22 thg 9, 2020

Quen biết nhiều nghĩa là quan hệ tốt? Đừng lầm tưởng, chỉ có 3 kiểu quan hệ sau đây mới thực sự có giá trị

Nói cười thân thiết chưa chắc đã là một mối quan hệ tốt. Khi bản chất xã hội chính là trao đổi ngang bằng, chỉ có 3 kiểu kết giao sau đây thực sự có giá trị mà thôi.


“Làm thế nào để xây dựng mạng lưới quan hệ tốt?” là câu hỏi của rất nhiều người trẻ khi bắt đầu dấn thân vào xã hội.

Về cơ bản, mọi mối quan hệ đều được xây dựng dựa trên bản chất “trao đổi đồng giá”, tương tự với cách trao đổi giá trị trên thị trường. Không có món hời nào từ trên trời rơi xuống, các mối quan hệ cũng vậy.

Đặt trường hợp, có một nữ sinh viên cao học, ngoại hình xinh xắn đáng yêu, quen biết rộng khắp và thường xuyên nói cười thân thiết với bạn học xung quanh. Trong một lần thực hiện công trình nghiên cứu, cô dựa vào các mối quan hệ xung quanh để nhờ vả rất nhiều người giúp đỡ.

Thế nhưng, hiệu quả cuối cùng không hề cao. 10 người được hỏi thì chỉ có 1 người đồng ý, thậm chí trong đó cũng chỉ có người miễn cưỡng đồng ý vì ngại từ chối bạn bè, chứ không thực sự nhiệt tình giúp đỡ.

Rõ ràng, nữ sinh này đã đánh giá quá cao tình trạng các mối quan hệ của mình. Cô tưởng rằng chỉ cần mặt dày mày dạn chủ động nhờ sự giúp đỡ thì sẽ nhận được ích lợi miễn phí. Nhưng nói trắng ra, tất cả mọi người đều đang tranh thủ vừa học vừa làm, lấy sức một người để nỗ lực gấp đôi, phấn đấu cho sự nghiệp tương lai. Chẳng có ai có nghĩa vụ phải miễn phí bỏ công sức ra để giúp đỡ người ngoài cả.

Một nhà xã hội học người Mỹ đã chỉ ra rằng: "Mọi mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, bản chất đều là các mối quan hệ trao đổi".

Trong cuộc sống, bạn cũng sẽ gặp rất nhiều trường hợp tương tự như vậy. Một người bạn cùng trường từng hợp tác vui vẻ, tham gia rất nhiều hạng mục với nhau, khiến bạn cho rằng mối quan hệ đôi bên vô cùng thân thiết.

Nhưng sau khi tốt nghiệp, bạn gặp vấn đề, chủ động liên lạc hỏi thăm thì chỉ nhận được những câu trả lời khách sáo như người xa lạ. Muốn được giúp đỡ, vậy bạn phải trả tiền và làm theo quy trình như bao khách hàng khác, không hơn không kém.

Từ đó có thể thấy rằng, đại đa số các mối quan hệ đều dựa trên giá trị ích lợi. Đôi bên cùng trao đi và nhận lại những giá trị tương đương nhau mới có thể xác lập một kết nối lâu dài.

Còn những người chỉ kết giao bằng miệng, hứa hẹn “đao to búa lớn” thì hành động thực tế lại ít đến đáng thương. Nếu họ thực sự muốn giúp bạn, họ sẽ làm nhiều hơn nói.

Do đó, nếu có thể tổng kết thì người ta chia các mối quan hệ xã giao thành nhiều loại khác nhau. Trong đó, chỉ có 3 loại duy nhất thực sự có giá trị với sự phát triển của bạn, chính là:

1. Nhà tư vấn (trao đổi kiến ​​thức và thông tin lẫn nhau)

Đối phương không nhất định phải là người thông minh, giỏi giang hay “biết tuốt”. Về cơ bản, họ là người dùng giao tiếp về mặt trí tuệ để duy trì tình bạn của nhau.

Với những tư duy, suy nghĩ và năng lực khác nhau, các mối quan hệ “nhà tư vấn” sẽ là người tiến hành trao đổi, bổ sung kiến thức lẫn nhau. Chẳng hạn như, bạn truyền lại kinh nghiệm phỏng vấn xin việc, đối phương dạy bạn kỹ năng quản lý tài chính cá nhân...

Thông qua quá trình không ngừng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm như vậy, cả hai có thể giúp đỡ nhau cùng trưởng thành. Đây chính là mối quan hệ cực kỳ cần thiết và quan trọng trong xã hội mà bản thân phải trân trọng, không ngừng vun đắp, kết giao sâu đậm hơn.

2. Đối tác chiến lược (quan hệ hợp tác)

Đây là nhóm đối tượng kết giao có chung một mục đích, tham vọng và mục tiêu. Do đó, họ sẵn sàng cộng tác cùng nhau để đôi bên cùng có lợi. Thông qua đó, đôi bên giúp nhau san sẻ trách nhiệm, cùng cống hiến hết mình để đạt tới chất lượng công việc cao hơn theo nguyên tắc "1+1>2".

Một mối quan hệ hợp tác tốt được quyết định bằng sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Dẫu cho giữa đôi bên có những khác biệt về cách thức cũng như đặc thù công việc, nhưng tất cả cần dựa trên tiêu chí cùng phát triển để đạt được mục tiêu chung.

Chẳng hạn như, một nhà thiết kế quần áo muốn mở cửa hàng thì cần hợp tác với người có năng lực kinh doanh. Mục tiêu chung của cả hai là cùng nhau kiếm tiền.

Nhà thiết kế càng làm ra những bộ trang phục đẹp mắt thì càng thu hút khách hàng. Và nhà kinh doanh càng đưa ra các chiến lược quảng bá, tuyên truyền hiệu quả thì sản phẩm của họ càng có thể vươn xa, tiếp cận được nhiều nguồn khách hàng hơn nữa. Như vậy, hiệu quả cuối cùng khi hai bên đều phát huy hết giá trị của mình mới là “win - win”.

3. Khách hàng (người bỏ tiền ra để mua đồ của bạn)

Đây là đối tượng mà bạn không có giá trị tương đương để trực tiếp trao đổi với họ, nhưng vẫn muốn thành lập quan hệ thì cách nhanh nhất chính là trở thành khách hàng của đối phương.

Một khách hàng nhiệt tình, trung thành và thân thiện sẽ luôn được người bán hàng ưu tiên thiết lập mối quan hệ lâu dài.

Cuối cùng, không thể phủ nhận rằng, trong xã hội hiện đại, việc kết giao bạn bè đóng vai trò quan trọng. Nhưng ở vào thời điểm mà năng lực của bạn chưa đủ ưu tú, thậm chí không lấy ra một giá trị tích cực nào để trao đổi công bằng, thì rất khó có thể tìm được những người ưu tú thực lòng muốn kết giao với bạn.



Vật tụ theo loài, người phân theo nhóm. Nếu cứ cố gắng gia nhập vào những hội nhóm không thật sự phù hợp với mình, bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Lúc đó, quen biết nhiều đến mấy cũng trở thành vô giá trị. Sự quen biết của bạn chỉ dừng ở đôi ba lời xã giao ngoài miệng mà thôi, rất khó biến thành hành động thực tế. Dù bạn có lãng phí bao nhiêu thời gian và sức lực để vun vén các mối quan hệ này cũng vô dụng mà thôi.

Người ta có câu: "Mây tầng nào sẽ gặp gió tầng đó." Thực lực của bạn chính là sự hấp dẫn lớn nhất. Ngay cả khi bạn không dành sự ưu ái cho ai, mọi người vẫn sẽ vây xung quanh bạn. Mọi người sẽ luôn ngưỡng mộ và luôn muốn được kết giao với bạn.

Những điều tuyệt vời sẽ dành cho những người xứng đáng. Trước hết, bạn phải biến bản thân trở thành một người xứng đáng.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét