29 thg 11, 2020

Bloomberg: Chứng kiến đà tăng kỷ lục trên Phố Wall, giới đầu tư bắt đầu có dấu hiệu chùn bước và cân nhắc về mối rủi ro mới

Những tin xấu dồn dập từ đầu năm đến nay đã làm giảm sự hứng khởi của giới đầu tư, dẫn đến diễn biến thăng hoa đưa thị trường chạm đỉnh mới mà không tuân theo các nguyên tắc cơ bản. Do đó, không phải Covid-19, sự tự mãn có thể sẽ là rủi ro mới.


Việc thị trường chứng khoán ghi nhận đà tăng mạnh mẽ thường có ý nghĩa lớn đối với Phố Wall. Dẫu vậy, giờ đây, mỗi đợt tăng giá lại là điều ít bất ngờ. Dow Jones đã vượt mức 30.000 điểm, trong khi S&P 500, Nasdaq Composite, Russell 2000 và MSCI World cũng chạm mức cao nhất mọi thời đại. Điều kiện tài chính – từ chênh lệch tín dụng đến lãi suất, đều ở trạng thái được nới lỏng chưa từng có.

Trong năm 2020, đây chỉ là một tuần khác trôi qua đối với cỗ máy thị trường toàn cầu – đang nỗ lực vượt qua một trong những cú sốc lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Nếu chứng khoán toàn cầu kết thúc tháng 11 với mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ cuối những năm 80, thì các nhà đầu tư có thể coi đó thực sự là một tin tốt lành.

Đó là bởi, vắc-xin tiềm năng đang ngày càng đến gần hơn, quá trình chuyển giao quyền lực của Tổng thống Mỹ đã được bắt đầu và quyết định lựa chọn Bộ trưởng Tài chính mới của ông Biden cũng rõ ràng, đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm ở đây là những tin xấu dồn dập từ đầu năm đến nay đã làm giảm sự hứng khởi của giới đầu tư, dẫn đến diễn biến thăng hoa đưa thị trường chạm đỉnh mới mà không tuân theo các nguyên tắc cơ bản. Do đó, không phải Covid-19, sự tự mãn có thể sẽ là rủi ro mới.

Rupert Thompson – CIO tại Kingswood Holdings, nhận định: "Thị trường luôn hướng tới tương lai và đang sẵn sàng để cân nhắc những thông tin tiêu cực trong ngắn hạn, với kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn nhờ vắc-xin." Ông nói thêm, cùng với đó là niềm tin rằng các NHTW sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết, từ đó họ cho rằng khả năng ứng phó với những cú sốc sẽ tốt hơn.

Các chỉ số lớn của chứng khoán Mỹ đều chạm đỉnh trong tuần vừa qua.

Đà tăng mạnh mẽ trên Phố Wall diễn ra bất chấp sự bi quan ở Phố Chính đã là một nét đặc trưng của thị trường trong thời gian đại dịch diễn ra. Sự khác biệt ở hiện tại là sự hồi phục đang được thúc đẩy bởi nhiều công ty khác nhau – không chỉ là nhóm công nghệ, và khả năng lượng tiền mặt gia tăng.

Trong tháng 11, hơn 77 tỷ USD đã được đổ vào các quỹ ETF tại Mỹ - đây là con số lớn kỷ lục. Điều này đã giúp 3 chỉ số lớn nhất chứng khoán Mỹ chạm đỉnh mới vào cuối tuần này, dù tỷ lệ thất nghiệm tăng vọt, thu nhập sụt giảm và số ca nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Trong khi đó, MSCI All-Country World Index tăng 2,3%. Stoxx Europe 600 ghi nhận tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Cùng lúc đó, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt con số 60 triệu và các biện pháp giãn cách cũng được tái áp dụng ở một số nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các chiến lược gia của BCA Research viết trong một lưu ý: "Rủi ro ngắn hạn đối với sự tăng trưởng và giá trị của các tài sản rui ro vẫn ở mức nghiêm trọng. Nền kinh tế Mỹ đang chậm lại ngay cả trước khi áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn."

Diễn biến của Dow Jones trong 1 tháng trở lại đây.

Mặc dù vậy, sự hứng khởi trên thị trường vẫn tiếp diễn, với phần lớn nhà đầu tư đặt cược mạnh tay vào các loại tài sản chịu nhiều tác động của chu kỳ kinh tế. Nhà đầu tư chắc chắn đang đặt kỳ vọng lớn vào những thông tin tích cực về kinh tế vào năm 2021. Dẫu vậy, với diễn biến hiện tại, những tin tức tích cực sẽ đi kèm với lợi nhuận dần sụt giảm.

Ví dụ, hôm 9/11, Pfizer thông báo vắc-xin của họ có hiệu quả hơn 90%, Dow Jones đã tăng 3%. 1 tuần sau đó, Moderna cho biết vắc-xin có hiệu quả 94,5%, nhưng Dow Jones chỉ tăng 1,6%.

Có thể, triển vọng về 1 loại vắc-xin được coi là đủ, khi nhà đầu tư điều chỉnh để nhận được lợi nhuận trước thông báo đầu tiên. Tuy nhiên, diễn biến này lại gợi nhớ về một thị trường nhạy cảm với những thông tin liên quan đến đại dịch.

Thompson cho hay: "Mức định giá cao đối với cả trái phiếu và chứng khoán cho thấy rằng đã có rất nhiều thông tin tích cực được đưa ra."

Niềm tin đối với một thị trường tăng giá cũng có thể được giải thích bởi một kỷ lục khác được thiết lập trong tuần này: Điều kiện tài chính được nới lỏng chưa từng có đang khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ở khắp mọi nơi.

Nhu cầu đối với trái phiếu chất lượng cao vẫn khá lớn, dù tâm lý ưa thích rủi ro bao trùm khắp thị trường.

Lợi suất trái phiếu rác được xếp hạng tệ nhất đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, ngay cả sau khi Bộ Tài chính và Fed mâu thuẫn, cùng với đó là khả năng hỗ trợ của NHTW đối với thị trường tín dụng đã giảm bớt.

Chỉ số biến động Cboe đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2, trong khi thước đo độ biến động của trái phiếu không cách xa mức thấp nhất từ trước đến nay. Giá dầu WTI đã vượt mức 45 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3, với kỳ vọng nhu cầu hồi phục mạnh. Russell 1000 cũng chuẩn bị vượt đà tăng của Russell 1000 Growth Index trong 3 tháng liên tiếp.

Toàn bộ chỉ báo trên đã cho thấy mức độ ưa thích rủi ro của nhà đầu tư, nhưng vẫn có những điểm mà họ cần thận trọng. Trái phiếu Kho bạc 10 năm dường như vẫn ổn định ở mức dưới 1%. Nhu cầu đối với trái phiếu được xếp hạng cao tăng lên đã khiến lượng trái phiếu lợi suất âm "không có người mua" đạt giá trị 17,5 nghìn tỷ USD trong tuần này.

Trong khi đó, một nhóm các tập đoàn lớn chậm chân trước "bữa tiệc" tăng giá của thị trường. Theo Deutsche Bank, khi các nhà quản lý đầu tư tùy ý chi quá mạnh dựa theo nguyên tắc cơ bản, thì các trader có hệ thống đã giữ mức độ tiếp xúc với thị trường ở mức thấp.

Các chiến lược gia của Citigroup Global Markets cho biết: "Các mô hình theo dõi của chúng tôi cho thấy nên đặt vị thế an toàn, kết hợp với một chút rủi ro tiềm ẩn bao gồm: Fed đưa ra động thái nới lỏng, gói kích thích tài khóa mới ở Mỹ và sự tăng tốc của thị trường lao động."

Nguồn Nhịp Sống Kinh Tế - Tham khảo Bloomberg 

0 comments:

Đăng nhận xét