16 thg 11, 2020

Tăng hơn 70% từ đầu năm, Nam Tân Uyên (NTC) trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam

Kết thúc phiên giao dịch 16/11, thị giá NTC đạt 278.900 đồng/cp, tăng 73% so với đầu năm, bất chấp biến động dữ dội của thị trường bởi ảnh hưởng của Covid-19. Tại mức giá này, NTC là cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên TTCK Việt Nam.


Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Với vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Singapore với 3.260 km bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới; cùng với việc gia nhập hàng loạt các hiệp định thương mại WTO, CPTPP, FTA…đã giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút FDI hàng đầu khu vực.

9 tháng đầu năm, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng FDI giải ngân vào Việt Nam vẫn đạt kết quả ấn tượng với 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thời gian tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát, làn sóng FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam và đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Khu công nghiệp như Nam Tân Uyên (NTC).

Những năm gần đây, hoạt động cho thuê đất Khu công nghiệp của NTC khá tích cực, kéo theo kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, NTC đạt 239,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trên sàn chứng khoán, NTC là một trong những cổ phiếu tăng trưởng ổn định nhất trong nhiều năm qua. Kết thúc phiên giao dịch 16/11, thị giá NTC đạt 278.900 đồng/cp, tăng 73% so với đầu năm, bất chấp biến động dữ dội của thị trường bởi ảnh hưởng của Covid-19. Tại mức giá này, NTC là cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên TTCK Việt Nam.

Biến động cổ phiếu NTC từ khi lên sàn chứng khoán tới nay

Sự tăng trưởng của NTC bên cạnh yếu tố chính là hưởng lợi từ làn sóng FDI, còn đến từ tình hình tài chính lành mạnh, khả năng mở rộng quỹ đất từ tập đoàn cao su hay kỳ vọng về hoạt động chuyển sàn niêm yết.

Nắm giữ hơn 1.600 tỷ tiền mặt, chi trả cổ tức tiền mặt cao hàng đầu thị trường

Đặc thù của lĩnh vực Khu công nghiệp là thu tiền một lần và hạch toán lợi nhuận theo từng năm. Điều này đã giúp các doanh nghiệp như NTC thu về lượng tiền mặt khổng lồ từ việc nhận trước tiền cho thuê đất.

Tính tới cuối quý 3/2020, NTC nắm giữ lượng tiền và tương đương (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn) lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Việc nắm giữ lượng tiền mặt lớn như vậy giúp NTC mỗi năm có thêm khoản lợi nhuận lên tới trăm tỷ đồng từ lãi ngân hàng, đóng góp đáng kể vào kết quả hoạt động công ty.

Không những vậy, NTC hiện đang đầu tư vào 10 công ty liên doanh liên kết trong lĩnh vực Bất động sản khu công nghiệp, có thể kể tới như SIP, MH3…Khoản đầu tư này của NTC mang lại cổ tức rất lớn và tăng dần theo từng năm do các công ty liên doanh liên kết làm ăn thuận lợi, mở rộng liên tục quỹ đất cho thuê. Trong năm 2019, các khoản đầu tư này mang lại 77,5 tỷ đồng cổ tức, tăng hơn 2 lần so với năm trước. Trong 9 tháng đầu năm nay, tiền cổ tức mà NTC nhận về tiếp tục ở mức rất cao với 68 tỷ đồng.

NTC sở hữu nhiều công ty liên kết trong lĩnh vực BĐS KCN

Với dòng tiền dồi dào, NTC là một trong những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt hàng đầu trên sàn chứng khoán. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 của NTC là 60% và đến năm 2018, con số còn lên tới 100% bằng tiền mặt. Trong năm 2019 NTC tăng tỷ lệ chia cổ tức lên tới 200%. Năm 2020, công ty dự kiến tiếp tục chia cổ tức 80% bằng tiền mặt.

Kỳ vọng bùng nổ với dự án Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTU3)

Theo quyết định của tỉnh Bình Dương, 345ha đất sạch được chuyển nhượng bởi CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) sẽ được xây dựng thành khu công nghiệp mới Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTU3) do NTC làm chủ đầu tư. Đến nay, NTC đang gần hoàn tất quá trình chuyển 872 tỷ đồng cho PHR để nhận đất và dự án NTU3 được kỳ vọng sớm triển khai.

CTCK MBS đánh giá dự án NTU3 với 255ha diện đất cho thuê được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng của NTC trong tương lai. Với giả định giá thuê bình quân khoảng 85 USD/m2, lượng tiền thu được ước tính khoảng 4.100 tỷ đồng (sau khi đã trừ 872 tỷ đồng đầu tư ban đầu).

Không chỉ có NTU3, một lợi thế của NTC là có khả năng mở rộng quỹ đất trong dài hạn. Với sự hỗ trợ từ tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) và Phước Hòa (PHR) nên trong những năm qua NTC đã có được quỹ đất rộng với chi phí thấp và thời gian triển khai rất nhanh nhờ vào việc mua lại đất trồng cây cao su từ PHR và chuyển đổi thành Khu công nghiệp. Do vậy, NTC không cần tốn nhiều chi phí và thời gian trong việc giải tỏa, san lấp mặt bằng. Đây là một lợi thế vô cùng lớn giúp biên lợi nhuận gộp của NTC luôn ở mức cao.

Hiện nay PHR vẫn đang tiếp tục có kế hoạch chuyển đổi thêm đất trồng cây cao su làm đất khu công nghiệp. NTC và những công ty trong Tập đoàn cao su Việt Nam sẽ được ưu tiên nhận quỹ đất nếu có nhu cầu mở rộng.

Chia thưởng cổ phiếu gia tăng thanh khoản, kỳ vọng chuyển sàn HoSE

Cơ cấu cổ đông NTC hiện khá cô đặc khi 3 cổ đông lớn là PHR, Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) và CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) nắm giữ hơn 72% cổ phần công ty khiến lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường của NTC là khá thấp.

Mới đây, HĐQT NTC đã thông qua quyết định chia thưởng 8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 2:1). Thời gian dự kiến chia thưởng ngay trong năm 2020. Việc chia thưởng cổ phiếu sẽ giúp thanh khoản NTC gia tăng, qua đó giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận cổ phiếu này hơn.

Tại ĐHCĐ diễn ra cách đây vài tháng, lãnh đạo NTC cũng cho biết có kế hoạch chuyển sàn niêm yết NTC sang HoSE. Điều này cũng là yếu tố giúp thu hút thêm dòng tiền vào cổ phiếu.

Theo Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét