Dư nợ tại các CTCK hầu hết đều tăng mạnh trong quý 4/2020 và đây cũng là giai đoạn bùng nổ của TTCK Việt Nam. Trong đó, SSI là CTCK có tăng trưởng dư nợ cho vay ấn tượng nhất quý 4 với mức tăng 96% (so với quý 3) lên 9.226 tỷ đồng.
TTCK Việt Nam vừa trải qua quý 4 đầy tích cực với sự bứt phá mạnh của các chỉ số chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch 31/12/2020, chỉ số VN-Index dừng tại 1.103,87 điểm, tăng 21,9% so với quý trước và tăng gần 15% so với đầu năm. Cùng với sự bứt phá mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể trong giai đoạn cuối năm.
Giá trị khớp lệnh bình quân sàn HoSE trong quý 4 đạt 8.715 tỷ đồng/phiên, tăng gần gấp đôi so với quý trước và tăng 175% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản quý 4 vừa qua cũng được ghi nhận là cao nhất lịch sử TTCK Việt Nam, vượt xa đỉnh trước đó vào quý 1/2018 (6.295 tỷ đồng/phiên).
Thanh khoản HoSE lập kỷ lục trong quý 4/2020.
Sự cải thiện thanh khoản trong quý vừa qua không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 4/2020 vào khoảng 90.000 tỷ đồng (~3,9 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK đã tăng thêm gần 30.000 tỷ đồng.
Trong số dư nợ 90.000 tỷ đồng kể trên có khoảng 81.000 tỷ đồng là dư nợ margin, còn lại là các khoản ứng trước tiền bán. Trong thông báo gần đây, đại diện UBCKNN cho biết vốn chủ sở hữu của các CTCK hiện nay khoảng 87.000 tỷ đồng và con số 81.000 tỷ đồng dư nợ margin kể trên là vẫn khá an toàn và không đáng lo ngại.
Tính riêng 20 CTCK lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối năm 2020 lên tới 81.265 tỷ đồng, tăng khoảng 23.600 tỷ (+41%) so với quý 3 và tăng 88% so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý 1.
Dòng tiền margin từ các nhà đầu tư nội đã góp phần quan trọng giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian qua. Tính riêng quý 4/2020, khối ngoại đã bán ròng hơn 13.000 tỷ đồng trên HoSE. Thông thường mỗi khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, diễn biến thị trường sẽ tiêu cực nhưng trong những quý gần đây, dòng tiền nội (bao gồm tiền margin) đã "cân" lại lực bán này.
SSI bứt phá mạnh dư nợ cho vay trong quý 4/2020, "phả hơi nóng" vào Mirae Asset
Dư nợ tại các CTCK hầu hết đều tăng mạnh trong quý 4/2020 và đây cũng là giai đoạn bùng nổ của TTCK Việt Nam. Trong đó, SSI là CTCK có tăng trưởng dư nợ cho vay ấn tượng nhất quý 4 với mức tăng 96% (so với quý 3) lên 9.226 tỷ đồng.
Một số CTCK top đầu cũng có dư nợ cho vay tăng mạnh so với quý trước như VPS (+83% lên 5.813 tỷ đồng), VND (+76% lên 4.706 tỷ đồng), HSC (+43% lên 8.624 tỷ đồng), TVSI (+86% lên 2.506 tỷ đồng)…
Ở nhóm CTCK có dư nợ dưới 1.000 tỷ, Pinetree là cái tên đáng chú ý khi dư nợ cuối năm 2020 tiếp tục tăng trưởng mạnh 59% so với quý 3 lên 392 tỷ đồng. Sau khi được Hanwha mua lại và đổi tên, Pinetree đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về phí giao dịch cũng như lãi suất, qua đó thu hút lượng lớn nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Mirae Asset tiếp tục củng cố vị trí số 1 về dư nợ cho vay với mức tăng trưởng 15% trong quý 4 lên 11.132 tỷ đồng, đây cũng là kỷ lục mới về dư nợ trên TTCK Việt Nam. Dư nợ cho vay của Mirae Asset cuối quý 4 bằng xấp xỉ dư nợ VPS (5.813 tỷ đồng) và VND (4.706 tỷ đồng) cộng lại.
Thời gian gần đây, áp lực cạnh tranh đến từ các CTCK ngoại đang diễn ra một cách mạnh mẽ, đặc biệt đến từ nhóm CTCK vốn Hàn Quốc. Với tiềm lực tài chính hùng hầu, các CTCK ngoại đang ồ ạt tăng vốn lên hàng nghìn tỷ và gây ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ với các CTCK nội trên mọi phương diện, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).
Điều này có thể thấy khi top 10 CTCK có dư nợ margin lớn nhất thị trường thời gian gần đây thường có sự hiện diện của các CTCK ngoại, đặc biệt các CTCK Hàn Quốc. Trong quý 4 vừa qua, có 3 CTCK Hàn Quốc xuất hiện trong top 10 dư nợ, bao gồm Mirae Asset, KIS và KB Securities.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
0 comments:
Đăng nhận xét