Trưa 3-12, Công an TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự 'Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người' tại TP.HCM.
Tin liên quan: Xem xét sa thải nam tiếp viên hàng không làm lây Covid-19 ra cộng đồng
TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự "Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" tại TP.HCM - Anh: TỰ TRUNG
Trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Sỹ Quang cho biết liên quan trường hợp lây lan COVID-19 từ bệnh nhân 1342 là nam tiếp viên hàng không, Công an TP.HCM đã bước đầu điều tra và xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Công an TP.HCM đã chỉ đạo Cơ quan an ninh điều tra của Công an TP.HCM khởi tố vụ án ‘‘Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’ theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Phó giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi thêm với phóng viên về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói:
Sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM sẽ có kế hoạch điều tra toàn diện, khách quan để xác định xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và cá thể hóa trách nhiệm hình sự.
Còn về việc khi nào có quyết định khởi tố bị can và những bị can nào liên quan, ông Quang cho biết Cơ quan an ninh điều tra còn phải làm nhiều bước mới có quyết định khởi tố bị can.
Theo ông Quang, hiện có một số người liên quan vụ án đang bị bệnh, cách ly. Do đó cơ quan điều tra vừa tuân thủ quy định điều tra, vừa phải tuân thủ quy định về cách ly, phòng chống dịch bệnh cho nên phải có thời gian điều tra.
Trao đổi thêm, phó giám đốc Công an TP.HCM nói: qua một vụ án, ngoài việc xác định mức độ, tính chất vi phạm để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật, Cơ quan an ninh điều tra còn có chức năng phát hiện các lỗ hổng về hành lang pháp lý để kiến nghị các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn, giảm thiểu số người vi phạm.
Do vậy, trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM cũng sẽ xem xét nếu có những lổ hỗng về pháp lý thì sẽ kiến nghị các cơ quan bổ sung, sửa đổi.
Nếu đã có quy định nhưng ý thức thực hiện của người dân chủ quan thì cũng sẽ có nhiều biện pháp chấn chỉnh.
Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin về một số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM chiều 1-12, Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức với việc để người cách ly trong khu cách ly của Vietnam Airlines tiếp cận với nhau, cũng như việc bệnh nhân 1342 tiếp xúc với người ngoài trong thời gian cách ly tại nhà để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết quá trình cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines (115 Hồng Hà, quận Tân Bình) là mỗi chuyến bay cách ly một khu riêng.
Tuy nhiên, trong thời gian 4 ngày cách ly tại khu vực này, 2 bệnh nhân (trong đó có bệnh nhân 1342) đã vi phạm quy định và đi từ khu này xuyên qua khu kia. Đây là vi phạm quy định cách ly.
"Trong cùng một chuyến cũng không cho tiếp xúc chứ không phải khu này đi qua khu kia", ông Bỉnh nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo ngày 1-12, ông Từ Lương thông tin bệnh nhân 1342 có tên D.T.H., sinh năm 1992, là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines.
Có thể bị phạt tù 1-12 năm
Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 về ‘‘Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’ quy định:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 5-10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 10-12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
b) Làm chết hai người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét