Dòng tiền nội đổ vào mạnh mẽ, chứng khoán được nhắc tới khắp nơi khiến nhiều người liên tưởng đến giai đoạn thị trường chứng khoán năm 2007.
“Bán là mất, mua là được”
2007 là giai đoạn thị trường chứng khoán trong nước thăng hoa, VN-Index có thời điểm leo lên mức 1.179,32 điểm. Chứng khoán tạo được sức hút đặc biệt với người dân, đi đâu người ta cũng nghe nói tới chứng khoán, từ bà bán nước tới chị bán rau cũng sôi nổi bàn luận và cứ mua là thắng.
“Bán là mất, mua là được” cũng là cụm từ được cộng đồng nhà đầu tư nhắc đến rất nhiều trong giai đoạn vừa qua khi thường xuyên gặp tình trạng hôm trước vừa chốt lời thì hôm sau cổ phiếu lên mức giá cao hơn.
Chiến thuật đợi điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, hoặc đảo vòng mới cũng không thể thực hiện theo tính toán như lúc thị trường trước giai đoạn xuất hiện đại dịch Covid-19.
Lý do rất đơn giản, dòng tiền nội quá lớn chảy qua nhiều nhóm cổ phiếu khiến cổ phiếu không giảm mạnh, cộng thêm tốc độ luân chuyển của dòng tiền qua các nhóm cổ phiếu rất nhanh giúp duy trì “nhiệt” khá tốt cho các cổ phiếu.
Hay như cách ví von của một nhà đầu tư có thâm niên là “chưa kịp điều chỉnh đủ thì dòng tiền đợt mới đã tràn tới”.
Thanh khoản thị trường đã tăng mạnh từ quý IV/2020. Đặc biệt trong tháng cuối năm, thị trường chứng khoán thường xuyên xuất hiện những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh đạt trên 15.000 tỷ đồng. Tuần đầu năm 2021, các phiên giao dịch thậm chí đạt được thanh khoản 18.000 tỷ đồng.
Dòng tiền nội dồi dào nâng đỡ thị trường đã có nhiều lý giải trước đó, chủ yếu là do bệnh dịch Covid-19 khiến các kênh đầu tư đều gặp khó khăn, chỉ còn kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn (diễn biến này xảy ra ở nhiều thị trường khác trên thế giới) và dòng tiền rẻ được kích hoạt và ai cũng có thể tham gia.
Đặc biệt trong đó, còn có một lượng không nhỏ (dù chưa thể thống kê một con số chính xác) đến từ các nhà đầu tư tổ chức - là các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã không thể triển khai kế hoạch đầu tư dự án như kế hoạch, dư lượng tiền mặt trong công ty cũng “trích” ra tham gia chứng khoán, với kỳ vọng có thể sinh lời và trang trải các chi phí.
Tuy nhiên, để diễn giải cho sự gia tăng thanh khoản đột biến trên, còn có một tác nhân khác không kém phần quan trọng chính là “hiệu ứng lan truyền”. Tham gia thị trường chứng khoán và kiếm lời khá tốt trong năm Covid, men say chiến thắng kích thích các nhà đầu tư F0 mạnh dạn rót thêm tiền vào cổ phiếu.
Chứng khoán được nhắc nhiều hơn trong đời sống thường ngày của họ, lôi cuốn thêm những người xung quanh họ cùng “thử chơi” chứng khoán. Những lời rỉ tai, từ người này qua người kia, tạo thành dòng tiền cuồn cuộn trên thị trường.
Ông Bùi Thế Tân, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chia sẻ, có thể mỗi nhà đầu tư mới có giá trị giao dịch chưa nhiều, nhưng mỗi người góp lại đã tạo nên một làn sóng đầu tư vô cùng lớn, đi đâu cũng nói về thị trường chứng khoán, trở thành một yếu tố kích thích mạnh mẽ đối với thị trường và kết quả đã tạo nên một lượng cầu mạnh mẽ trong thời gian qua.
F0 len lỏi tới “các cô, các bà và lũ trẻ”
Có dịp trò chuyện cùng một nhóm nhà đầu tư có tài khoản giao dịch giá trị lớn cũng như dày dạn kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường chứng khoán, họ đều chung cảm nhận số lượng nhà đầu tư F0 đang tăng nhanh quá mức, len lỏi xuống tới cả “các cô, các bà và cả lũ trẻ”.
Sức cầu tăng quá nhanh đã đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng nhanh, bất chấp nền tảng cơ bản của các doanh nghiệp chưa có nhiều khởi sắc và điều này ẩn chứa nhiều rủi ro.
Theo ghi nhận của người viết, đã có những nhóm nhỏ người dân ở độ tuổi trung niên ở Long An, Tiền Giang… “gửi một, hai trăm triệu đồng lên Sài Gòn chơi chứng khoán”.
Tại các khu vực gần TP.HCM như Dĩ An, Thuận An… thuộc tỉnh Bình Dương, có nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9x cũng liên hệ với các nhân viên môi giới chứng khoán để mở tài khoản “đánh chứng khoán, kiếm tiền tiêu Tết”.
Các F0 này thậm chí còn chưa hiểu rõ chứng khoán là gì, nhưng cứ nghe người này người kia kể về những khoản lãi lớn khi đầu tư chứng khoán, nhân đôi nhân ba tài khoản, họ cũng muốn thử theo xem sao.
Theo các nhà đầu tư lớn ở trên, nhà đầu tư F0 không hẳn không giỏi đầu tư, họ có thể đang thu thành quả rất tốt, nhưng khi người dân ùn ùn đổ tiền vào chứng khoán mà tỷ trọng những người chưa hiểu biết về chứng khoán, chưa từng tìm hiểu về doanh nghiệp tăng lên, mua bán theo “rủ rê” thì nhất định phải cẩn trọng hơn.
Bởi chỉ cần một “tổn thương” bước đầu, những F0 chưa có kinh nghiệm thường sẽ “bỏ chạy theo đám đông” và khi đó, thị trường sẽ điều chỉnh rất sâu.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư khác cũng tham gia thị trường từ sớm, năm 2007, số lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán rất nhỏ, nhà đầu tư chuyên nghiệp ít, trong khi nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ rất nhiều nên “tính bầy đàn rất kinh khủng”.
Còn nay thì khác, số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp nhiều hơn, kiến thức nhà đầu tư đã được nâng lên. Thị trường có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại hơn và sự tham gia tạo lập thị trường của các quỹ đầu tư, cũng như các công ty chứng khoán.
Theo nhà đầu tư này, “việc có thêm nhiều nhà đầu tư chưa có hiểu biết đầy đủ về chứng khoán làm nên sự đa dạng cho cộng đồng nhà đầu tư, làm giảm đi rủi ro như năm 2007, với toàn là những nhà đầu tư cá nhân với nền tảng hiểu biết chứng khoán chưa vững”.
Bám sàn từ những ngày đầu thành lập, ông N.D.A, từ một nhà đầu tư, trở thành nhà môi giới, tiến đến vị trí quản lý và nay thành lập công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam nhìn nhận, mốc 1.200 điểm của chỉ số VN-Index thời 2007 là mốc kỳ vọng, chứ hoàn toàn chưa phải thực chất.
Đây là hiệu ứng tâm lý khi Việt Nam hội nhập WTO, mà chưa lường trước hết được những cạm bẫy, rủi ro, thách thức khi những doanh nghiệp non trẻ, thiếu kinh nghiệm, quản trị, vốn… vươn ra thị trường quốc tế.
Nhưng 12 năm sau, câu chuyện đã khác, doanh nghiệp đã trưởng thành, Chính phủ có nhiều kinh nghiệm hơn trong điều hành.
FDI bùng nổ không phải là con số thành tích, các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều đón làn sóng dịch chuyển nhà máy trong các cuộc căng thẳng thương mại giữa các cường quốc… Việt Nam đang nổi lên trên bản đồ thế giới với chỉ số GDP tăng trưởng dương trong năm 2020 và dự báo hồi phục tốt trong năm 2021.
Mặt khác, nút thắt thanh khoản của thị trường bao năm qua cũng đang được giải quyết, khi mà mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm mạnh không còn hấp dẫn. Các kênh đầu tư khác đang gặp khó thì việc dòng tiền đổ vào chứng khoán và đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều dư địa phát triển là điều dễ hiểu.
Khi giá cổ phiếu tăng quá mạnh thì sẽ sớm tới điểm điều chỉnh
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt.
Thị trường chứng khoán hiện nay và năm 2007 giống nhau ở kỳ vọng. Trong quá khứ, thị trường tăng mạnh ngay khi có thông tin Việt Nam gia nhập WTO, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.
Còn bây giờ, thị trường đang tăng mạnh nhờ kỳ vọng kinh tế phục hồi sau khi Chính phủ khống chế được dịch Covid-19. Điều này cũng được lượng hóa bằng chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% (kỳ vọng có thể hơn), tương đương mức tăng trước khi có dịch Covid-19.
Một điểm có thể xem là giống nhau nữa là dòng tiền. Đầu năm 2007, chứng khoán tăng ngoài yếu tố kỳ vọng nói trên, còn nhờ dòng vốn ngoại đổ vào. Không có dữ liệu dòng vốn ngoại thời gian đó, nhưng tôi nhớ rằng khối ngoại đã giải ngân nhiều vào các largecap niêm yết liên tục trong vài tháng. Hiện nay, khác biệt là từ dòng vốn nội, phần là từ các nhà đầu tư mới (chủ yếu là cá nhân và thường được gọi là F0).
Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là mục đích đầu tư. Năm 2007, tôi tin rằng, vốn ngoại đổ vào là nhằm đầu tư dài hạn, tập trung vào các doanh nghiệp lớn, ở các nhóm ngành kinh tế với kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ khai thác tốt được cơ hội từ WTO. Còn bây giờ, tính đầu cơ cao hơn. Tất nhiên, mọi kỳ vọng đều hướng về doanh nghiệp, nhưng đối với những nhà đầu tư F0, rất nhiều trong số này mua ngắn hạn để tranh thủ giá cổ phiếu tăng, tốc độ luân chuyển dòng tiền rất nhanh.
Khi giá cổ phiếu tăng quá nhanh, quá mạnh, thoát khỏi yếu tố nội tại doanh nghiệp thì sẽ sớm tới điểm điều chỉnh. Nhưng chắc chắn, cần có một lý do nào đó để thị trường kích hoạt điều chỉnh, thay vì chờ đến khi nhà đầu tư cùng nhận ra cổ phiếu có định giá (theo P/E chẳng hạn) cao quá.
Tôi cho rằng, yếu tố kích hoạt điều chỉnh chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là diễn biến chứng khoán Mỹ. Thực tế, giai đoạn tháng 4/2020, thị trường Việt Nam tăng nhanh, mạnh nhưng vẫn là theo diễn biến chứng khoán Mỹ. Nếu chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ điều chỉnh mạnh, thị trường chứng khoán trong nước cũng sẽ điều chỉnh theo.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét