Căn nhà nổi được thiết kế với phao nổi làm bằng bê tông siêu nhẹ là các mô-đun có thể ghép lại với nhau. Chi phí thiết kế, thi công chỉ hết 25 triệu đồng...
Mới đây, anh Lê Trung Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) đã hoàn thành việc thử nghiệm ngôi nhà tự nổi chống lũ do mình sáng chế. Phần đế ngôi nhà được ghép lại với nhau bằng các khối bê tông bọt khí siêu nhẹ, đây được xem là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho ngôi nhà.
Ngôi nhà đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra khi thử nghiệm tại hồ Yên Sở (Hà Nội) mới đây.
“Trong chuyến đi cứu trợ tại Quảng Trị, hình ảnh nước lũ dâng cao đến tận mái nhà, bà con ngồi trên nóc nhà chờ cứu trợ đã ám ảnh tôi và tôi suy nghĩ mãi về một giải pháp lâu dài hơn để giúp bà con sống chung với lũ", anh Lê Trung Hiếu chia sẻ về lý do nảy ra ý tưởng làm nhà tự nổi.
Ngôi nhà rộng 12m2, nặng 5,6 tấn, được lắp ghép từ 4 - 6 mô-đun bằng bê tông, mỗi mô-đun có kích thước 1,5m x 2m để dễ vận chuyển.
Các mô-đun được ghép lại với nhau bằng bu lông.
"Để ngôi nhà thêm vững chắc, tôi sử dụng cốt thép và thành bê tông dày 10-20cm. Ngôi nhà được thiết kế để đạt lực đẩy 8 tấn, trong đó trọng lượng khô của nhà khoảng 5 tấn, còn 3 tấn dành cho người trú ẩn và đồ đạc trong nhà. Phần phao được làm bằng bê tông siêu nhẹ, neo bằng tời quay tay tự nhả khi nước dâng và cuộn lại khi nước xuống. Với các chất liệu làm căn nhà này đảm bảo độ bền trên 15 năm", anh Hiếu cho biết về thiết kế của ngôi nhà.
Phần trên được lắp ghép bởi tôn tạo thành vòm có độ cao 1,9m và có thể chứa đồ đạc, người bên trong. Tùy từng địa phương mà có thể sử dụng những vật liệu khác nhau để chống nóng cho ngôi nhà, như tre, nứa, rơm rạ... lợp trên mái.
Mỗi mô-đun là một khối, có hầm để chứa đồ tích trữ chống lũ, bao gồm cả những đồ dùng trong nhà như xe máy, tivi, máy phát điện...
"Các căn nhà vượt lũ trước đây được cấu tạo bởi các phao nổi ở phía dưới, có trọng tâm trên cao nên rất chòng chành. Còn đối với căn nhà này có tải mang lớn, trọng tâm thấp bởi vì nó bằng bê tông. Với sức nặng thế này thì với các đợt sóng gió nhỏ ngôi nhà vẫn ổn định", anh Hiếu chia sẻ.
Hành lang phía hai bên hông ngôi nhà rộng khoảng 40cm có thể cho gia súc, gia cầm ở hoặc để các vật dụng khác.
"Tôi mong muốn sẽ có tổ chức, cơ quan chính quyền đứng ra kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của ngôi nhà nhằm thi công hàng loạt phục vụ bà con. Tôi cũng sẵn sàng cung cấp thiết kế, chuyển giao công nghệ miễn phí cho mọi người, hướng dẫn cách làm cho đơn vị nào có nhu cầu. Đây không phải là sản phẩm để kinh doanh nên tôi muốn chia sẻ rộng hơn bởi cho đi là còn mãi", anh Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Nguồn Báo Lao Động
0 comments:
Đăng nhận xét