Các đối tượng đứng đầu Liên Kết Việt lĩnh án đồng thời phải bồi thường hơn 300 tỉ đồng cho hơn 5.800 bị hại. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi những người bị hại làm thế nào để lấy lại số tiền đã bị lừa.
Lê Xuân Giang và đồng phạm nghe HĐXX tuyên án.
Cụ thể, HĐXX đã tuyên phạt Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT công ty, mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh trên, Lê Văn Tú (Tổng giám đốc) bị phạt 17 năm tù, Nguyễn Thị Thủy (Phó Tổng giám đốc) 18 năm tù.
Các bị cáo còn lại là Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Nguyễn Xuân Trường và Vũ Thị Hồng Dung (thành viên nhóm phát triển) lần lượt bị tuyên từ 13 đến 16 năm tù.
Cũng trong phiên tòa này, Tòa đã buộc bị cáo Giang phải bồi thường gần 300 tỉ đồng cho hơn 5.800 bị hại (đã xác định được thông tin, địa chỉ); đồng thời phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự với các bị hại còn lại của vụ án. Các bị cáo còn lại trong phiên xét xử cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo ý kiến Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư Hà Nội, mức án này hoàn toàn phù hợp, không bất ngờ. Bởi, vụ án này đang bị xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Tại khoản 4 của điều này, đối tượng lừa đảo với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ đối mặt từ 12 năm đến 20 năm tù giam hoặc phạt tù chung thân. Nguyên tắc xử lý là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố, chống đối sẽ bị áp dụng mức án cao nhất”, Luật sư Cường nói.
Trước câu hỏi, người bị hại làm thế nào để lấy lại được số tiền của mình, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ hội để lấy tài sản sẽ không đáp ứng tất cả nhu cầu của người bị hại.
Bởi, đối với số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm được một cách dễ dàng như vậy, thì các đối tượng sẽ có những phương thức, thủ đoạn rất nhanh để tẩu tán, rửa tiền và tránh sự truy tìm của các cơ quan chức năng.
Chính vì vậy, đối với số tiền này, các bị hại phải theo dõi, đã được cơ quan điều tra thu giữ hay chưa? Hiện đang thể hiện dạng như thế nào? Bất động sản, tài khoản ngân hàng, hay tiền mặt?.... Trên cơ sở sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị hại phải yêu cầu cơ quan chức năng thi hành án đối với số tiền đó, để lấy lại tài sản của mình.
Theo ý kiến của luật sư Cường, lý do đa cấp mọc lên như “nấm sau mưa”, ngoài sự thiếu hiểu biết của người dân thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa được làm tròn.
Theo Luật sư Cường, thực tiễn, cho thấy nhiều địa phương đã cho mượn hội trường, trụ sở cơ quan của mình cho các công ty đa cấp lừa đảo.
Cùng với đó, hệ thống văn bản luật của chúng ta chưa đầy đủ, hoàn thiện, chưa gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị. Khi có hoạt động lừa đảo, đa cấp xảy ra ở địa phương, chúng ta chưa xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cũng như là người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn có liên quan đến lĩnh vực đó.
“Một đặc điểm nữa, hoạt động đa cấp có một khoản thu nhập khủng khiếp, lấy tiền của người sau chia cho người trước. Thực tế, nó không mang lại giá trị xã hội, và số tiền sau khi được chia còn giữ lại rất nhiều.
Và số tiền đấy họ sẵn sàng dùng để thực hiện các hoạt động bôi trơn, hoạt động trái pháp luật để che giấu hành vi phạm tội. Vì vậy, nguy cơ sự thỏa hiệp buông lỏng là có. Tôi nghĩ trong việc này thì phải tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền với người dân thì chúng ta mới giải quyết được”- Luật sư Cường nói.
Nguồn Giáo Dục Thời Đại
0 comments:
Đăng nhận xét