7 thg 1, 2021

Bất chấp Covid-19, các ngân hàng vẫn đua báo lãi đậm trong năm 2020

Một điểm chung của gần chục ngân hàng đã tiết lộ kết quả hoạt động là các chỉ số kinh doanh trọng yếu đều tốt hơn nhiều so với năm 2019, bất chấp dịch bệnh Covid-19 xảy ra.


Mặc dù chưa vào mùa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 nhưng thời điểm này nhiều ngân hàng đang triển khai kế hoạch kinh doanh 2021 và kết quả kinh doanh của cả năm 2020 cũng đã lộ diện. Một điểm chung dễ nhận thấy của gần chục ngân hàng đã tiết lộ kết quả hoạt động là các chỉ số kinh doanh trọng yếu đều tốt hơn nhiều so với năm 2019, bất chấp dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành chia sẻ với báo giới rằng ông và các cán bộ chủ chốt của ngân hàng vừa trải qua phiên họp về hoạt động năm 2020 vào buổi chiều ngày 6/1 với kết quả đều hết sức "phấn khởi".

5 điểm nhấn quan trọng mà ngân hàng đạt được trong năm qua đó là: nợ xấu thấp nhất ngành (0,6%) với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất ngành (380%); tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành (tăng trưởng 14% tương đương có 110 nghìn tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường); giá cổ phiếu cao nhất ngành (105 nghìn đồng/cổ phiếu) giúp vốn hóa thị trường đứng số 1 đạt gần 390 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 nhiều nhất với 5 đợt giảm lãi suất, và đến thời điểm đầu năm 2021 thì tất cả các doanh nghiệp trong cả nước vẫn đang được hưởng ưu đãi lãi suất 1%; cuối cùng là nộp ngân sách nhiều nhất với 9.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, mặc dù 2020 là năm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây không tăng trưởng lợi nhuận với mức 23.000 tỷ đồng, song Vietcombank vẫn đang là ngân hàng có lãi cao nhất hệ thống.

Cũng trong chiều ngày 6/1, tại buổi sơ kết hoạt động năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của VietinBank, chủ tịch ngân hàng là ông Lê Đức Thọ cũng cho biết năm 2020 ngân hàng vượt xa các chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ 16.450 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với gần 11.500 tỷ của năm 2019), vượt xa mục tiêu đặt ra; Chỉ số sinh lời trên vốn (ROE) và trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 16,8% và 1,3%. Thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019, tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 16,5% lên gần 20,1%, trong đó thu thuần dịch vụ tăng gần 12% so với năm 2019, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 24%, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vốn tăng 70%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập CIR được kiểm soát giảm từ mức 37,7% xuống còn 35%.

Một ông lớn ngân hàng khác là BIDV cũng đã tổng kết hoạt động với lợi nhuận năm 2020 ở mức hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 8.515 tỷ. Tại thời điểm cuối năm 2020 ngân hàng ghi nhận tổng tài sản đạt 1,49 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2016-2020; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư tăng trưởng 9% đạt 1,43 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8,8%. Huy động vốn đến 31/12/2020 đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Xét về tài sản và vốn, BIDV đang là ngân hàng lớn nhất hệ thống.

Ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm nay không phải 3 ngân hàng nói trên mà là TPBank. Trong thông báo phát đi ngày 2/1, ngân hàng cho biết kết thúc năm 2020, tổng tài sản của TPBank đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động vốn đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15%. Tổng thu nhập hoạt động 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế tăng 11% đạt hơn 4.200 tỷ đồng. Chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%. Chỉ số chi phí trên thu nhập hoạt động thuần CIR ở mức 39,69%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,14%.

Tại ngân hàng MSB, trong thông tin mới công bố ngày 5/1, ngân hàng ước tính tổng tài sản năm 2020 tăng 13% so với 2019, đạt trên 178 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. Tổng thu nhập thuần tăng gần 52% so với năm 2019 lên mức 7.013 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi ròng 4.705 tỷ, tăng 57% so với năm trước trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, tập trung tăng trưởng quy mô ở các hạng mục tài sản sinh lời cao và quản lý tốt nợ xấu. Tổng thu nhập ngoài lãi tăng đến 42%/năm, đóng góp hơn 2.300 tỷ cho tổng thu nhập thuần. Đặc biệt, thu thuần về hoạt động dịch vụ tăng đến 50%. 

Về chất lượng tài sản, MSB đã xử lý hết toàn bộ trái phiếu VAMC trong quý 3/2020. Tổng nợ xấu cuối năm 2020 ước tính đạt dưới 2%; CAR dự kiến đạt hơn 10%. Từ kết quả kinh doanh vượt dự đoán trong năm 2020, MSB còn đưa ra dự tính trả cổ tức tối thiểu 15% cho cổ đông sau khi được thông qua trong Đại hội cổ đông thường niên, dự kiến tổ chức vào tháng 3-4 tới.

Một ngân hàng nữa là ABBank cũng mới cập nhật kết quả kinh doanh năm 2020 khi lợi nhuận 11 tháng đã đạt 1.378 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm. Các chỉ số khác như huy động vốn, cho vay khách hàng, tổng tài sản cũng đều tăng khá, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,32%.

Trước đó một số ngân hàng thực hiện lên sàn hoặc chuyển sàn niêm yết trong tháng 11, tháng 12 cũng có phát đi thông tin mới về kết quả kinh doanh với lợi nhuận rất cao và vượt kế hoạch cả năm sớm hơn dự kiến.

Chẳng hạn mới 11 tháng ACB đã có lợi nhuận trước thuế đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm; tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7%; Huy động vốn tăng trưởng 11,5% đạt 343.000 tỷ đồng; Tín dụng ở mức 305.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% và nợ xấu được kiểm soát dưới 1%. Hay tại VIB trong 10 tháng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm với hơn 4.570 tỷ đồng.

Các ngân hàng còn lại chắc chắn cũng sẽ sớm công bố kết quả kinh doanh khi đều có kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngay trước Tết Nguyên đán. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, và ngân hàng không thể miễn nhiễm, nhưng với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và có các phương án kịp thời để cắt giảm chi phí, kiểm soát chất lượng hoạt động nên nhìn chung bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2020 dự báo vẫn sẽ khá "đẹp".

Nguồn Doanh nghiệp và Tiếp thị

0 comments:

Đăng nhận xét