Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo quy chế đào tạo thạc sĩ. So với quy định hiện hành, dự thảo có hai điểm mới quan trọng: thêm phương thức tuyển sinh và lần đầu tiên xuất hiện khái niệm đào tạo liên thông thạc sĩ.
Theo dự thảo, bên cạnh hình thức thi tuyển như hiện nay, dự thảo cho phép các trường có thể xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét khi tuyển học viên cao học. Bên cạnh ngoại ngữ, việc xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả học tập trình độ ĐH và kết quả của ít nhất 2 môn quan trọng trong các học phần bắt buộc theo yêu cầu của ngành đào tạo thạc sĩ. Ngưỡng đảm bảo đầu vào cho phương thức xét tuyển được quy định trong dự thảo này là đạt ít nhất 50% thang điểm của học phần trình độ ĐH sử dụng để xét tuyển.
Như vậy, nếu dự thảo quy chế này được thông qua, việc tuyển sinh đầu vào trình độ thạc sĩ sẽ thoáng hơn hẳn trước đây. Theo đó, ngưỡng để xét tuyển (không cần thi) để học chương trình thạc sĩ chỉ cần đạt mức trung bình trở lên và có thể nói, thạc sĩ cũng xét tuyển bằng “học bạ” ĐH.
Liên thông từ bậc học thấp hơn lên bậc học cao hơn trước nay chỉ áp dụng trong các bậc học trung cấp, CĐ và ĐH. Nhưng nay, hình thức liên thông này bắt đầu xuất hiện từ bậc ĐH lên thạc sĩ thông qua việc xét tuyển. Trong dự thảo của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, khái niệm chương trình tích hợp trình độ ĐH và thạc sĩ lần đầu tiên được nhắc đến.
Từ năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh sau đại học theo 3 phương thức: theo cách truyền thống với 3 môn thi; thi truyền thống kết hợp đánh giá năng lực gồm 3 môn thi; xét tuyển hồ sơ, phỏng vấn, bài luận (nếu có), ngoại ngữ (điều kiện). Năm 2019, ĐH Quốc gia TPHCM ban hành Quy chế tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ ĐH lên thạc sĩ. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tuyển 180 chỉ tiêu cho 9 ngành. Đối tượng dự tuyển là sinh viên năm thứ 3 và 4 đã tích lũy được từ 75 tín chỉ trở lên, với điểm trung bình từ khá trở lên (7/10 điểm). Với chương trình liên thông này, sinh viên sẽ học chương trình thạc sĩ ngoài giờ hành chính để rút ngắn thời gian học tập và có thể hoàn thành việc học ĐH và thạc sĩ trong vòng 4,5 - 5,5 năm.
Tương tự, Trường ĐH Bách khoa cũng triển khai chương trình liên thông này từ năm học 2019 - 2020. Sinh viên khá, giỏi sẽ rút ngắn ít nhất 1 năm so với chương trình bình thường. Trường này còn dự kiến xây dựng chương trình tích hợp kỹ sư - thạc sĩ (180 tín chỉ, thời gian học từ 5 - 5,5 năm).
Kẽ hở để mua bằng?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, cho biết, trong Luật Giáo dục ĐH có nói về 3 phương thức tuyển sinh ĐH, sau ĐH như các trường đã thực hiện hoặc thí điểm. Nhưng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, xét tuyển đối với bậc ĐH thời gian vừa qua chưa ổn do chất lượng đào tạo phổ thông và ĐH chưa hoàn toàn kiểm soát được.
TS. Khuyến lấy ví dụ về văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô. Vì vậy, ông cho rằng, vẫn phải thi lấy kết quả theo độ dốc; có như thế mới công bằng vì mỗi trường hiện nay một thang đánh giá. Theo ông, vấn đề hậu kiểm vẫn chưa làm tốt, nếu không cẩn thận, đây là kẽ hở để mua bằng.
PGS. TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói: “Cần phải có cơ chế hậu kiểm tốt hơn và Bộ GD&ĐT cũng nên quy định các trường khi tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển phải có đề án trình lên Bộ để đảm bảo chất lượng và chịu trách nhiệm”.
Nguồn TPO
0 comments:
Đăng nhận xét