Theo luật sư, việc cán bộ thôn thu lại tiền cứu trợ của dân là việc làm phản cảm, nếu người dân không tự nguyện thì ban cán sự thôn đã vi phạm pháp luật dân sự.
Mới đây, ca sỹ Thủy Tiên hỗ trợ mỗi hộ dân bị ngập lụt ở thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) 6 triệu đồng, có 69 hộ dân được nhận tiền hỗ trợ. Thế nhưng đoàn từ thiện vừa đi khỏi, ban cán sự thôn Ngọa Cương đã thu lại toàn bộ hơn 400 triệu đồng.
Trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty luật TNHH Bross và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc Thủy Tiên tiếp nhận tiền cộng đồng để trao quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ là hoạt động tặng, cho tài sản trong pháp luật dân sự.
Kể từ thời điểm các cá nhân hay hộ dân được nhận tiền là xác lập hoàn tất giao dịch dân sự tặng, cho tài sản và giá trị số tiền thuộc quyền sở hữu của người dân.
“Bản thân Thủy Tiên cũng không có quyền yêu cầu các hộ dân đó phải trả lại mình, trừ trường hợp họ tự nguyện”, luật sư Thái chia sẻ.
Thông tin cán bộ thôn thu lại tiền cứu trợ của các hộ dân ở thôn Ngọa Cương được đăng tải trên facebook, sáng 29/10.
Theo luật sư, sau khi các hộ hay cá nhân được nhận tiền, họ trao tặng lại cho ai là quyền của họ. Tuy nhiên, việc các hộ dân bị cán bộ thôn thu lại tiền Thủy Tiên hỗ trợ để phân phát cho những hộ khác thì cần làm rõ 2 vấn đề, người dân được thuyết phục hay bị cưỡng chế.
“Nếu không có sự tự nguyện của các hộ dân thì chính quyền thôn đã vi phạm pháp luật về dân sự liên quan đến quyền sở hữu tài sản của họ đang nắm giữ”, luật sư cho hay.
Luật sư Nguyễn Văn Thái cho rằng, trong vụ việc trên, dù người dân có tự nguyện hay bị cưỡng chế giao lại tiền thì cũng là hành động phản cảm của ban cán sự thôn.
Để có cái nhìn khách quan, dư luận cần đánh giá sự việc sau khi chính quyền thôn tiếp nhận tiền từ các hộ dân, xem họ phân phát ra sao, người dân được nhận tiền có khiếu nại gì không.
“Hiện chưa có đầy đủ thông tin thì tôi cũng chưa đánh giá ở góc độ vi phạm pháp luật cụ thể thế nào. Còn chuyện người dân đưa tiền cho chính quyền thôn là tự
Luật sư Thái chia sẻ, vụ việc cán bộ thôn thu lại tiền cứu trợ của dân đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và cộng đồng mạng nhưng cá nhân ông nhìn nhận sự việc dưới góc độ tích cực.
“Có thể trường hợp này khi chính quyền thực hiện là việc tốt nhưng sau đó người dân gửi đơn nói không tự nguyện. Khi đó, cán bộ thôn hoàn toàn có thể trả lại”, luật sư Thái nói.
Cũng có cùng quan điểm này, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính pháp) khẳng định: "Việc kêu gọi ủng hộ và phân phối tài sản từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên và nhiều cá nhân, nhóm người, tổ chức khác là phù hợp với đạo đức xã hội và chính sách của Nhà nước. Việc tặng cho tài sản giữa người dân với nhau là hợp pháp và người được tặng cho là người được sở hữu tài sản sau khi nhận chuyển giao tài sản từ người tặng cho hoặc bên trung gian.
Người nhận tặng cho – những bà con vũng lũ nhận cứu trợ có toàn quyền định đoạt với tài sản từ thiện được nhận, có thể là tiền hoặc nhu yếu phẩm, không có bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào được phép yêu cầu họ phải bàn giao lại tài sản từ thiện đó nếu họ không tự nguyện, không đồng ý".
Bên cạnh đó, luật sư Cường dẫn ra Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng quy định nghiêm cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
"Do đó nếu trong trường hợp 69 hộ dân không đồng ý, không tự nguyện bàn giao tiền được nhận từ thiện từ ca sĩ Thủy Tiên cho thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình mà cán bộ thôn vẫn thu tiền của họ để chia đều cho những hộ dân khác thì hành vi đó là không phù hợp quy định pháp luật, thôn phải trả lại số tiền này cho người dân và rút kinh nghiệm.
Nếu như có hành vi thu tiền để chiếm đoạt, sử dụng trái phép số tiền đó thì có thể xem xét xử lý hình sự. Còn nếu trong trường hợp những người dân này đều đồng ý, tự nguyện góp tiền về cho thôn để chia đều cho những hộ gia đình khác cũng gặp khó khăn, bị thiệt hại do lũ lụt, có nội dung thống nhất giữa cán bộ thôn và những hộ gia đình này thì việc thu tiền có thể là phù hợp, trường hợp này chính các hộ dân (hộ được nhận tiền cứu trợ từ ca sĩ Thủy Tiên) lại là bên tặng cho tài sản và những hộ dân khác (cũng thiệt hại nhưng không được nhận cứu trợ từ ca sĩ Thủy Tiên) là bên nhận tặng cho; thôn là bên trung gian chuyển giao tài sản.
Như vậy, với sự việc trên cần phải xem xét, xác minh, làm rõ để đánh giá đúng bản chất, tính chất sự việc, từ đó mới có nhận định chính xác và hướng giải quyết phù hợp", luật sư Cường phân tích.
Trước đó sáng 29/10, tài khoản Facebook “Nguyen Thi Hang Nguyen” đưa thông tin: “Nhà mình ngập lụt được Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi”.
Được biết, ngày 28/10, ca sỹ Thuỷ Tiên về xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trao quà ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ. Xã Cảnh Hóa có 703 hộ nhận hỗ trợ, mỗi hộ được 6 triệu đồng; riêng thôn Ngoạ Cương có 69 hộ được nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, sau khi người dân thôn Ngọa Cương nhận số tiền nói trên thì ban cán sự thôn đã đến thu lại toàn bộ số tiền.
Ông Đậu Xuân Thủy - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Trạch cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh việc cán bộ thôn Ngọa Cương thu lại tiền cứu trợ của dân, huyện yêu cầu xã Cảnh Hóa về làm việc với thôn để trả lại số tiền đã thu của người dân.
“Toàn bộ thôn Ngọa Cương có 170 hộ nhưng chỉ có 69 hộ bị ảnh hưởng mưa lũ. Ý của thôn là thu lại số tiền cứu trợ của 69 hộ để chia đều cho 170 hộ. Hiện Ban cán sự thôn Ngọa Cương cùng với lãnh đạo xã Cảnh Hóa gọi người dân lên để trả lại số tiền đã thu”, ông Thủy nói.
Nguồn VTC NEWS
0 comments:
Đăng nhận xét