7 thg 12, 2020

Siêu dự án ‘tỷ đô’ trên giấy 25 năm, cử tri đề nghị Hà Nội truy trách nhiệm

Cử tri đề nghị Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về việc Dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 với quy mô khoảng 6ha tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ dự tính sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn... nhưng đến nay sau 25 năm vẫn chỉ "nằm" trên giấy.


Dự án Sông Hồng City sau 25 năm vẫn “bất động”

Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra từ ngày 7- 9/12. Một trong những vấn đề quan tâm của cử tri và nhân dân Thủ đô thời gian qua là việc nhiều dự án chậm triển khai, gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Dự án Sông Hồng City sau 25 năm vẫn chỉ trên giấy gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Có thể kể đến như Dự án xây dựng khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê (Dự án Sông Hồng City) tại khu vực hồ Nghĩa Dũng (nay thuộc địa giới phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và phường Phúc Xá, quận Ba Đình), sau 25 năm từ ngày được cấp giấy phép đầu tư đến nay vẫn "bất động" khiến cử tri đề nghị Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

Liên quan đến dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT) Hà Nội cho biết, dự án Sông Hồng City được ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư năm 1994 cho phép Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) Pte, Ltd (Singapore) thành lập Công ty liên doanh có tên là Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện trong vòng 8 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng và đưa các công trình xây dựng vào vận hành.

Tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi 60.000m2 đất tại khu vực hồ Nghĩa Dũng cho Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội thuê để liên doanh với nước ngoài xây dựng dự án. Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội đã được nhận bàn giao đất tại thực địa ngày vào tháng 7/1995.

Đến tháng 9/1995, UBND TP quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển đô thị (thời hạn sử dụng đất là 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039) và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án Sông Hồng City.

Tuy nhiên, sau 25 năm đến nay dự án Sông Hồng City vẫn chỉ nằm trên giấy gây bức xúc cho người dân.

Vướng mắc về quy hoạch và pháp luật Đê điều

Sở TN-MT cũng cho biết, ngày 8/7/2019, Sở TN-MT có Kết luận thanh tra số 1953 về việc chấp hành pháp luật đất đai đối với dự án Sông Hồng City.

Dự án Sông Hồng City dừng triển khai nhiều năm qua do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng.

Theo đó, đến thời điểm thanh tra là 24 năm, dự án chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chưa đưa đất vào sử dụng để thực hiện dự án, vi phạm Luật Đất đai năm 2013… Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND phường Yên Phụ, việc chậm triển khai của dự án đã được cử tri địa phương nhiều lần có ý kiến đề nghị UBND phường báo cáo các cấp có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ. Nhiều hộ gia đình có nhà thuộc phạm vi thực hiện của dự án hiện đang bị xuống cấp, nguy hiểm.

Mặt khác, hiện nay UBND TP đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 và giao cho Sở QH-KT là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm định.

Do vậy, cần rà soát, xem xét đánh giá về tiến độ góp vốn đầu tư, tiến độ thực hiện và tính khả thi của dự án đầu tư phù hợp với Quy hoạch phân khu và quy định của pháp luật hiện hành để kiến nghị đề xuất biện pháp xử lý cụ thể, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và người dân có đất nằm trong phạm, vi thực hiện của dự án.

Từ các nội dung kết luận thanh tra nêu trên, Sở TN-MT báo cáo UBND TP có văn bản chỉ đạo, giao Sở KH-ĐT chủ trì cùng các Sở: QH-KT, Xây dựng, Tài Chính, TN-MT, UBND quận Tây Hồ, UBND quận Ba Đình tổ chức kiểm tra, rà soát về tiến độ góp vốn đầu tư, tiến độ thực hiện của dự án theo đúng giấy phép đầu tư.

Đồng thời, xem xét đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư phù hợp với Quy hoạch phân khu, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính và quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.

Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) Hà Nội cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân chủ quan, theo Sở KH-ĐT, giai đoạn từ năm 1997-2001, do ảnh hường và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.

Về nguyên nhân khách quan, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng.

Cụ thể, từ năm 2001, dự án bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 01/01/2001). Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, dự án thuộc quy hoạch thoát lũ.

TP Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ Sông Hồng.

Vị trí khu đất dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND TP đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản số 5601 ngày 6/7/2011, UBND TP chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản.

Hiện nay, Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai nghiên cứu lập theo Nhiệm vụ Quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 4770 ngày 23/10/2012.

Ngày 18/02/2016, tại Quyết định số 257, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. UBND Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, trình HĐND TP thông qua. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).

Từ những vướng mắc trên, Sở KH-ĐT đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành: QH-KT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập và phê duyệt quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu làm cơ sở để nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo UBND quận Tây Hồ, quận Ba Đình tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Sau khi dự án dừng triển khai, dự án Sông Hồng City tiếp tục được các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xướng. Hồi tháng 9/2009, Chính phủ cho phép Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu, xem xét lập quy hoạch xây dựng Sông Hồng City với tổng vốn đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD.

Trong đó, xây dựng các công trình là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,564 tỷ USD. Còn hơn 1/2 số vốn còn lại là xây dựng các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng, khách sạn 5 sao, khu phức hợp quốc tế công nghệ, tài chính, chứng khoán.... Dự án do các chuyên gia Hàn Quốc lập quy hoạch xây dựng.

Theo Tiền phong

0 comments:

Đăng nhận xét