27 thg 10, 2020

Cổ phiếu ngân hàng đảo chiều

Các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với điểm chung là lợi nhuận cao hơn cùng kỳ dù nợ xấu tăng. 


Chuyên gia nhận định lợi nhuận ngân hàng năm 2020 có thể “ảo” nếu không dự phòng nợ xấu đúng mực. 

Số TCTD đánh giá tình hình kinh doanh năm 2020 “suy giảm nhẹ” so với năm 2019 tiếp tục tăng so với kỳ điều tra trước.

Cổ phiếu nhiều ngân hàng tiếp tục có phiên giảm thứ hai ngày 27/10. STB của Sacombank giảm 5,7%, xuống 13.300 đồng/cp, MBB của MB giảm 2,7%, HDB của HDBank giảm 1,8%, ACB giảm 1,6%... Trong 2 phiên đầu tuần, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm 6-9%. Diễn biến trên là lần điều chỉnh mạnh nhất của cổ phiếu ngân hàng từ cuối tháng 7. Trong 3 tháng qua, nhiều mã đã tăng 40-70%, có thể điểm tới như VIB (70%), LPB (44%), ACB (43%)... 

Sự chững lại của cổ phiếu "vua" đã xuất hiện từ tuần trước khi phần lớn các mã chỉ đi ngang hoặc tăng với biên độ nhỏ, một số mã giảm giá. Vốn hóa cổ phiếu ngân hàng chỉ tăng hơn 1% trong tuần. Nguyên nhân một phần là sự chú ý đã hướng sang các mã chiếm tỷ trọng lớn tại MSCI Frontier Markets 100 Index, phần khác do những thông tin lợi nhuận công bố sát với ước đoán của giới phân tích, không có yếu tố mới thúc đẩy cổ phiếu.

Nhiều ngân hàng đều công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như MSB tăng 57%, VIB 38%, VPBank 30%, ACB 15%, MB 7%... Một số ngân hàng đã vượt kế hoạch năm như MSB, SaigonBank. Kết quả khả quan chủ yếu nhờ các nhà băng giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu, không phụ thuộc vào nghiệp vụ tín dụng.

Một điểm chung khác là nợ xấu tăng sau 9 tháng, một số ngân hàng nâng trích lập dự phòng, cũng là lý do khiến lợi nhuận giảm. Các trường hợp này có Vietcombank thấp hơn 17% so với cùng kỳ, Sacombank thấp hơn 7%, ABBank giảm 3%. 

Tại Vietcombank, nợ xấu đến cuối quý III tăng 15% so với đầu năm, nợ nhóm 2 tăng 60%. Với VPBank, quy mô nợ xấu đến cuối quý III vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, nợ nhóm 2 cũng tăng thêm hơn 2.500 tỷ đồng.

Tương tự, quy mô nợ xấu của MB tăng hơn 39% so với đầu năm, trong đó riêng quy mô nợ nhóm 5 gấp ba lần, nợ nhóm 2 cũng tăng thêm hơn nghìn tỷ đồng. Nợ xấu ACB cũng tăng 71%, nợ nhóm 2 cũng tăng 31%.

Hiện nay, dưới tác động Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một phần nợ xấu của nền kinh tế vẫn ở dạng tiềm ẩn. Điều này giúp ngân hàng không bị “cú sốc” nợ xấu trên báo cáo tài chính, đồng thời kéo giãn tác động của Covid-19 đến lợi nhuận. 

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 01 giúp một số doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, để tiếp tục vay tiền các nhà băng. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy rủi ro về phía ngân hàng. Ông Hiếu cho rằng nợ xấu phát sinh thực chất vẫn tồn tại. Thông tư 01 khiến một phần nợ xấu không thể hiện trên báo cáo tài chính. Các ngân hàng nên thận trọng và có dự phòng cần thiết cho những khoản nợ xấu bị cơ cấu lại.  

Vị chuyên gia cũng nhận định lợi nhuận ngân hàng năm 2020 có thể “ảo” nếu không dự phòng nợ xấu đúng mực. Các TCTD cần thận trọng với 2 loại nợ là nợ được cơ cấu lại và những khoản nợ mới cho vay. Khi các chính sách tương tự Thông tư 01 thay đổi, sự tác động của Covid-19 đến chất lượng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng sẽ được phản ánh. 

Thực tế, bản thân các ngân hàng cũng nhận thức được tác động của dịch bệnh. Trong khảo sát gần đây, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đánh giá rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ”tăng” và dự kiến tiếp tục tăng trong quý IV (23,1% TCTD) và cả năm 2020 (53,3% TCTD lo ngại) so với năm 2019 nhưng với mức độ chậm lại. 2 nhóm khách hàng được TCTD đánh giá có mức độ rủi ro "tăng” cao hơn là nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và công ty cổ phần, TNHH và doanh nghiệp tư nhân (50-52,9% TCTD đánh giá). 

Trong quý IV, nhiều TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh “cải thiện” (với 67,6% TCTD) hơn các quý trước. Tuy nhiên, dự kiến cả năm 2020, số TCTD đánh giá tình hình kinh doanh năm 2020 “suy giảm nhẹ” so với năm 2019 tiếp tục tăng so với kỳ điều tra trước. 48,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể “cải thiện” hơn so với năm 2019. 

Trước đó, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research dù nhận định tác động của đại dịch sẽ khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm trong năm nay, công ty chứng khoán cho rằng các nhà băng sẽ bứt phá trong 2021. SSI Reserch kỳ vọng sau khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% trong khi nhóm ngân hàng TMCP tăng 11,2%.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét