Rất nhiều video clip nhảm nhí, không có tính giáo dục trên Youtube lại được đông đảo người xem, đặc biệt là trẻ em ưa thích. Tuy nhiên, việc ngăn chặn các video clip này còn khó khăn.
Clip trộn dầu ăn với nước uống Sting rất nhảm nhí, dễ để trẻ em bắt chước
Phổ biến video clip thiếu tính giáo dục
Thanh Lương Vlog, con gái nuôi của Bà Tân Vlog là cái tên mới xuất hiện và nổi lên trong làng Youtuber (người dùng Youtube) trong thời gian gần đây. Do là nhân vật mới nên để thu hút người xem, Youtuber này giới thiệu kênh của Thanh Lương chuyên để troll (chọc, chơi khăm) anh trai, troll mẹ và mọi người.
Ngay ở video clip đầu tiên, Thanh Lương làm clip “ Troll thằng anh trai. Mình đã mua được nước và dầu ăn, hôm nay mình sẽ troll thằng anh trai của mình là Hưng Vlog, cho anh mình uống nước pha dầu ăn”.
Tiếp đó, Thanh Lương đổ nước Sting màu vàng trong chai còn mới nguyên đi, đổ dầu ăn vào và nói: “Hôm nay mình sẽ cho anh mình v. đ luôn”. Sau đó, nhân vật mang chai nước đã pha trộn cho anh trai là Hưng Vlog uống.
Bình luận về video clip này, chị Thảo Nguyễn (Hà Đông- Hà Nội) cho hay: “Có hôm tôi vô tình thấy con gái mới 6 tuổi xem, cháu tỏ ra rất thích thú với màn chơi khăm này của Thanh Lương. Hai anh em cháu còn bàn nhau hôm nào sẽ thử làm, thử pha dầu ăn với nước Sting xem mùi vị ra sao. Clip này quá vô bổ, tôi không hiểu Youtuber làm với mục đích gì. Tôi phải thuyết phục các cháu không xem và bắt chước các clip có nội dung như vậy, nhưng cháu còn nhỏ, vẫn rất tò mò”.
Tương tự, với Hậu Vlog- cũng là một thành viên trong gia đình Bà Tân Vlog, Youtuber này còn “bá đạo” đến mức troll em gái Thanh Lương bằng cách tổ chức đám tang cho em gái. Trong clip, khi Thanh Lương đang ngủ say, Hậu Vlog, Duy Bin và Hùng Vlog đội khăn trắng làm từ giấy vệ sinh, tay Hùng cầm nải chuối xanh và quả cam và thông báo: “Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, em Nguyễn Thanh Lương đã từ trần vào hồi 11h hai mươi mấy phút ngày 9/12. Nó đang ngủ như con lợn trong phòng và tôi làm đám ma cho nó”.
Nhiều ý kiến phản đối nội dung clip này vì quá nhảm nhí, thậm chí có những người còn lo ngại sự việc như vậy sẽ xảy ra trong thực tế.
Phương Hữu Dưỡng cũng là cái tên không xa lạ với những người thường xuyên xem Youtube. Ngoài những video clip không có nội dung lành mạnh, giáo dục, Youtuber này còn có nhiều clip về nội dung dùng tiền giả (chủ yếu là tiền âm phủ) để chơi khăm ai đó. Chẳng hạn như clip vứt cọc tiền âm phủ mệnh giá 500.000 đồng trên đường quê để đánh lừa người đi đường, hoặc mang 350 triệu đồng tiền giả đi mua điện thoại Iphone.
Một số kênh Youtube khác cũng như M.K Tivi chuyên làm clip dành cho trẻ em nhưng dường như đang bị cạnh kiệt ý tưởng và thường xuyên làm clip về hoàn cảnh của người giàu, người nghèo. Mặc dù cuối video, Youtuber đều có nội dung giáo dục là không nên khinh thường người nghèo, song với nhiều đối tượng người xem là em nhỏ 4-5 tuổi, nội dung này không được chú ý.
Chị Thúy Hà (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho hay: “Hai con tôi sau khi xem xong các clip tương tự thì dường như chỉ nhận thức được thế nào là giàu, thế nào là nghèo, rồi nhận xét các bạn xung quanh ai giàu, ai nghèo, hoàn toàn không để ý tới điều gì khác. Do đó, theo tôi nên hạn chế làm các video clip kiểu này”.
Khó chặn tận gốc?
Mới đây, Hưng Vlog sau khi đăng tải clip nấu cháo gà nguyên lông đã bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng với lỗi “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Nêu quan điểm về vụ việc này, một luật sư cho hay, mức xử phạt quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Mặt khác, lỗi “vi phạm thuần phong mỹ tục” cũng có phần khiên cưỡng nên khó xử lý Youtuber mạnh tay hơn.
Ngoài các nội dung nhảm nhí như trên, trên Google, Youtube còn các kênh có nội dung vi phạm thường có lượng người theo dõi rất đông, lên đến hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu tài khoản như: kênh của Phú Lê, Khá Bảnh (đã bị khóa), Huấn Hoa Hồng… và thường “gợi ý” người xem nên tác động xấu đến xã hội.
Đáng chú ý, trong số những người “hâm mộ” các clip này, có rất đông trẻ em. Đối tượng người xem này đang trong quá trình hoàn thiện về nhận thức, trong khi việc đưa thông tin từ các clip không được kiểm duyệt nên tác động rất xấu.
Cùng với Google, Youtube cũng là một nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam nên việc ngăn chặn nội dung vi phạm, nhảm nhí còn nhiều bất cập.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP có đề cập đến trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới.
Cụ thể, các quy định quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP hướng đến các yêu cầu: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Các trang web cung cấp dịch vụ nội dung có từ 01 triệu lượt tương tác hoặc từ 10.000 thành viên thường xuyên hàng tháng trở lên phải thực hiện các nghĩa vụ: Thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.
Các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết với các nền tảng xuyên biên giới trong các trường hợp: Cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; Không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Nguồn ANTT
0 comments:
Đăng nhận xét