Tuần qua, thị trường chứng khoán giao dịch giằng co trong biên độ hẹp nhưng theo hướng đi lên khi tiếp tục đón nhận dòng tiền mới. Đáng chú ý, một số cổ phiếu lớn chững lại và không ít cổ phiếu nhỏ bật tăng.
“Đổi vai”
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 5 - 9/10, chỉ số VN-Index tăng 1,5% lên 909,91 điểm, chỉ số VN30 tăng 1,5% lên 874,53 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức cao, giá trị giao dịch trong tuần đạt 37.786,4 tỷ đồng, tăng 2,8%, trong đó giá trị khớp lệnh 34.432,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tuần trước.
Dòng tiền liên tục tìm kiếm cơ hội sinh lời khi chứng kiến nhiều cổ phiếu trụ tăng mạnh trước đó có dấu hiệu chững lại, giới đầu tư có sự dịch chuyển vào những cổ phiếu chưa tăng như MSN, GAS…, đồng thời chốt lời một phần tại các cổ phiếu như VIC, TCB, VNM, BID…
Đóng góp tích cực cho VN-Index là MSN với 4,92 điểm, HPG là 1,75 điểm, GVR là 1,74 điểm, SAB là 1,59 điểm, GAS 1,33 điểm.
Ở chiều ngược, các cổ phiếu đóng góp tiêu cực cho thị trường là TCB với 1,17 điểm, VNM là 0,64 điểm, VIC là 0,35 điểm, BID là 0,34 điểm… Nhìn chung, các cổ phiếu trụ không quá nổi bật trong tuần qua, ngoại trừ MSN.
Điểm nổi bật trong tuần qua là nhiều cổ phiếu thị giá thấp bật tăng. Sau khi nhóm cổ phiếu dẫn sóng trước đó có dấu hiệu chững lại, dòng tiền bắt đầu đi tìm cơ hội sinh lời ở các cổ phiếu khác, nhất là cổ phiếu chưa tăng giá, cổ phiếu thị giá thấp.
Nhờ đó, một số mã tăng giá mạnh như OGC tăng 26,3% lên 8.350 đồng/cổ phiếu, TTF tăng 17,6% lên 6.420 đồng/cổ phiếu, ITA tăng 17,5% lên 5.300 đồng/cổ phiếu...
TTF có câu chuyện kỳ vọng tái cơ cấu đang đi đúng hướng. Từ cuối tháng 8/2020, TTF công bố ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Tuấn hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thoả thuận khắc phục hậu quả với Công ty.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên tục công bố thông tin về xuất khẩu gỗ sang Mỹ kể từ đầu năm tới nay. Giới đầu tư kỳ vọng, báo cáo tài chính quý III/2020 chuẩn bị công bố của TTF sẽ cho thấy hiệu quả kinh doanh cải thiện, chất lượng tài sản gia tăng.
Nhiều cổ phiếu thị giá thấp khác không có câu chuyện và động lực hỗ trợ giá cụ thể, trước đó giá đi ngang một giai đoạn dài, chỉ thu hút được dòng tiền khi nhóm cổ phiếu cơ bản chững giá. Tình trạng này thường xuyên lặp đi lặp lại.
Thông thường, nhóm cổ phiếu thị giá thấp lên nhanh và xuống cũng nhanh. Thị trường chỉ có thể tăng bền vững khi dòng tiền lan toả vào nhóm cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu trụ. Khi nhà đầu tư dồn tiền vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp thì đây là một trong những tín hiệu cảnh bảo rủi ro đảo chiều của thị trường chung.
F0 tự tin
Số tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới tiếp tục tăng, tháng 7 có 27.169 tài khoản, tháng 8 có thêm 28.362 tài khoản, tháng 9 vừa qua có thêm 31.418 tài khoản.
Đây là động lực của thị trường chứng khoán năm 2020 khi nhà đầu tư mới (F0) tham gia mạnh, bổ sung dòng tiền, thúc đẩy các cổ phiếu và chỉ số tăng điểm từ cuối tháng 3/2020 tới nay.
Nhà đầu tư F0 năm nay chủ yếu giao dịch trong sóng tăng nên sự tự tin gia tăng theo thời gian. Họ chưa trải qua một đợt giảm giá nào đủ mạnh nên dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra, mà tiếp tục ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh các kênh đầu tư khác giảm sức hấp dẫn.
Trong khi đó, theo dữ liệu FiinTrade, tuần qua, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng HPG 116,1 tỷ đồng, FUEVFVND 75,1 tỷ đồng…, bán ròng VNM 399,5 tỷ đồng, CTG 169,2 tỷ đồng, BID 86,5 tỷ đồng…, tính chung khối ngoại bán ròng 838 tỷ đồng trên HOSE. Đối với khối tự doanh, giá trị mua vào nhiều hơn bán ra nhưng không nhiều, giá trị mua ròng là 12,92 tỷ đồng.
Chứng khoán thế giới hỗ trợ
Trong tuần từ 5 - 9/10, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới tăng điểm, trong đó các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ hồi phục, được hỗ trợ bởi thông tin Tổng thống Donald Trump xuất viện.
Đặc biệt, giới đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích tài khoá sẽ sớm được thông qua để bổ sung vốn vào nền kinh tế. Ông Trump không đồng ý với gói hỗ trợ 2.200 tỷ USD do Hạ viện đề xuất, nhưng đề xuất gói hỗ trợ mới 1.200 USD dành cho mỗi người dân.
“Gói kích thích có khả năng xảy ra, chỉ là thời gian chưa rõ ràng. Không phải bên này hay bên kia không muốn có gói kích thích. Mấu chốt là độ lớn của gói kích thích”, Tom Lee, người sáng lập Fundstrat nhận xét.
Hiện tại vẫn đang có những tranh luận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà về quy mô giới hỗ trợ, cũng như đề xuất hỗ trợ xuất phát từ bên nào. Trong khi đó, chỉ báo VIX của S&P 500 cho thấy sự biến động gia tăng trong từng phiên.
Kể từ giữa tháng 9, thị trường chứng khoán Mỹ bước vào giai đoạn biến động mạnh, thể hiện sự khó lường trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Nếu chứng khoán Mỹ giao dịch ổn định với xu hướng đi lên sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường trong nước; ngược lại, thị trường lớn này đảo chiều có thể kích hoạt hành động bán ra tại không ít thị trường khác.
Tín hiệu cảnh báo
Hiện tại, thị trường xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo rủi ro điều chỉnh. Trong đó, sóng cổ phiếu nhỏ xuất hiện, đây là nhóm cổ phiếu thường xuất hiện trong giai đoạn cuối của sóng tăng chung.
Trước khi tham gia thị trường, nhà đầu tư thường chọn lựa cổ phiếu cơ bản, nền tảng tốt để giải ngân.
Tuy nhiên, khi kiếm được lợi nhuận, quyết định giải ngân bắt đầu dễ dãi hơn. Sau khi chứng kiến nhiều cổ phiếu trụ dẫn sóng chững lại đà tăng, nhà đầu tư tìm tới các cổ phiếu chưa tăng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu cơ. Điều này được lặp đi lặp lại ở nhiều chu kỳ sóng.
Ở vùng giá hiện tại, chỉ báo Stochastic đang trong vùng quá mua kéo dài, trong khi chỉ báo Ichimoku cho thấy vùng giá đang cách khá xa mây Ichimoku.
Theo đó, thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh để thu hẹp khoảng cách giữa đường giá và mây Ichimoku, cũng như tạo mặt bằng giá hấp dẫn hơn, qua đó duy trì sức hấp dẫn nhà đầu tư. Vùng hỗ trợ của chỉ số VN-Index đang là 880 - 900 điểm, vùng kháng cự 942 - 950 điểm.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét