Dù chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nhưng những người môi giới của ngân hàng tự xưng Etop Bank đã liên tục tổ chức các sự kiện đông người để huy động vốn.
Không chỉ quảng cáo trả lãi cao mà Etop Bank còn tung ra nhiều chiêu nhằm hút thêm nhiều người tham gia vào hệ thống, trong đó có việc trả hoa hồng rất cao cho những người tham gia nếu mời chào được những người mới.
Những lời chúc tụng tiền tỷ, những buổi tiệc hạng sang, cho đến việc có những cọc tiền lớn, mua thêm nhà, thêm xe… là những hình ảnh hấp dẫn khó cưỡng, khiến một người phụ nữ đã đi vay nặng lãi để rót tiền vào Etop Bank.
"Đây không phải là một dự án trò chơi mà là gửi tiền vào ngân hàng quốc tế. Lợi nhuận mà họ trả hàng tháng cho chúng tôi là 30%. Tổng cộng số tiền mà tôi vào là 480 triệu đồng", người phụ nữ tham gia vào mô hình Etop Bank chia sẻ.
Do tiền hoa hồng lớn, nên không ít người tham gia đã dùng đủ mọi cách để lôi kéo thêm người.
Ngoài hứa hẹn lãi lớn, Etop Bank còn đưa ra chế độ hoa hồng cao, lên đến 15% nếu mời chào thêm được người tham gia mới, tức nếu người tham gia mới bỏ ra 1 tỷ đồng thì ngay lập tức môi giới sẽ được hưởng 150 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu người tham gia phát triển được hệ thống theo mô hình kim tự tháp, tương tự như mô hình đa cấp, từ E0 cho đến E8, thì sẽ được nhận thêm 10% doanh số toàn hệ thống.
Chỉ cần mời được hàng chục người tham gia trở lên, người đứng đầu có thể nhận được hơn 1 tỷ đồng tiền hoa hồng doanh số mỗi tháng. Do tiền hoa hồng lớn nên không ít người tham gia đã dùng đủ mọi cách để lôi kéo thêm người.
Một người phụ nữ tự giới thiệu là đứng đầu nhóm Etop Bank tại Hà Nội cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn người phụ nữ này đã mời chào được 40 người tham gia với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ngoài hứa hẹn lãi lớn, Etop bank còn đưa ra chế độ hoa hồng cao, lên đến 15%.
Có dấu hiệu của việc hoạt động theo phương thức đa cấp và trong một số tài liệu, Etop Bank cũng tự khẳng định mình là đa cấp đầu tư. Thế nhưng, theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, Etop Bank chưa được cấp phép hoạt động đa cấp tại Việt Nam. Mới đây, trong một buổi họp báo Chính phủ, đại diện Bộ Công Thương cũng lên tiếng chỉ rõ bản chất của các mô hình huy động vốn lãi "khủng" trên mạng.
"Tiền người tham gia nộp vào hệ thống là tiền thật, trong khi những lợi ích hay hoa hồng được ghi nhận trên hệ thống là các loại tiền ảo hay ví điện tử. Những loại tiền ảo và ví điện tử này đều không được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận là công cụ thanh toán hợp pháp", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Trao đổi với phóng viên VTV, đại diện đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cũng cho biết, cơ quan này đã nhận được đơn thư của nhiều người tham gia dự án Etop Bank và đang tiếp tục xác minh điều tra.
Nguồn VTV
0 comments:
Đăng nhận xét