18 thg 9, 2020

OceanBank chật vật bán đấu giá các khoản nợ xấu

Theo thông báo của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), phiên đấu giá khoản nợ xấu của Công ty CP Phát triển Giải trí Xứ Sở Hạnh Phúc (Happy Land) lần thứ 5 được tổ chức vào chiều 17/9.

OceanBank sẽ tiếp tục thông báo bán đấu giá các khoản nợ xấu trong thời gian tới. Ảnh: Minh Dũng

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, phiên đấu giá đã không diễn ra do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Trong thời gian qua, nhiều khoản nợ xấu khác với quy mô hàng trăm tỷ đồng của OceanBank cũng chung tình trạng không tìm được người mua.

Tại lần đấu giá thứ 5 này, mức giá khởi điểm khoản nợ xấu của Happy Land chỉ còn 292 tỷ đồng, thấp hơn gần 3 lần so với mức giá 817 tỷ đồng của khoản nợ từng được OceanBank rao bán cuối năm 2018.

Tài sản bảo đảm của khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng 190.852 m2 đất tại thửa đất số 975, tờ bản đồ số 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An (vị trí thực hiện Dự án Happy Land); quyền tài sản hình thành từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Happy Land và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An; 4,2 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư Phát triển Gia Định thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Khang Thông và một khinh khí cầu loại được neo bằng dây tại chỗ, sức chở 30 người.

Ngoài khoản nợ xấu của Happy Land, OceanBank cũng tích cực rao bán các khoản nợ xấu của nhiều khách hàng như: Công ty CP Dệt may Đông Á (Dagatex), Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Tùng Lâm (Tùng Lâm), Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền (Việt Hiền)…

Đơn cử, ngày 20/8, OceanBank đã tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu của Tùng Lâm. Dù không công bố giá trị khoản nợ nhưng giá khởi điểm lên tới 333 tỷ đồng cho thấy đây là một khoản nợ xấu lớn.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: quyền phát triển, khai thác dự án và tài sản hình thành trong tương lai tại Dự án 160 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP. Hà Nội; 48 nghìn cổ phần Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Du lịch Lạc Hồng (tương đương 80% vốn điều lệ) thuộc sở hữu của Công ty CP Sản xuất Nhật Minh và ông Cao Minh Sơn.

Ngoài ra, tài sản cầm cố còn có quyền sử dụng thửa đất số 552, tờ bản đồ số 5, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và quyền tài sản phát sinh từ việc góp vốn đầu tư Dự án Khu đô thị Sông Châu tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Cũng trong ngày 20/8, OceanBank đã tổ chức đấu giá khoản nợ xấu của Dagatex. Giá trị khoản nợ này tính đến ngày 22/6/2020 là hơn 998,8 tỷ đồng (gồm 405,1 tỷ đồng nợ gốc và 363,7 tỷ đồng nợ lãi).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc OceanBank cho biết, hiện chưa có nhà đầu tư mua khoản nợ của Tùng Lâm và Dagatex. Ngân hàng sẽ tiếp tục thông báo bán đấu giá các khoản nợ xấu này trong thời gian tới.

Vị cán bộ này cũng cho biết, tài sản bảo đảm của các khoản nợ trên là quyền phát triển, khai thác dự án, tài sản hình thành trong tương lai chứ không phải là bất động sản, ô tô… để có thể dễ dàng thu giữ. Chẳng hạn như việc sang tên đầu tư một dự án cần phải có sự phối hợp của con nợ. Cũng chính vì vậy, Ngân hàng mới bán đấu giá nghĩa vụ nợ thay vì tài sản bảo đảm.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, trong thời gian tới, OceanBank sẽ tiếp tục rao bán khoản nợ xấu của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội sau 2 lần đấu giá mà không có người mua. Giá trị khoản nợ không được OceanBank công bố, tuy nhiên mức giá khởi điểm hơn 511,8 tỷ đồng ở lần đấu giá đầu tiên phần nào cho thấy quy mô khoản nợ này. Ở lần đấu giá thứ hai, mức giá khởi điểm chỉ còn 460,6 tỷ đồng.

Một trong các khoản nợ xấu đã được OceanBank rao bán nhiều lần phải kể đến khoản nợ của Việt Hiền. Đến nay, khoản nợ xấu này đã được đưa ra đấu giá 11 lần. Ở lần mới nhất, giá khởi điểm là hơn 91,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức giá 262,2 tỷ đồng trong đợt đấu giá cuối tháng 4/2020. Tài sản cầm cố gồm hơn 5,1 triệu cổ phần của Dagatex, 415.000 cổ phần của Dagatex thuộc sở hữu của Việt Hiền và 2 cá nhân là Cao Minh Sơn và Trần Văn Vinh.

Nguồn Báo Đầu Tư

0 comments:

Đăng nhận xét