Có những kiểu quen biết sẽ khiến cuộc đời ta càng trở nên rực rỡ, nhưng cũng có vài kiểu người càng thân cận sẽ càng lộ bộ mặt tiểu nhân, khiến bạn bè xa lánh quay lưng.
Không phải tự dưng mà người xưa có câu: “Tiểu nhân chuyên nhận ân nghĩa, nhận nhiều không cảm kích; Quân tử khó chịu ân nghĩa, chịu rồi ắt không quên.”
Trong khi kẻ ích kỷ, tham lam luôn mong chờ sự giúp đỡ từ người khác, mong một ngày quý nhân phò trợ để mình một bước đổi đời, thì người quân tử đường đường chính chính lại giữ vững nguyên tắc của bản thân.
Muốn biết có nên tương trợ một người hay không, quan trọng nhất phải xem nhân phẩm của họ. Nếu nhân phẩm không ra gì, bản chất chỉ là phường tiểu nhân xấu tính, dù chúng ta chân thành giúp đỡ cũng có khả năng bị “lấy oán trả ơn”.
01. Lười biếng vô độ
Trong thôn có một nhà, người chồng 32 tuổi và người vợ 26 tuổi, họ có tới 4 đứa con. Một nhà 6 người chỉ sống bằng tiền tiếp tế hàng tháng chứ không có công ăn việc làm ổn định. Trong khi đó, cha mẹ già trong nhà tuy đã hơn 60, nhưng vẫn luôn bận rộn nghĩ cách lao động, kiếm tiền, sau đó gửi về cho gia đình con trai.
Thôn trưởng nhiều lần nhìn thấy, tới cửa muốn giới thiệu việc làm ở một nhà máy gần đó thì cả hai vợ chồng đều từ chối với lý do phải ở nhà trông con. Muốn giúp họ nhận công việc chân tay trong thôn, chỉ cần làm trong lúc rảnh rỗi, thì họ lại chê tốn sức mà ít tiền.
Cuối cùng, cán bộ thôn buộc phải tức giận tuyên bố, “Nếu hai người cứ tiếp tục thất nghiệp lêu lổng thì họp thôn lần tiếp theo, mọi người sẽ thống nhất phủ quyết cơ hội nhận tiền tiếp tế hàng tháng của nhà anh chị.”
Trong cuộc sống, có rất nhiều người cơ thể lành lặn, trí tuệ tỉnh táo nhưng vốn bản tính lười biếng, họ lúc nào cũng muốn trốn việc, đùn đẩy trách nhiệm, chờ người khác tới giúp đỡ.
Những người như vậy dù nghèo đến đâu cũng không đáng được giúp đỡ. Bạn hỗ trợ càng nhiều thì họ càng sinh lòng tham không đáy, giống như bài học “Một chén gạo dưỡng ơn, một đấu gạo nuôi thù”.
Dần dần, họ quen thói luôn luôn đòi lấy mà không chịu trả giá bằng công sức và nỗ lực của bản thân. Loại tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” này chỉ khiến mọi người xung quanh phẫn nộ và căm ghét.
Có người nói: "Nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy hoang mang, mất phương hướng chỉ có một, đó là ở độ tuổi nên bôn ba, nên phấn đấu, lại nghĩ quá nhiều và làm quá ít!"
Thiên hạ không có người vô dụng, chỉ có người lười.
02. Mưu đồ giả dối
Người ta đều nói: “Biết người, biết mặt, khó biết lòng.”
Một số người có bề ngoài rất thân thiện và hiền hòa, cách làm việc rất trượng nghĩa và đáng tin. Nhưng sâu bên trong, nếu họ bỏ ra một phần lợi thì nhất định sẽ tìm cách đòi lại mười phần hơn thế mới chịu thôi.
Khi gặp phải kiểu tiểu nhân ích kỷ và tham lam này, bạn phải hết sức lưu ý vì một khi còn giá trị lợi dụng, họ sẽ trăm phương ngàn kế muốn “vắt kiệt” bạn mới thôi.
Chẳng hạn, trong số đồng nghiệp của Phương, có một người từng là bạn đại học, cả hai học chung một lớp nên biết mặt nhau rất rõ. Thế nhưng, từ ngày vào công ty, họ chưa nói chuyện với nhau quá mười câu.
Bình thường Phương chỉ vùi đầu làm việc bên Hành chính, ít đi lại quan hệ với các phòng ban xung quanh. Vị đồng nghiệp kia là nhân viên nổi trội bên phòng Marketing, quen biết rộng khắp. Tự dưng có một thời gian, người này thường xuyên ghé qua phòng Hành chính, tìm cách kéo gần quan hệ với Phương.
Vì sao thái độ người này thay đổi nhanh như vậy? Hóa ra, giám đốc bộ phận Tiêu thụ mới tới chính là anh họ của Phương.
Cho nên mới nói, “Vô sự hiến ân cần, phi gian tức đạo!” (Khi không mà tỏ ra ân cần, không phải chuyện gian trá thì cũng là chuyện trộm cắp.)
03. Tham phú phụ bần
Thành ngữ Việt Nam có câu: “Của ít lòng nhiều.”
Trong đối nhân xử thế, người ta coi trọng cái tình con người với nhau hơn là giá trị vật chất. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, còn mối quan hệ mới là thứ đáng quý, phải trân trọng lẫn nhau.
Trung Quốc cũng có câu tục ngữ tương tự: “Thiên lý tống nga mao, vật khinh tình ý trọng” (Ngàn dặm gửi tặng một chiếc lông ngỗng, vật chẳng đáng gì, chỉ có tình là sâu.)
Thế nhưng, trong con mắt của những kẻ tiểu nhân tham phú phụ bần, hay nói cách khác là đặt vật chất lên hàng đầu, “tình cảm” là thứ vô giá trị. Có cũng được, không có cũng chẳng sao. Họ sẽ không bao giờ cảm nhận được phần tình nghĩa giống như lò than sưởi ấm giữa ngày tuyết rơi, có thể xua tan giá lạnh, có thể giúp đỡ ta trong cảnh khốn cùng.
Nếu gặp phải một người chỉ biết đến lợi ích, hễ đứng trước bất cứ sự vật, sự việc gì, đầu tiên, họ đều sẽ đưa ra đánh giá, xem xét chuyện đó có đem tới ích lợi cho mình hay không. Đặt trong hoàn cảnh thương trường thì còn có thể chấp nhận được, nhưng nếu xét về khía cạnh tình nghĩa thì sẽ khiến người khác phải xa lánh.
Vào thời điểm có được lợi ích rồi thì tươi cười vui vẻ, còn nếu không hài lòng sẽ lộ ngay bộ mặt hung dữ, rất có thể kiểu tiểu nhân này sẵn sàng làm việc tổn hại người khác, miễn là có lợi với mình.
Thậm chí, khi bạn bè gặp cảnh khó khăn, họ chẳng những không chìa tay giúp đỡ mà còn chế giễu, coi thường, thậm chí “nhân lúc cháy nhà mà đi hôi của”.
Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ đủ kiểu người với đủ kiểu tính cách khác nhau. Có người thân thiết, có người xã giao, có người tốt, cũng có kẻ xấu. Vậy nên bạn cần thông minh và đủ tỉnh táo để nhận ra ai mới là người thật lòng với mình, đặc biệt nên tuyệt đối tránh xa những tiểu nhân có đặc điểm trên, hạn chế kết giao hoặc giúp đỡ. Vì dù bạn có ra tay tương trợ lúc nguy khốn nhất, họ cũng không cảm kích chút nào mà chỉ coi đó là điều hiển nhiên.
Chính vì thế, từ nay về sau, hãy nhìn người cho thật kỹ, muốn giúp ai cũng nên đánh giá một chút xem người đó có đáng để bạn giúp hay không. Đừng ngại từ chối những kẻ có thể đem đến quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét