20 thg 12, 2020

Chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài trái phép: Nguồn gốc số tiền?

Liên quan vụ án vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng nhằm che giấu hành vi phạm tội khác, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng làm rõ nguồn gốc số tiền này, động cơ mục đích của các đối tượng và làm rõ các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.


Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội vừa lập chuyên án đấu tranh, triệt phá và khởi tố vụ án vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, khởi tố 10 bị can và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Trong thư khen ngày 18/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30.000 tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép. Đồng thời cho biết, việc chuyển số tiền lớn ra nước ngoài trái phép này nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

Trước đó, ngày 25/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Kết quả bước đầu của chuyên án xác định, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất lợi dụng vận chuyển hàng hoá, tiền tệ trái phép qua biên giới. Chuyên án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là một vụ án vận chuyển tiền tệ qua biên giới với số lượng đặc biệt lớn, có lẽ là số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà cơ quan cảnh sát điều tra triệt phá thành công. Vụ việc bắt người phạm tội quả tang nên việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vận chuyển tiền tệ qua biên giới là có căn cứ.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng làm rõ nguồn gốc số tiền này, động cơ mục đích của các đối tượng và làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Cường, bất cứ quốc gia nào cũng có những quy định pháp luật để quản lý tiền tệ, việc vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ và để quản lý kinh tế của quốc gia. Theo quy định của pháp luật thì việc vận chuyển hàng hóa tiền tệ qua biên giới phải khai báo hải quan, trừ trường hợp số tiền nhỏ sử dụng trong tiêu dùng.

Pháp luật Việt Nam quy định, người nào mang số tiền Việt từ 15.000.000 đồng trở lên ra nước ngoài thì phải khai báo hải quan. Cụ thể, Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cá nhân khi xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo tiền mặt là ngoại tệ, đồng Việt Nam trên mức dưới đây phải khai báo hải quan cửa khẩu: 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;15 triệu đồng.

Theo đó có thể thấy, pháp luật hiện hành không giới hạn mức tiền mặt được phép mang ra nước ngoài, nhưng giới hạn mức tiền mặt phải khai báo hải quan khi mang ra nước ngoài. Cụ thể là trên 5.000 USD hoặc trên 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp dù mang dưới 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối thì cũng phải khai báo hải quan.

Hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới vi phạm quy định về quản lý tiền tệ tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tùy thuộc vào số tiền vận chuyển trái phép mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp vận chuyển số tiền qua biên giới từ 100.000.000 đồng trở lên mà không khai báo thì sẽ bị xử lý hình sự.

Cụ thể, theo quy định  tại Điều 189 Bộ Luật hình sự 2015 về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, với số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới lên đến 30.000 tỷ, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù và số tiền trên sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Luật sư Đặng Văn Cường.
 

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền này. Nếu là số tiền hợp pháp thì thu nhập từ số tiền này phải nộp thuế và việc vận chuyển qua biên giới họ sẽ phải khai báo.

Còn trường hợp số tiền trên là do phạm tội mà có hoặc trốn thuế, các đối tượng mới phải lén lút vận chuyển qua biên giới như vậy.

Do đó, luật sư Cường cho rằng, vụ án sẽ không dừng lại ở đây. Có lẽ cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm các tội danh khác, có thể là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; buôn lậu; buôn bán ma túy hoặc các tội phạm về tham nhũng... Chỉ có những loại tội phạm này mới có khả năng chiếm đoạt được số tiền đặc biệt lớn như vậy.

Nếu thu nhập từ lao động sản xuất kinh doanh đơn thuần, không thể có được số tiền đặc biệt lớn mà như thế. Thông thường với những nguồn tiền bất hợp pháp các đối tượng có thể còn bị xử lý thêm về tội rửa tiền.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc sai phạm đến đâu, xử lý đến đấy, hành vi nào cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo tội đó.

“Người nào vi phạm pháp luật, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có lẽ trong vụ án này sẽ khởi tố về nhiều tội danh và khởi tố thêm nhiều đối tượng khác. Nguồn gốc số tiền từ đâu ra là vấn đề rất quan trọng để làm rõ bản chất vụ án, phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm và để giải quyết triệt để vấn đề của vụ án này”- luật sư Cường cho hay.

Nguồn Báo Kiến Thức

0 comments:

Đăng nhận xét