Group, Vihajico, Novaland... với hàng chục khu đô thị trên cả nước với quy mô từ vài chục đến vài trăm ha.
Trong dài hạn, theo vị CEO này, việc phát triển các khu đô thị mới sẽ giúp nâng tầm thương hiệu đối với các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển vững mạnh cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hình thành các khu đô thị mới, đặc biệt là các đại đô thị có quy mô hàng trăm ha trở lên sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ về kinh tế xã hội cho địa phương, giải quyết được bài toán phát triển bền vững tại các thành phố lớn, giúp giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm vốn ngày càng quá tải, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, tạo nên các tâm điểm phát triển mới về kinh tế, xã hội và đóng góp tích cực cho sự phát triển của khu vực và kinh tế địa phương bao gồm thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư và ổn định kinh tế xã hội…
Tuy nhiên để thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị mới một cách thuận lợi và hiệu quả vẫn cần sự quan tâm của cơ quản quản lý Nhà nước. Trong đó, chiến lược xây dựng các khu đô thị mới phải đi cùng với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tạo sự kết nối thuận tiện, rút ngắn thời gian di chuyển và thu hút cư dân về ở. Song song đó, cần có chính sách ưu đãi kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các khu đô thị mới nhanh chóng và hiệu quả.
Điều quan trọng không kém là cần có cơ chế đặc thù dành cho các đại đô thị nhằm hỗ trợ kịp thời cho các Chủ đầu tư rút ngắn thời gian triển khai do đây là các dự án có quy mô rất lớn và có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, là bộ mặt phát triển của thành phố và cả nước.
Còn theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, trong khi quỹ đất tại Tp.HCM đang dần cạn kiệt, giá nhà tăng cao so với khả năng tài chính của đa số người dân Tp.HCM thì việc xuất hiện các đô thị lớn tại khu vực giáp ranh sẽ là một giải pháp lớn để người dân của thể sở hữu được nhà ở. Nhưng, giải pháp mà các doanh nghiệp hướng về vùng ven chỉ là tức thời vì thị trường chính vẫn là Tp.HCM. Bởi nhu cầu nhà ở và trọng tâm phát triển kinh tế vẫn là Tp.HCM, chính vì vậy vẫn cần có giải pháp để giúp doanh nghiệp quay trở lại thị trường chính là Tp.HCM.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group
"Khi phát triển các đô thị xung quanh Tp.HCM thì các doanh nghiệp cần chú ý trọng tâm tới việc làm sao để gia tăng được cơ hội sở hữu nhà cho đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp, các đối tượng này rất quan trọng bởi vì giá BĐS tăng lên rất lớn, gần như cơ hội sở hữu nhà cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp là đang thiếu", ông Phúc chia sẻ.
Chính vì vậy, chúng ta nên quan tâm đến việc phát triển nhà ở thường có giá trị phù hợp dành cho hai đối tượng này bằng việc có thể chia ra các phân khu như khu vực nhà có giá trị thấp, tới nhà tầm trung và cao cấp. Đây là điều rất quan trọng, nếu làm được sẽ góp vào việc ổn định cán cân cung cầu BĐS và làm cho thị trường ổn định hơn.
Ngoài ra, các chủ đầu tư nên quan tâm tới hạ tầng xã hội dành cho người dân. Có được những tiện ích mà người dân cần thì tức khắc các dự án sẽ thu hút được người dân về ở, tạo ra một cộng đồng dân sinh và một dự án phồn vinh, kinh tế địa phương cũng như chính sách giãn dân của các tỉnh mới thực sự thành công.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét