Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) hiện đang lấy ý kiến của các đối tượng liên quan về Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, một trong những quy định đáng chú ý liên quan đến việc xác định khoản thu trái pháp luật.
Theo Điều 13, Dự thảo Thông tư quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, thì khoản thu trái pháp luật theo quy định tại Điều 132 Luật Chứng khoán là số lợi mà tổ chức, cá nhân có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí phải nộp.
Về nguyên tắc xác định khoản thu trái pháp luật, theo Dự thảo Thông tư, khoản thu trái pháp luật được xác định từ thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Thời kỳ thao túng thị trường chứng khoán là giai đoạn người vi phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán được xác định trong Biên bản vi phạm hành chính. Số lượng tài khoản tham gia thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán hoặc sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán được xác định trong Biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì xác định khoản thu trái pháp luật có được theo từng hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì xác định khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo từng lần. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm đối với nhiều mã chứng khoán thì khoản thu trái pháp luật được tính theo từng mã chứng khoán.
Trường hợp một tổ chức hoặc một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán hoặc sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán thì khoản thu trái pháp luật được tính trên tổng giao dịch của các tài khoản sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm sau khi trừ giao dịch nội nhóm giữa các tài khoản (nếu có). Giao dịch nội nhóm là giao dịch giữa các tài khoản trong cùng nhóm tài khoản, quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm tài khoản thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Trường hợp một nhóm tổ chức hoặc một nhóm cá nhân thông đồng, cấu kết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán hoặc sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán thì khoản thu trái pháp luật được tính trên tổng giao dịch các tài khoản sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, sau khi trừ giao dịch nội nhóm giữa các tài khoản (nếu có). Trường hợp không có cơ sở xác định được khoản thu trái pháp luật đối với từng tổ chức, cá nhân vi phạm thì khoản thu trái pháp luật sẽ được chia đều cho từng tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo Tạp chí tài chính
0 comments:
Đăng nhận xét