Tựu chung, dù đã độc lập, không thể phủ nhận Ricons, BM Windows, Newtecons… đều được khai sinh và lớn lên từ Coteccons; với người sáng lập, lãnh đạo cũng như tên tuổi ban đầu gắn liền với Coteccons Group.
Tin liên quan: Ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Coteccons sau 16 năm gây dựng công ty
3 tháng kể từ ĐHĐCĐ thường niên 2020, ông Nguyễn Bá Dương gửi lời tạm biệt cổ đông, cán bộ công nhân viên Coteccons và chính thức rút khỏi HĐQT, không còn là Chủ tịch Công ty sau hơn 16 năm gầy dựng. Thực tế, sự ra đi của ông Dương đã được người quan tâm dự đoán trước, khi lần lượt những cộng sự lâu năm rời bỏ HĐQT Coteccons; song thông báo lần này cũng khiến thị trường không tránh khỏi những trăn trở.
Có thể thương hiệu Coteccons sẽ được đội ngũ kế nhiệm là nhóm cổ đông lớn (đại diện bởi Kusto) tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không quên câu chuyện tương tự tại những tên tuổi vang bóng trước đó như Descon, Beton6. Điểm khác biệt, Coteccons đã sớm có chiến lược riêng và xây dựng thành hệ sinh thái Coteccons Group: nơi Unicons, Ricons, F.D.C (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART… có mối quan hệ qua lại mật thiết và từng được marketing cùng nhau.
Trở lại với ông Nguyễn Bá Dương, việc người cầm cương rút khỏi Coteccons được nhận định cũng là dấu chấm hết cho hệ sinh thái Coteccons Group, sự quan tâm theo đó đổ dồn về những đơn vị đã tuyên bố hoàn toàn độc lập, hiểu nôm na là chương mới của ông Dương. Bên cạnh Ricons dưới trướng lãnh đạo của ông Trần Quang Quân (1 trong 2 tướng tại Coteccons bị bãi nhiệm tại ĐHĐCĐ 2020), Newtecons – nơi ông Dương sáng lập và cùng người liên quan sở hữu phần lớn cổ phần – cũng đang được chú ý.
Mới đây, ông Dương vừa mua vào cổ phiếu CTD theo đúng lời hứa với cổ đông tại ĐHĐCĐ 2020.
Được biết, Newtecons tiền thân là CTCP Đầu tư Xây dựng Địa ốc F.D.C, được thành lập từ tháng 10/2003. Trong đó, ông Dương cùng em trai là ông Nguyễn Xuân Đạo đều là những thành viên sáng lập góp tới 83% vốn điều lệ.
Đến năm 2012, Newtecons (lúc bấy giờ là F.D.C) bắt đầu có tiếng vang trên thị trường khi được lựa chọn thi công những công trình trọng điểm như: Nhà ga T2 – sân bay quốc tế Nội Bài, S17A – S18-2-2 Phú Mỹ Hưng, nhà máy Texhong Ngân Long, nhà máy sơn Jotun… Newtecons cũng tham gia vào nhiều dự án của Coteccons, bao gồm dự án trọng điểm The Landmark 81.
Trước khi xảy ra những lùm xùm với nhóm cổ đông lớn Kusto, Newtecons được giới thiệu chung với hệ sinh thái Coteccons Group. Bước sang đầu năm 2019, Công ty chính thức thay đổi tên và logo thành CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons. Cùng với Ricons, Newtecons mới đây cũng đã dời trụ sở từ Lầu 2, Tòa nhà Coteccons Group, số 236/6 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, Tp.HCM về địa điểm mới là Tầng 6, 60 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, Tp.HCM.
Hiện, Tổng Giám đốc Newtecons là ông Trần Kim Long, người từng gắn bó với Coteccons hơn một thập kỷ tại nhiều vị trí chủ chốt. Tháng 6/2018, ông Long rời Coteccons và ngay lập tức được bổ nhiệm làm vị trí lãnh đạo Newtecons. Trong đội ngũ giám đốc điều hành của Newtecons, nhiều cái tên cũng từ xuất thân từ Coteccons.
Về kinh doanh, giai đoạn 2016-2019, doanh thu Newtecons liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2019 Công ty chính thức thu về hơn 4.000 tỷ doanh thu, tăng hơn 19% trong khi Coteccons giảm 17%. Lợi nhuận sau thuế Newtecons cũng tăng trưởng với tốc độ bình quân 43%/năm, đạt mức 183 tỷ đồng trong năm 2019. Không chỉ chỉ số kinh doanh, vốn điều lệ của Newtecons cũng tăng đột biến, từ mức 417 tỷ (cuối năm 2018) tăng 53% lên 637 tỷ đồng, tổng tài sản Công ty vào mức 1.863 tỷ.
Không dừng lại, Newtecons cũng liên tục nhận được thầu tại các dự án lớn, bao gồm Tòa nhà hỗn hợp GP Tower (Hà Nội), Tòa nhà Cadivi Tower, trường phổ thông quốc tế Gateway Starlake, Kyocera (Hải Phòng), nhà máy Mappletree Logistics (Bắc Ninh)…
Đáng chú ý, Newtecons còn đang là nhà thầu chính cho dự án thuộc Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son đang rục rịch khởi công. Khu đất này trước đây do Alpha King phát triển với tên gọi thương mại The Centennial Saigon, thiết kế ban đầu gồm 46 tầng nổi và 3 tầng hầm. Nằm tại khu đất vàng, The Centennial Saigon từng được xem như dự án đắt giá và được chờ đợi nhất tại Tp.HCM, với giá bán dao động từ 8.000 – 12.000 USD/m2. Đến nay, ghi nhận bởi giới quan sát, khu đất theo quy hoạch là dự án căn hộ thuộc cụm dự án Masterise Homes Ba Son, thuộc khu phức hợp Masteri Homes của CTCP Tập đoàn Masterise.
Không chỉ Newtecons, BM Windows cũng vừa tăng vốn mạnh lên hơn 600 tỷ tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản vào mức 1.499 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2019, doanh thu BM Windows tăng trưởng đều đặn, vượt mức 2.000 tỷ vào năm 2019; lợi nhuận sau thuế bình quân tăng kỷ lục 825%/năm lên đạt 200 tỷ đồng.
Năm 2014, khối Nhôm Kính thuộc CTCP Đầu tư Xây dựng F.D.C – tiền thân của BM Windows được thành lập. Em rể ông Dương là ông Huỳnh Nhật Minh và vợ là bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc cùng là cổ đông sáng lập của BM Windows. BM Windows mới đây cũng đã tách khỏi Coteccons Group khi thay đổi địa chỉ trụ sở Công ty kể từ ngày 30/7/2020, từ địa chỉ cũ tại 236/6 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, Tp.HCM về số 60 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, quận 1.
Tựu chung, dù đã độc lập, không thể phủ nhận Ricons, BM Windows, Newtecons… đều được khai sinh và lớn lên từ Coteccons; với người sáng lập, lãnh đạo cũng như tên tuổi ban đầu gắn liền với Coteccons Group.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét