Nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho Vietcombank, Vietinbank, BIDV được phép giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121 sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ bổ sung ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% vào diện các doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp.
Điều này có nghĩa các nhà băng có vốn nhà nước có thể được giữ lại lợi nhuận hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì phải trả cổ tức bằng tiền mặt nộp ngân sách như nhiều năm qua.
Đây là quy định được lãnh đạo các nhà băng có vốn nhà nước như Vietinbank, Vietcombank hay BIDV mong chờ để có cơ sở pháp lý tăng vốn điều lệ bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Vietinbank từng chia sẻ, ngân hàng mong Nghị định 91 và Nghị định 32 sớm được sửa đổi để nhanh chóng thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ đang rất bức thiết.
Lãnh đạo Vietinbank cũng cho biết, nhà băng dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2019 sau khi trích lập các quỹ, không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cơ quan nhà nước đã đồng ý cho phép nhà băng này giữ lại lợi nhuận trong hai năm 2017, 2018 hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Tại đại hội cổ đông năm 2020, Vietcombank dự kiến trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% từ nguồn giữ lại lợi nhuận. Còn với BIDV, nhà băng này cũng muốn chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%. Việc tăng vốn dự kiến trong hai quý cuối năm sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Từ giữa tháng 6/2020, Quốc hội đã đồng ý cho ngân hàng 100% vốn nhà nước Agribank được giữ lại tối đa 3.500 tỷ lợi nhuận nộp ngân sách để bổ sung vốn điều lệ. Theo đó, Quốc hội bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019.
Tốc độ tăng vốn điều lệ chậm hơn tăng trưởng tài sản trong nhiều năm khiến tỷ lệ an toàn vốn của những nhà băng có vốn nhà nước thấp hơn so với mặt bằng chung và cận kề ngưỡng tối thiểu. Với Nghị định mới, các nhà băng có thêm phương án tăng vốn điều lệ nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét