Doanh thu vàng miếng tăng 19,1% trong quý 3 và 15,6% sau 9 tháng đầu năm 2020.
CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2020. Theo đó, mặc dù Covid-19 khiến PNJ phải đóng cửa các cửa hàng ở Đà Nẵng trong tháng 8 song số liệu quý 3 cho thấy doanh thu và lợi nhuận của PNJ đi ngang xấp xỉ cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất quý 3/2020 đạt 3.962 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng doanh thu đạt 11.779 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2019.
Chi phí tài chính quý 3/2020 đạt 43 tỷ đồng, tăng 38,5% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 139 tỷ, tăng 68%.
Mặc dù chi phí tài chính tăng mạnh, song lợi nhuận trước thuế của PNJ quý 3/2020 đạt 256 tỷ đồng, giảm nhẹ 12 tỷ so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 4,4%. Luỹ kế 9 tháng đạt 810 tỷ, giảm 20,6% do trong quý 2 PNJ bị ảnh hưởng bởi hoạt động cách ly xã hội vì Covid.
Lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 đạt 202 tỷ đồng, giảm 3%, luỹ kế 9 tháng đạt 642 tỷ đồng, giảm 20,3% cùng kỳ năm trước, hoàn thành 77,4% kế hoạch năm. EPS 9 tháng đạt 2.850 đồng.
Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của PNJ
Theo giải trình của PNJ, doanh thu kênh lẻ (bao gồm trang sức và đồng hồ) trong quý 3/2020 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù PNJ phải tạm dừng hoạt động kinh doanh tất cả các cửa hàng ở Đà Nẵng trong tháng 8, tuy vậy sau khi làn sóng thứ 2 của dịch Covid bị kiểm soát, PNJ đã tăng tốc mạnh mẽ trong tháng 9 với mức tăng trưởng doanh thu kênh lẻ đạt 18,2%. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu kênh lẻ tăng trưởng 4,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu vàng miếng tăng 19,1% trong quý 3 và 15,6% sau 9 tháng đầu năm 2020.
Doanh thu kênh sỉ quý 3 giảm 40% do nhu cầu trang sức của thị trường phân khúc thấp vẫn chưa thực sự hồi phục. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu kênh sỉ giảm 27% so với cùng kỳ 2019.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của PNJ đạt 8.091 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ so với đầu năm, chủ yếu giảm giá trị hàng tồn kho (từ 7.030 tỷ đầu năm xuống 6.325 tỷ). Tiền mặt tăng từ 95 tỷ lên 232 tỷ, nợ vay ngân hàng giảm từ 2.600 tỷ còn 2.256 tỷ, PNJ chỉ vay nợ dài hạn 3,7 tỷ. Vốn góp của chủ sở hứu 2.252 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.300 tỷ và thặng dư vốn cổ phần 968 tỷ, cho phép PNJ có khoản thặng dư 1:1 so với vốn chủ sở hữu.
PNJ hiện vẫn đang nắm giữ 38.496.250 cổ phiếu EAB của ngân hàng Đông Á, tương đương 7,69% quyền biểu quyết tại ngân hàng này.
Báo cáo đánh giá cổ phiếu PNJ của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ năm 2020 lần lượt là 15.874 tỷ đồng (-6,6% Y/Y) và 881 tỷ đồng (-25,9% Y/Y) tương đương EPS fw 2020E là 3,877 VND/CP với các giả đinh:
(1) Số lượng cửa hàng năm nay sẽ giảm còn 340 cửa hàng trong đó mở mới 22 cửa hàng PNJ Gold, và đóng 14 cửa hàng PNJ Gold cũ và 14 cửa hàng PNJ Silver;
(2) Tăng trưởng cửa hàng cũ giả định là -8% cao hơn -15% trong kịch bản xấu nhất nhờ kỳ vọng phục hồi bán lẻ sau dịch COVID-19 trong 2H20;
(3) Tỉ lệ Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần tăng 11,74% để kích cầu tiêu dùng và tuyển thêm nhân sự chủ chốt và đầu tư vào CNTT, tuy nhiên sẽ giảm dần trong các năm sau;
(4) Chi phí tài chính tăng lên 151 tỷ đồng (+27% Y/Y) do nợ ngắn hạn PNJ vẫn ở mức cao 2.4-2.6 ngàn tỷ để đáp ứng vốn lưu động.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét