Xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2020 có thể tăng gần 42% so với năm 2019, lên mức cao kỷ lục.
Cửa hàng gạo của Ấn Độ. Ảnh minh họa: krushival.in
Các quan chức ngành gạo của Ấn Độ ngày 7/10 cho biết xuất khẩu gạo của nước này năm 2020 có thể tăng gần 42% so với năm 2019, lên mức cao kỷ lục do nguồn cung từ các nước cạnh tranh xuất khẩu gạo giảm và sự giảm giá của đồng rupee.
Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông Krishna Rao, cho biết xuất khẩu gạo của nước này có thể tăng lên 14 triệu tấn trong năm 2020, cao hơn mức 9,9 triệu tấn của năm 2019. Xuất khẩu gạo non-basmati, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ đến các nước Bangladesh, Nepal, Benin và Senegal, có thể tăng gấp đôi so với năm 2019, lên 9,5 tấn. Trong khi đó, loại gạo thơm hạt dài hảo hạng basmati, thường xuất khẩu sang Iran, Saudi Arabia và Iraq, sẽ duy trì ổn định ở mức 4,5 triệu tấn.
Theo ông Rao, các nước cạnh tranh xuất khẩu gạo với Ấn Độ đều bị tác động của thời tiết khiến nguồn cung bị giới hạn. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, vừa trải qua đợt hạn hán vào đầu năm nay khiến sản lượng gạo giảm xuống còn 6,5 triệu tấn trong năm 2020, mức thấp nhất trong 20 năm qua. Trong khi đó, Việt Nam cũng gặp khó khăn khi vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị mất mùa do mực nước xuống thấp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi do lũ lụt khiến mất mùa.
Bên cạnh đó, đồng rupee giảm giá trị cũng đem lại lợi thế cho hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Đồng rupee đã giảm 3% giá trị so với USD trong năm nay. Ấn Độ cũng đã chủ động giảm 5% giá gạo, xuống với mức 380 USD/tấn, trong khi Thái Lan duy trì ở mức giá 490 USD/tấn.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét